Du lịch nông nghiệp

Mô hình sinh thái tại nông nghiệp tại khu sinh thái EraHouse (Long Biên).
Mô hình sinh thái tại nông nghiệp tại khu sinh thái EraHouse (Long Biên).
TP - Tại TPHCM, Hà Nội, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc… hàng loạt mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao gắn kết với du lịch đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cải thiện đáng kể đời sống, thu nhập của người nông dân.

Tập làm nông dân

Mỗi ngày làng rau Trà Quế (thành phố Hội An, Quảng Nam) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề trồng rau độc đáo duy trì từ hàng trăm năm qua. Những du khách nước ngoài đa phần tỏ ra ngạc nhiên thú vị về cách “nông dân đô thị” vun luống trồng rau, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống cải, hành, húng, quế… Chính họ lại được xắn quần xuống ruộng để thử sức cày cấy, tuốt lúa…

Tại Hà Nội, hàng loạt mô hình tham quan trang trại, miệt vườn… cũng đã được tổ chức tại các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ... Chị Đỗ Thanh Hường (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai) cho biết, từ khi biết đến các tour du lịch kết hợp nông nghiệp, từ đó những ngày cuối tuần gia đình chị thường xuyên đi “tập làm nông dân” tại trang trại hữu cơ Tuệ Viên (phường Cự Khối, huyện Gia Lâm).

Theo chị Hường, đến đây 2 cháu nhỏ được hoà mình vào thiên nhiên, học cách phân biệt các loại rau, củ, quả. “Ngoài ra, các con còn được học trồng, chăm sóc rau. Đây là những thực tiễn không dễ được trải nghiệm trong cuộc sống đô thị”, chị Hường nói.

Mỗi dịp cuối tuần, các trang trại đang thu hút rất đông các đoàn tham gia tham quan, kiểm chứng trang trại. Mỗi tour 15 người trở lên được tính mức giá 70.000 đồng/người/cả ngày và 50.000 đồng/người/nửa ngày. Khách tham quan sẽ được đưa ra vườn, giới thiệu quy trình sản xuất, với các em thiếu nhi được nhổ cỏ, trồng cây, bắt sâu… Đặc biệt là sẽ được mua rau hữu cơ với giá tại vườn.

Một địa phương khác đang triển khai theo hướng du lịch sinh thái là huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Những sản phẩm nông nghiệp đã được đăng ký thương hiệu như: Rau muống tiến vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam…; khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống, với mật độ thấp để bảo vệ những nét văn hóa. Đây là lợi thế để có thể thu hút khách du lịch muốn có trải nghiệm “làm nông dân”; cùng với việc thưởng thức các loại cây trái đặc sản tại địa phương.

Đại diện một Cty lữ hành cho biết, đơn vị đã xây dựng tour trải nghiệm miệt vườn Phúc Thọ, với hành trình: khám phá xứ đoài, vườn nhãn cổ hơn 100 năm, quy trình làm nấm sạch (xã Tam Điệp), làng chuối - bưởi (Vân Hà)… Qua khảo sát ban đầu, tour du lịch này thu hút lượng khách nước ngoài đáng kể, nhiều ý kiến phản hồi tích cực mong muốn trải nghiệm thêm nhiều vùng đất của nông thôn Việt Nam.

Hiệu quả kinh tế bền vững

Mặc dù giữa ngành nông nghiệp và du lịch có nhiều cơ hội để gắn kết, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn khiến việc mở rộng mô hình nông nghiệp đặc thù; chưa hấp dẫn du khách được như mong muốn. Mới đây, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã phối hợp với Sở NN&PTNT, TTKN tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo: “Phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái”.

Lãnh đạo TTKN Quảng Nam đề nghị: Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, các khâu liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ cần có chiến lược cụ thể.

Bên cạnh đó, giữa các ngành liên quan như nông nghiệp, du lịch, xúc tiến thương mại, tài nguyên - môi trường và chính quyền địa phương cần phối hợp nhịp nhàng để nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, phát triển sản phẩm làng nghề gắn với du lịch, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho du khách đến tham quan.

TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc TTKNQG khẳng định: Các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch sinh thái đã tạo ra những đổi mới mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị, cận đô thị theo hướng sinh thái, bền vững.

Để thực hiện mô hình tổ chức sản xuất này cần phải có quy hoạch sản xuất phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được. Đồng thời cũng rất cần phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, có chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Để mô hình được phát triển bền vững cũng cần có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, lợi nhuận hợp giữa người nông dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả hội thảo này, lãnh đạo TTKNQG đề nghị TTKN các tỉnh, thành phố tham mưu, đề xuất với địa phương để học tập, áp dụng có hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.