Đơn vị sự nghiệp vẫn muốn “bấu víu” ngân sách

Đơn vị sự nghiệp vẫn muốn “bấu víu” ngân sách
TP - Chiều 26/10, tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Tài chính Hành chính Sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, số tiền ngân sách nhà nước hằng năm chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập cực kỳ lớn.

Tuy vậy, ông Phạm Văn Trường nhận định, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập từ nhà nước bao cấp sang tự chủ rất mới nên các bộ ngành cũng thận trọng. “Một số đơn vị sự nghiệp chưa sẵn sàng, còn tâm lý trông chờ vào ngân sách nhà nước. Cũng mong báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các bộ ngành, địa phương và trực tiếp đơn vị sự nghiệp công. Hiện chúng tôi cũng rất sốt ruột”, ông Trường nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, phần ngân sách nhà nước tiết kiệm được sau khi các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính sẽ được dùng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, người nghèo, khu vực khó khăn… Đồng thời, một phần tiền tiết kiệm được sẽ dùng cải cách tiền lương. Như ngân sách tiết kiệm trong chi cho đơn vị y tế sẽ được dùng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, cải thiện thu nhập nhân viên y tế, chi cho y tế dự phòng…

Nghị định 16/2015 của Chính phủ đưa ra lộ trình, hết quý 4/2015, các bộ ngành phải xây dựng và trình Chính phủ ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực mình quản lý. Tuy nhiên, tới nay (quá hạn 1 năm) mới có 2 nghị định được ban hành, 4 nghị định mới trình Chính phủ. Thậm chí, nghị định về tự chủ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (của Bộ GD&ĐT xây dựng) vẫn chưa trình Chính phủ. Vì quy định còn thiếu, nên tới nay mới thực hiện được một phần tự chủ tài chính với đơn vị y tế, khoa học - công nghệ. Để thực hiện được chủ trương trên có kết quả, trả lời báo chí, ông Trường nhiều lần lặp lại cụm từ “quyết tâm, kiên quyết” từ cấp Chính phủ tới địa phương, các đơn vị sự nghiệp. “Bộ Tài chính đã có rất nhiều văn bản đôn đốc các bộ ngành triển khai tự chủ tài chính với các đơn vị sự nghiệp do mình quản lý, mới đây là gửi Bộ Y tế, GD&ĐT, vì đây là 2 lĩnh vực lớn, điều chỉnh. Tới nay, mới có ngành y tế, khoa học- công nghệ triển khai, các ngành khác vẫn chưa”, ông Trường nói…

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện cả nước có hơn 5.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, mới có 170 đơn vị (khoảng 3%) có nguồn thu đủ chi phí hoạt động thường xuyên, số còn lại ngân sách nhà nước phải hỗ trợ.

MỚI - NÓNG