Đừng vội gom “đô”

Đừng vội gom “đô”
TP- Trong vòng một tuần đầu tháng 5/2006, tỷ giá giữa VND và USD liên tục biến động mạnh.  Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, thì người dân cần bình tĩnh, để tránh không lặp lại câu chuyện sốt giá vàng. 
Đừng vội gom “đô” ảnh 1

Người dân cần bình tĩnh trước những biến động của thị trường vàng và USD    Ảnh: Hồng Vĩnh

USD tăng – Chuyện bình thường?

Cuối tuần trước, khi đồng USD “nhảy” từ giá 15.930 VND sang “mốc” hơn 16.000 VND/USD, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Trương Văn Phước đã khá bình tĩnh nhận định: “Thực ra, USD đã đạt mức gần sát 16.000 đồng/USD đã từ lâu.

Nay dù thị trường có điều tiết tăng mấy chục đồng, thì USD chạm mức 16.000 đồng cũng được coi như đã tạo một mặt bằng giá mới.

Đó là yếu tố tâm lý, đôi khi khiến người dân lo lắng vì có cảm giác một cột mốc đã bị vượt qua...”.

Ông Phước cũng cho rằng, mức tăng của thị trường như vậy là bình thường, là tất yếu bởi nhu cầu mua bán, thanh toán trong từng thời điểm có khác nhau.

Lý do nữa, được đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa ra là việc khá nhiều DN trong nước đồng loạt thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu trước bối cảnh giá xăng dầu tăng nên nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao hơn  (Dù trước đó, theo NHNN Hà Nội 4 tháng đầu năm 2006, doanh số mua bán ngoại tệ trên địa bàn Hà Nội đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,6%).

Thêm một quan điểm rất đáng lưu ý. Trước đó, trong lần phân tích về tỷ giá hối đoái quan hệ với rủi ro của các NHTM, ông Lê Xuân Nghĩa -  Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NHNN Việt Nam - từng nhấn mạnh:

“Trong vòng 4 - 5 năm qua, lạm phát đã tăng khoảng 25%, trong khi tỷ giá hối đoái chỉ tăng khoảng 2,5%. Có thể thấy đồng tiền Việt Nam đã tăng giá vào khoảng 12,5- 15% từ năm 2001 đến nay.

Đồng đôla tăng giá trong bối cảnh giá vàng nóng, thị trường chứng khoán sốt ảo, các mặt hàng đều chịu sức ép nặng nề từ tăng giá xăng dầu... khiến người dân và các doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Thực trạng này nói lên điều gì? Tức là một tỷ giá tương đối ổn định trong một chu kỳ lạm phát cao sẽ dẫn đến một hậu quả tất yếu là thâm hụt thương mại và thâm hụt vãng lai từ đó tạo sức ép tăng cầu ngoại tệ, tăng tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, vì lạm phát cao, ngân hàng không dám điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái và càng để lâu tình trạng không nới lỏng này thì càng hàm chứa một cú sốc về tỷ giá.

“Đó là rủi ro tiềm ẩn”- Ông Nghĩa khẳng định.

Lãi suất VND: điều phải tính đến

Trái với tâm lý vui mừng của các DN xuất khẩu (chủ yếu là hàng nông, lâm, hải sản) một tỷ lệ rất đông các DN nhập khẩu đang tỏ ra lo lắng.

Tỷ giá bị đẩy lên cao, theo bà Minh Hương - Giám đốc Cty TNHH Trần Minh, chuyên về vật liệu sơn tường, điều này cũng đồng nghĩa với việc từ nay với mỗi tấn hàng nguyên liệu nhập khẩu, Cty phải chịu mất thêm một khoản tiền không nhỏ bù vào chỗ chênh lệch.

“Đó là còn chưa kể đến khoản tiền tăng vào việc trả lãi ngân hàng cũng tăng lên” - Bà Hương nói.

Trao đổi với Tiền phong chiều qua, ông Lê Đắc Sơn, Tổng Giám đốc NHTM cổ phần VPBank nói: “Tỷ giá USD đang biến động chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình huy động vốn của các NHTM.

Muốn giữ được tỷ lệ huy động bằng VND, trong bối cảnh USD tăng giá về lâu dài các NHTM phải tính đến việc nâng lãi suất tiền Việt. Tuy nhiên, vào lúc này chúng tôi không thể vội vàng mà phải theo dõi thêm...”.

Đừng vội gom “đô” ảnh 2
Thị trường vàng và USD đang có nhiều biến động

Trước thực tế USD biến động theo chiều tăng giá, giám đốc một NHTM (đề nghị không nêu tên - PV) cho rằng: “Vào lúc này, NHNN rất cần có hai động thái.

Thứ nhất: Chỉ nên thu mua USD ở mức độ vừa phải, không đưa lên cao. Thứ hai: Không thể để thị trường điều tiết tự do mà NHNN cần cử một đại diện đứng ra nói rõ tình hình để người dân an tâm.

Có như vậy, thị trường mới không rơi vào tăng nhu cầu  đột biến gây sốt “ảo” (theo giới ngân hàng, sở dĩ tỷ giá USD được NHNN vừa qua điều chỉnh tăng nhẹ lên cũng là do Chính phủ muốn điều tiết cho DN xuất khẩu tăng thêm nguồn thu).

Đứng trước yếu tố giá cả các mặt hàng có thể thêm sức ép từ đồng USD tăng giá, Viện phó Viện Nghiên cứu kinh tế VN - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Chính phủ không nên “ôm” quá chặt mà hãy để các mặt hàng tự học cách điều tiết tăng giá. Có như vậy, thị trường mới tránh được cú sốc đột biến về giá cả”.   

Giá USD đang biến động theo chiều hướng tăng còn có một nguyên nhân không nhỏ là “cung” đang  vượt “cầu”. DN cần mua để thanh toán hàng nhập khẩu.

Còn trước hiện tượng một số người dân đang tìm cách chuyển đổi cơ cấu tiền của mình, (theo người phụ trách kinh doanh của Cty Bảo Tín - Minh Châu, chiều qua 8/5, lượng người tìm đến mua USD tăng gấp đôi so với ngày bình thường), các chuyên gia đều khuyên: Người dân cần hết sức bình tĩnh, để tránh không lặp lại câu chuyện sốt giá vàng đáng tiếc vừa mới xảy ra. 

MỚI - NÓNG