Dù bão lũ, gạo vẫn dồi dào

Mặc dù bão lũ làm thiệt hại nhiều diện tích lúa vụ Thu-đông nhưng nguồn cung gạo xuất khẩu vẫn dồi dào. Ảnh: Đại Dương
Mặc dù bão lũ làm thiệt hại nhiều diện tích lúa vụ Thu-đông nhưng nguồn cung gạo xuất khẩu vẫn dồi dào. Ảnh: Đại Dương
TP - “Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chìm trong lũ lụt, nhưng chỉ tiêu, sản lượng lúa gạo để cân đối nhu cầu trong nước và xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhiều”- ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hôm qua, đã khẳng định.

> VN phấn đấu mỗi năm sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo

Mặc dù bão lũ làm thiệt hại nhiều diện tích lúa vụ Thu-đông nhưng nguồn cung gạo xuất khẩu vẫn dồi dào. Ảnh: Đại Dương
Mặc dù bão lũ làm thiệt hại nhiều diện tích lúa vụ Thu-đông nhưng nguồn cung gạo xuất khẩu vẫn dồi dào. Ảnh: Đại Dương .
 

Dự trữ đủ xuất khẩu

Theo ông Bảy, đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT chưa điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng nên xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường. Thiệt hại lúa vụ thu đông do lũ lớn tại tỉnh An Giang là 4.000 ha, tỉnh Đồng Tháp 2.000 ha, theo ông Phạm Văn Bảy, không phải là số lượng thiệt hại hoàn toàn. Nhiều diện tích còn được cứu và An Giang dự định sẽ cứu được trên 1.000 ha.

Tỉnh Kiên Giang cho biết, khoảng 53.000 ha lúa thu đông, đang tiếp tục được thu hoạch, trừ khoảng 3.000 ha ở huyện Đồn Đất bị thiệt hại. Mặt khác, do vụ thu-đông (vụ 3) là vụ phụ, năm nay cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm ĐBSCL không xuống giống lúa vụ 3, nên những chỉ tiêu, sản lượng tính toán từ đầu năm không tính nhiều cho vụ này.

“Nguồn cung chưa ảnh hưởng đến việc xuất khẩu, trái lại xu hướng giá và triển vọng thị trường đang có lợi cho nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời nguồn cung gạo tiêu thụ trong nước vẫn được đảm bảo ở mức tốt nhất”- ông Bảy nói.

VFA cho biết, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký đến hết tháng 9 là 6,855 triệu tấn gạo. Tính đến 30-9, DN đã xuất được 5,878 triệu tấn và số lượng còn phải giao là 0,97 triệu tấn. Theo VFA, 9 tháng đầu năm 2011, các mục tiêu xuất khẩu gạo đặt ra đều đạt kết quả tích cực, lợi nhuận của nông dân trồng lúa được bảo đảm.

Xuất khẩu 9 tháng cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng (tăng 9,13% so với cùng kỳ 2010) và trị giá (tăng 23,71%). Bà con nông dân cũng có lãi nhiều so với các năm trước vì giá lúa khô đạt chuẩn xuất khẩu trong 9 tháng khoảng 6.114 đồng/kg.

Doanh nghiệp không nên vội vàng

Theo nhận định của VFA, từ nay đến cuối năm giá lúa gạo sẽ đứng ở mức cao. Yếu tố quan trọng nhất là tác động của chính sách hỗ trợ nâng giá lúa của chính phủ mới Thái Lan, được thực hiện từ ngày 7-10 tới.

Theo đó, chính phủ bảo đảm giá không thấp hơn 15.000 baht/tấn lúa thường, khi đó giá gạo trắng xuất khẩu Thái Lan sẽ ở mức 750-800 USD/tấn. Với giá quá cao này, chưa biết thị trường chấp nhận đến đâu, nhưng chắc chắn sẽ bị tác động mạnh.

VFA khẳng định: sẽ không có tình trạng sốt giá ở thị trường trong nước bởi lượng lúa gạo dự trữ của các công ty thành viên VFA luôn đảm bảo ưu tiên bình ổn cho thị trường trong nước.

Do Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nên kịch bản sẽ có hai lựa chọn, hoặc là nhà nhập khẩu phải chấp nhận giá cao để mua gạo Thái Lan, hoặc Thái Lan sẽ không bán được gạo, phải tồn kho, hạn chế cung ra thị trường. Cả hai đều khiến giá gạo tăng. Chính sách bảo hộ giá gạo sẽ có thể khiến Thái Lan mất vị trí số 1 trong bản đồ xuất khẩu gạo thế giới, và đây là cơ hội cho Việt Nam nếu nắm bắt tốt.

VFA cho rằng xu hướng không dễ dự báo nhưng chắc chắn sẽ biến động rất mạnh và có rủi ro. Đó là trường hợp thị trường không chấp nhận gạo Thái Lan do giá cao, khiến Thái Lan phải đứng ngoài và giá sẽ tăng do thiếu nguồn cung. Song, nếu không bán được thì Thái Lan cũng phải giải quyết lúa gạo tồn kho.

Sẽ là vấn đề nếu gạo Thái Lan lại ào ạt tuôn ra thị trường. Trong khi đó, Ấn Độ cũng vừa công bố bán ra 2 triệu tấn gạo thường với mức giá thấp. Với số lượng này, Ấn Độ cũng chỉ trở lại xuất khẩu bình thường như trước đây.

Tuy nhiên, không loại trừ nước này sẽ xuất khẩu nhiều hơn. Do đó, VFA khuyến cáo các DN xuất khẩu gạo Việt Nam không nên vội vã trong các hợp đồng xuất khẩu gạo. Các DN chỉ nên ký hợp đồng khi có đủ 100% gạo tồn kho.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG