Đua nhau ưu đãi để thu hút đầu tư

DN FDI có dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam gần như ít chuyển giao công nghệ.
DN FDI có dự án tỷ USD đầu tư vào Việt Nam gần như ít chuyển giao công nghệ.
TP - Những năm qua, hàng chục dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn tỷ USD đổ vào Việt Nam, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có thực trạng địa phương đua nhau, trao ưu đãi quá nhiều để thu hút DN đầu tư. Trong khi đó, DN tận hưởng ưu đãi, không chuyển giao công nghệ.

Ưu đãi để kéo dự án

Tháng 2/2017, dự án mở rộng đầu tư thêm 2,5 tỷ USD của Cty TNHH Samsung Display Việt Nam được nhận giấy chứng nhận đầu tư. Chính phủ cũng đồng ý chủ trương hỗ trợ ưu đãi từ doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm công nghệ cao sang DN có vốn đầu tư lớn. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ nâng công suất từ 180 triệu sản phẩm lên 220 triệu sản phẩm/năm. Năm 2016, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 46,3 tỷ USD, xuất khẩu 39,9 tỷ USD, chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trước đó, Samsung cam kết đầu tư 14,8 tỷ USD vào Việt Nam, đến nay đã giải ngân được 10,1 tỷ USD. Số nhân công lên tới 140.000 người (trong đó chỉ có khoảng 190 đặc phái viên là chuyên gia, kỹ sư Hàn Quốc).

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, sự hiện diện của những nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn lớn như Samsung, LG... chứng tỏ Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Dù có nhiều lợi thế (như nhân công giá rẻ, dồi dào, chi phí thấp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện) nhưng hiệu quả kết nối giữa DN FDI và DN Việt Nam từ các dự án tỷ USD chưa được nhiều.

“Các địa phương thi nhau đưa ra ưu đãi, thậm chí tự nguyện miễn giảm thuế hơn cả quy định trong Luật Đầu tư để chào mời nhà đầu tư. Chúng ta đã qua thời kỳ bằng mọi cách thu hút đầu tư, cần sửa các quy định trong luật để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp”, ông Doanh nói.

Như trường hợp Thuế thu nhập DN, Samsung được miễn 4 năm và giảm 90% trong 9 năm tiếp theo. Thêm vào đó, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp trong 3 năm kế tiếp (sau khi hết thời hạn miễn giảm của Luật thuế thu nhập DN). Về tiền thuê hạ tầng, Samsung được hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng trên tổng diện tích tối đa 100 ha.

Trước đó năm 2009, Dự án Cty TNHH thành phố mới Nhơn Trạch do nhà đầu tư Berjaya được cấp phép với các ưu đãi về miễn giảm thuế thuê đất… Nhưng 5 năm sau đó, vì chậm tiến độ, UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi giấy phép đầu tư.

Nên yêu cầu nhà đầu tư chuyển giao công nghệ

Dù nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít DN Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng. Như dự án “khổng lồ” Samsung, chỉ có 20 DN cấp 1 tham gia chuỗi cung ứng và 178 DN cấp 2. Các loại sản phẩm của DN Việt Nam chủ yếu là bao bì, với giá trị gia tăng thấp. Lí giải về điều này, lãnh đạo Samsung cho rằng, công ty tìm kiếm nhà cung cấp cho gần 200 linh kiện khác nhau nhưng nhiều DN Việt không đáp ứng yêu cầu.

DN Samsung nằm trong số 70% số DN FDI tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Theo TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân), hình thức DN này khiến DN Việt gần như không học hỏi được kinh nghiệm cũng như không có sự chuyển giao công nghệ. DN FDI chủ yếu vào Việt Nam để nhận ưu đãi về các loại thuế, mặt bằng và nhân công.

Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nguyên nhân của việc nhà đầu tư FDI gần như ít chuyển giao công nghệ bởi pháp luật Việt Nam không ràng buộc và yêu cầu chuyển giao công nghệ. “Chúng ta cần sửa luật, thêm quy định nhà đầu tư bắt buộc chuyển giao công nghệ cho DN trong nước như chính sách của Trung Quốc từng thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của DN trong nước”, ông Doanh nói.

Bên cạnh đó, bản thân DN Việt cần nâng cao công nghệ, quy mô sản xuất để đáp ứng được yêu cầu để tham gia chuỗi cung ứng, hình thành DN liên doanh. Từ đó, DN phát triển hình thức liên doanh giữa DN Việt và DN FDI tốt hơn, tránh đổ vỡ liên doanh, vì DN Việt không đáp ứng các yêu cầu công việc như từng xảy ra.

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam lại chưa làm tốt chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp DN nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ cần sớm có chính sách liên kết DN FDI và DN trong nước để tận dụng tốt các dự án tỷ USD vào Việt Nam và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  

“Các địa phương thi nhau đưa ra ưu đãi, tự nguyện miễn giảm thuế hơn cả quy định trong Luật Đầu tư để chào mời nhà đầu tư. Chúng ta đã qua thời kỳ bằng mọi cách thu hút đầu tư, cần sửa các quy định trong luật để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp”.  

Ông Lê Đăng Doanh

MỚI - NÓNG