Ủy viên Trung ương Ðảng, Trưởng ban kinh tế T.Ư Vương Ðình Huệ:

“Dòng máu Việt phải chảy trong doanh nhân Việt”

Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng ban kinh tế T.Ư Vương Ðình Huệ.
Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng ban kinh tế T.Ư Vương Ðình Huệ.
TP - “Ði qua 30 năm đổi mới, kinh tế đất nước nhiều đổi thay, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt ngày một trưởng thành. Ðã đến lúc cần Xây dựng thương hiệu Quốc gia với sự góp mặt của đội ngũ doanh nhân Việt Nam”- Trong cuộc trò chuyện dành riêng cho báo Tiền Phong nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, Trưởng ban kinh tế Trung ương- ông Vương Ðình Huệ khẳng định.

Doanh nghiệp, doanh nhân luôn được coi trọng

Việt Nam đã đi qua 30 năm đổi mới, nhìn lại và đánh giá về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, trên cương vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông có thể đưa ra nhận xét gì? 

Nhìn lại 30 năm Ðổi mới, về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có 3 điểm nhấn rất nổi bật: Thứ nhất, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam như là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; Thứ ba, ngày 13/10 hàng năm được Ðảng và Nhà nước ta gọi là ngày Doanh nhân Việt Nam để tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Với 3 loại hình doanh nghiệp gồm Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp FDI, Doanh nghiệp tư nhân, chúng ta nên chọn mũi nhọn nào để phát triển kinh tế đất nước, thưa ông?

“Không nên phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước; cũng không nên phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ mà quan trọng là dòng máu Việt phải chảy trong doanh nghiệp Việt. Nói về điều này, tôi rất thích ý mà anh Trương Đình Tuyển từng ví và gọi họ là Doanh nghiệp Dân tộc”. 

Ông Vương Ðình Huệ, trưởng ban kinh tế Trung ương 

Chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật nhà nước đều coi các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật và đều có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định cần có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam, không phân biệt thuộc sở hữu Nhà nước hay tư nhân, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực và địa bàn mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không thể làm. 

Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước theo các nguyên tắc thị trường. Ðồng thời thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi sự doanh nghiệp. Tăng cường lựa chọn khi thu hút FDI và kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.

“Dòng máu Việt phải chảy trong doanh nhân Việt” ảnh 1

Doanh nghiệp nhà nước luôn được ví như những quả đấm thép và giữ vị trí then chốt với nền kinh tế đất nước, từ góc độ quản trị, ông có nhận xét gì?

Nếu nói đến doanh nghiệp nhà nước tôi muốn đơn cử hai doanh nghiệp tiêu biểu, đó là Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel và Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex).

Viettel là câu chuyện điển hình của thành công, rất đáng suy ngẫm. Bản thân tôi khi còn làm Tổng kiểm toán Nhà nước nhưng cũng không cập nhật được kịp tăng trưởng và số liệu của Viettel. Năm trước, tổng doanh thu của Viettel đã gần 200.000 tỷ đồng mà toàn doanh thu tiền tươi thóc thật hết cả đấy (cười…). Chưa kể, thị trường của họ không chỉ ở đây mà 500 triệu dân của 7 nước trên thế giới.

Câu chuyện thứ hai là Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Vinatex không có cơ chế ưu đãi gì. Vậy mà họ lo cho được hơn 120 ngàn lao động; doanh thu, lợi nhuận, thu nhập bình quân lao động ngày càng tăng; cạnh tranh sòng phẳng với trong nước và quốc tế. Mừng lắm chứ!

Như vậy, câu chuyện thành công không phải ở chỗ anh là doanh nghiệp công hay tư. Thế giới người ta cũng quan niệm như thế. Ðương nhiên là doanh nghiệp nhà nước cần phải vươn lên, sản xuất - kinh doanh phải hiệu quả hơn và cần áp đặt kỷ luật thị trường với doanh nghiệp nhà nước.

“Dòng máu Việt phải chảy trong doanh nhân Việt” ảnh 2

Làm việc và khảo sát kinh tế tại Israel, ông Vương Ðình Huệ rất tâm đắc với tư duy Quốc gia khởi nghiệp của họ và tin rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để làm được.

Xây thương hiệu Quốc gia phải nhắc đến doanh nhân

Trên thực tế những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam nổi lên có những ông chủ trẻ với khối tài sản lớn nhiều ngàn tỷ đồng theo xếp hạng của thị trường chứng khoán Việt, như doanh nhân Phạm Nhật Vượng chẳng hạn. Nên nhìn nhận thế nào về họ, thưa ông?

Ðó là điều rất đáng mừng vì chứng tỏ người Việt, doanh nhân Việt mình có thể vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí có thể cạnh tranh và làm rất tốt, có thể xây dựng, phát triển các thương hiệu quốc gia cùng với nhiệm vụ hoàn thiện chính sách công nghiệp quốc gia như Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội XII đã chỉ rõ.

Khi nói đến thương hiệu Quốc gia tức là thương hiệu Việt Nam, điều chắc chắn là cần phải khởi đầu từ những doanh nhân như Phạm Nhật Vượng hay như Mai Kiều Liên. Ðiều cần là phải làm sao để những doanh nghiệp này vươn lên bằng thực lực, có chiến lược phát triển bền vững. Phải làm sao để tạo ra đội ngũ doanh nhân mạnh trong tâm thế kết nối và thành thương hiệu riêng của Việt Nam.

Từng đi nhiều quốc gia trên thế giới, ông thấy trong mắt bạn bè họ nhìn nhận về người Việt Nam mình như thế nào?

Tôi vừa đi Israel về, trong khi mình bày tỏ sự khâm phục và lòng ngưỡng mộ đối với đất nước, con người Israel - một quốc gia khởi nghiệp thì chính họ, cả các chính trị gia, các tỷ phú và người dân bình thường cũng đánh giá rất cao đất nước, con người và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Không chỉ ở Israel mà ở nhiều nước khác cũng có niềm tin vào đội ngũ doanh nhân Việt Nam và tương lai tươi sáng của Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.