“Đủ cơ sở đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%“

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: Hữu Minh
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: Hữu Minh
TPO - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 26/5, đồng thời nhấn mạnh: "Tăng trưởng phải đảm bảo yếu tố bền vững, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội".

Bộ trưởng có thể cho biết cơ sở nào để Chính phủ đề ra quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kết quả tăng trưởng kinh tế Quý I đạt thấp, tăng 5,1% so với cùng kỳ đã đặt ra nhiệm vụ của các tháng cuối năm là hết sức nặng nề và khó khăn. Tuy nhiên, đánh giá bối cảnh kinh tế quốc tế và tình hình trong nước cho thấy yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn là khá rõ ràng, triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới là khá tốt theo dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á...; tình hình trong nước có nhiều khởi sắc như nông nghiệp phục hồi mạnh sau những khó khăn của năm 2016; công nghiệp chế biến chế tạo có bước tăng trưởng tích cực; dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là du lịch đã đạt mức kỷ lục bình quân hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế một tháng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; đăng ký doanh nghiệp tăng cao cả về số doanh nghiệp và số vốn...

Đây chính là những căn cứ để Chính phủ nhận định khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng là có thể đạt được. Để làm được điều này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng kịch bản cụ thể mục tiêu phấn đấu từng ngành, từng sản phẩm, từng quý để xây dựng những giải pháp vừa duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững trong dài hạn, vừa tác động trực tiếp đến các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng của năm 2017.

Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được cho phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu; nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường; du lịch tuy tăng trưởng tốt về số lượng những còn gặp một số vấn đề về các tour du lịch giá rẻ, du lịch khép kín; thu hút FDI và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng, doanh nghiệp phần nhiều ở lĩnh vực bất động sản... Mặc dù vậy, căn cứ vào khả năng, cơ hội và những việc có để làm được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Điều quan trọng là nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cần có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, đồng hành cùng Chính phủ cùng thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã có nhận định, đánh giá cụ thể để quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2017, vậy lý do nào Chính phủ đưa ra quyết tâm đó?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%. Trong báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của Chính phủ trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,21%. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm thì các năm sau phải đạt ở mức cao hơn, trong đó năm 2017 là năm bản lề, quan trọng nhất, quyết định kết quả của các năm tiếp theo.

Chính vì lý do quan trọng như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra quyết tâm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Mặt khác, ở khía cạnh hội nhập quốc tế, nếu chúng ta không phát triển nhanh thì rất khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển giữa chúng ta với các nước, nhất là các nước trong khu vực đang có rất nhiều cải cách và tiến bộ, họ có thể vượt chúng ta bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không phấn đấu. Đối với nước ta, một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo công ăn việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị của đất nước.

Quan điểm chiến lược và dài hạn của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng. Chính vì vậy, Chính phủ vẫn luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu, giải pháp căn bản là khơi dậy mọi tiềm năng, tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất nhiều tiềm năng và đang có xu thế tăng trưởng tốt; giá dầu thô thế giới phục hồi đáng kể so với năm ngoái và đây là cơ hội. Tận dụng cơ hội để ngành khai khoáng không bị giảm sâu và khơi dậy tiềm năng để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhanh hơn.

Chính phủ đã có chỉ đạo điều hành gì về các giải pháp đối với các ngành, lĩnh vực, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2017 số 40/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017, trong đó đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tiếp theo Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị riêng chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định và chỉ đạo, tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là:

- Nhóm giải pháp cơ bản hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế; nâng cao năng suất lao động; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

- Nhóm giải pháp cần thực hiện ngay trong năm 2017, hướng tới việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang thuận lợi, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch...

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương định kỳ, thường xuyên triển khai các hoạt động kiểm tra, theo dõi, giám sát, cung cấp thông tin kịp thời để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết định phù hợp. Đối với các bộ, cơ quan, địa phương việc đề ra giải pháp mới là một phần, phần quan trọng là phải thực hiện và thực hiện nhanh thì mới có thể đem lại kết quả tích cực.

Tôi cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra. Mục tiêu, giải pháp cũng đã rõ ràng nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cũng cần phải quyết liệt thì mới có thể thực hiện được. Vượt qua được khó khăn này và thực hiện được mục tiêu, chúng ta mới có động lực và niềm tin để thực hiện được khát vọng lớn hơn trong dài hạn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.