Đủ kiểu tàn sát rừng

Những cây nghiến trăm năm tuổi bị lâm tặc xẻ thịt.
Những cây nghiến trăm năm tuổi bị lâm tặc xẻ thịt.
TP - Hàng nghìn ha đất rừng tại Hà Giang được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm thủy điện, khai thác khoáng sản với kỳ vọng đưa kinh tế của tỉnh phát triển. Thế nhưng rừng mất, doanh nghiệp kêu khó khăn, thua lỗ trả lại mỏ, nợ thuế, còn người dân phải đối mặt với hậu quả ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, rừng nghiến cổ thụ bị đốn hạ trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Kỳ 1: Đốn hạ rừng nghiến trăm năm tuổi

Những cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi giữa rừng già hay cheo leo trên vách đá bị đốn ngã. Lâm tặc xẻ nghiến thành từng phiến gỗ, lao thẳng trên vách núi xuống lòng hồ thủy điện, rồi kéo về bờ. Trong khi cơ quan chức năng loay hoay đủ mọi cách nhưng “không thể nghiêm cấm triệt để” nạn tàn phá này.

Chứng kiến nơi “hành quyết” cây nghiến

Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được anh V – một người từng buôn gỗ dẫn đường vào rừng nghiến đang bị chặt hạ tại huyện Bắc Mê (Hà Giang) - một trong những nơi còn rừng nghiến cổ thụ lớn nhất cả nước. Dọc theo tuyến đường từ thành phố Hà Giang, đến thôn Nà Pâu (xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê), chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dẫn xuống bến đò dưới lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang. Hai bên đường, những phiến gỗ rộng chừng 1,5 m, dày khoảng 30cm chất thành đống. Sát bến đò, 2 thân nghiến rộng bằng 2 vòng tay người lớn nằm chỏng chơ với những vết cưa, xẻ nham nhở.

“Đây là một trong những bãi tập kết gỗ lớn của huyện Bắc Mê. Lâm tặc xẻ gỗ trong rừng, lăn trên các vách núi xuống hai bên bờ lòng hồ thủy điện, rồi dùng thuyền kéo dọc theo sông chở lên quốc lộ”, anh V tiết lộ.

Trong vai đoàn tham quan, chúng tôi thuê đò của người dân tiến sâu vào lòng hồ thủy điện, xuôi về phía xã Thượng Tân (huyện Bắc Mê). Hai bên bờ, những đường mòn trải dài từ mặt hồ lên đỉnh núi. “Đường mòn do lâm tặc khai thác gỗ, ném xuống bờ hồ rồi kéo bằng thuyền ra quốc lộ”, người đưa thuyền vừa chỉ cho chúng tôi thấy các đường mòn vừa nói.

Xuôi theo lòng hồ chừng 3km, đò táp vào vách núi, nơi cánh rừng nguyên sinh với những cây nghiến cổ thụ cao vút trên nền trời. Chúng tôi leo lên vách núi trơn trượt cao chừng 30 m (so với mặt hồ), tiến sâu vào rừng già. Dọc lối lên có vết mở đường, dây leo bị phát ngọn, vỏ túi mỳ tôm, vỏ chai nước khoáng của lâm tặc vương vãi. Leo lên vách núi trơn trượt, cách mặt hồ chừng 100 m, hiện ra trước mắt chúng tôi là thân nghiến to bằng 2 người ôm. “Đây là cây đổ xuống. Thân và gốc nằm phía trên, to hơn phần ngọn này rất nhiều”, anh V người dẫn chúng tôi leo núi nói.

Đúng như lời anh V, đi chừng 20m, hiện ra trước mắt chúng tôi “công trường” ngổn ngang những phiến gỗ nghiến vừa bị xẻ ra, mùn cưa vương vãi khắp nơi. Thân nghiến đỏ au như rỉ máu, sừng sững nằm dọc theo vách núi. Xung quanh những phiến gỗ làm thớt vứt ngổn ngang. Ngay phía trên, gốc cây nghiến nằm trơ trọi. Đường kính gốc cây chừng 1,5 m.

“Lâm tặc quấn lốp cao su quanh gốc, đốt cho nghiến rụng lá, chết rồi mới chặt hạ. Đêm xuống chúng mang cưa, xẻ thành từng phiến gỗ và vận chuyển ra quốc lộ tiêu thụ”, anh V nói. Sau khi mục sở thị cây nghiến vừa bị xẻ thịt, người dẫn đường giục chúng tôi xuống đò trở ra, bởi đây là nơi được lâm tặc canh gác cẩn mật. Nếu không ra nhanh sẽ rất nguy hiểm. Đường xuống trơn trượt, những hòn đá to chừng nồi cơm điện lăn từ vách núi xuống lòng hồ, suýt rơi vào thành viên trong đoàn. Trên chiếc xuồng trở ra bến đò, một vài đò giả vờ đánh cá, dõi mắt theo từng động tĩnh của chúng tôi trong khu vực cây nghiến bị chặt hạ. Lên tới bờ, một “chim lợn” đợi sẵn trên quốc lộ, bám chặt chiếc xe chúng tôi.

Cây nghiến trên chỉ là 1 trong rất nhiều nghiến cổ thụ đã và đang bị đốn hạ ở Hà Giang. Trước đó chưa xa, đầu tháng 3, tại khu rừng ở thôn Nà Nẻn (thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê). Ba cây gỗ nghiến cổ thụ và 1 cây gỗ trai bị chặt hạ với hơn 21 m3 nằm giữa rừng.

Kiểm lâm bất lực?

Cây nghiến mà chúng tôi tiếp cận nằm ngay trên khu rừng đặc dụng cạnh lòng hồ thủy điện Tuyên Quang – nơi người dân vẫn đưa học sinh đi học bằng xuồng máy hằng ngày. Hơn nữa, trên hệ thống đường thủy, kiểm lâm có trạm kiểm soát đường thủy tại xã Thượng Tân (cách không xa nơi có gỗ nghiến bị chặt hạ) nhưng lâm tặc vẫn ngày ngày xẻ từng phiến gỗ từ thân nghiến cổ thụ đưa đi tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Hạt trưởng kiểm lâm Bắc Mê, khu vực cây nghiến bị đốn hạ nằm trong phạm vi quản lý của hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già. PV Tiền Phong đến trụ sở Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già liên hệ làm việc nhưng Giám đốc Hoàng Văn Dương từ chối trả lời vì mệt.

Theo lãnh đạo hạt kiểm lâm Bắc Mê, đa số vụ việc chặt hạ nghiến do nguồn tin báo của người dân. Năm 2016, hạt kiểm lâm phát hiện, xử lý 5 vụ phá rừng trái phép; 29 vụ vận chuyển, mua bán, cất giữ lâm sản trái pháp luật. Tịch thu gần 17 m3 gỗ quý hiếm, tịch thu 6 cưa máy.

Để hạn chế tối đa lâm tặc triệt hạ rừng nghiến, UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn yêu cầu dừng bán đấu giá gỗ tang vật, vật chứng của các vụ án. Từ đó, tránh việc đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở để vận chuyển gỗ trái phép. Riêng huyện Bắc Mê, khoảng hơn 1.000m3 gỗ nằm tại các khu rừng đặc dụng, sản xuất.

“Trung bình mỗi nhân viên kiểm lâm phải phụ trách hơn 1.000 ha rừng. Dù kết hợp nhiều cách để bảo vệ nhưng không thể chấm dứt triệt để việc chặt hạ gỗ nghiến, mà chỉ có thể hạn chế. Trong khi đó lâm tặc ngày càng hoạt động tinh vi”, ông Kiên cho biết.

“Lâm tặc quấn lốp cao su quanh gốc, đốt cho nghiến rụng lá, chết rồi mới chặt hạ. Đêm xuống chúng mang cưa, xẻ thành từng phiến gỗ và vận chuyển ra quốc lộ tiêu thụ”. 

Anh V., một người từng buôn gỗ nói

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...