Đường sắt - đối diện với làn sóng bỏ việc: Bị dồn đến chân tường

Qua hơn 120 năm phát triển, công nhân đường sắt vẫn lao động thủ công mệt nhọc và thu nhập thụt lùi soi với các ngành nghề khác. Ảnh: Sỹ Lực.
Qua hơn 120 năm phát triển, công nhân đường sắt vẫn lao động thủ công mệt nhọc và thu nhập thụt lùi soi với các ngành nghề khác. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Trong khi hàng loạt khó khăn chưa kịp khắc phục, ngành đường sắt đang đứng trước thách thức trực diện, hết sức đáng lo ngại: Hàng loạt công nhân bỏ việc, đe dọa sự vận hành bình thường và an toàn đường sắt…

Thợ bậc 6, sau 28 năm gắn bó với nghề, anh Phạm Hồng Sơn, công nhân duy tu cung đường qua Hải Dương của Cty Đường sắt Hà Hải vừa quyết định nghỉ việc từ ngày 1/7 vừa qua.

Nhiều đời gắn bó vẫn bỏ nghề

Anh Sơn nghỉ vì bị bệnh khớp ở tay và lưng, thu nhập không đủ tiền đi viện. “Thời trẻ, anh em bạn bè chủ yếu làm nông, mình được đi công nhân đường sắt theo bố, là người nhà nước, lương lúc đấy cao hơn thu nhập làm nông rất nhiều, nói thực rất oai. Nhưng bây giờ, thu nhập xuống quá, hơn 20 năm làm công việc nặng nhọc, phát sinh bệnh tật nên đành chấp nhận nghỉ” – anh Sơn cho hay.

Bây giờ, ở tuổi 48, anh chấp nhận bỏ nghề với mức hỗ trợ 40 triệu đồng của công ty và nhận trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng 3 triệu đồng trong vòng 12 tháng. Với anh, tương lai phía trước còn vô vàn khó khăn. Hiện tại, anh đang ở nhà chăm người bố bị ung thư dạ dày, toàn bộ công việc, thu nhập phó mặc cho vợ. “Tôi đã rất băn khoăn khi nghỉ công việc đã gắn bó lâu năm, bố và vợ đều can ngăn nhưng nghĩ mình ở lại, đau ốm, lương bổng thấp đành dứt áo ra đi. Cũng là giải thoát cho mình, bớt gánh nặng cho công ty” – anh Sơn nói. Anh Sơn mong lãnh đạo công ty sớm đầu tư máy móc, tinh giản bộ máy để công việc của những công nhân còn lại đỡ nặng nhọc và lương cao hơn.

Nhân viên nữ của một ga xép trên cung đường phía Bắc (xin giấu tên) kể về cái duyên ngắn ngủi với đường sắt. Cách đây 7 năm, V (tên viết tắt của nhân vật), rời ghế phổ thông học nghề “thư ký khách hoá vận” của mẹ (bố V cũng là nhân viên đường sắt). Vì mẹ luôn là lao động xuất sắc nên V được ưu tiên bố trí công việc ở một ga xép cách nhà 30 km. Cô gái trẻ yêu thích ca hát ở nhà công vụ tại ga và sống tằn tiện với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Cô còn nhận thêm việc nấu cơm, dọn vệ sinh sân ga để nhận trợ cấp 400 nghìn đồng/tháng.

Nhưng rồi, khoản trợ cấp đó cũng bị lãnh đạo ga thu bớt lại 100 nghìn đồng gộp vào quỹ mua chè, thuốc lá tiếp khách. Có khi vỡ quỹ, công nhân lại trích lương ít ỏi góp thêm vào. Ngày Tết, dù là nữ giới duy nhất nhưng do chưa có gia đình nên V luôn phải trực tết ở cơ quan. Quãng thời gian rất lâu giữa hai chuyến tàu đi đến, V giết thời gian bằng cách xem các chú, các anh đánh bài bằng đồng lương ít ỏi. Cuối cùng, V đành chấp nhận dứt áo ra đi dù “em lớn lên giữa tiếng còi tàu, tiếng lao xao rao hàng mỗi khi tàu đỗ trên sân ga. Giờ nhắc lại, nhớ đến phát khóc. Mong các cấp hiểu hết nỗi khổ của công nhân đường sắt, để ngành thu hút được khách, tăng thu nhập và cư xử tốt hơn với công nhân”, V nói. 

Đường sắt - đối diện với làn sóng bỏ việc: Bị dồn đến chân tường ảnh 1
Đường sắt - đối diện với làn sóng bỏ việc: Bị dồn đến chân tường ảnh 2

Chân tường

Tình trạng công nhân, nhân viên đường sắt nghỉ việc không chỉ xảy ra đơn lẻ mà đã trở thành vấn đề báo động của ngành đường sắt. Ông Lê Hữu Hưng - Chủ tịch Cty Đường sắt Hà Hải (quản lý cung đường sắt từ Hà Nội đến Hải Phòng) cho hay: Trước khi cổ phần hóa, công ty có 1.200 cán bộ công nhân viên, sau đó, sắp xếp lại còn khoảng 1.100 người. Từ năm 2016 đến nay, số lượng cán bộ công nhân viên xin nghỉ việc cũng đến hàng chục người. Tính toàn bộ công ty, công nhân vẫn đủ theo định mức trên 1 km của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Tuy nhiên, khu vực Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên thiếu nghiêm trọng. “Do giá cả tiêu dùng tại khu vực Hà Nội cao nên thu nhập hiện nay (trung bình cả cán bộ và công nhân của công ty ở mức 6 triệu đồng - PV) không đáp ứng được cuộc sống, nhiều công nhân nghỉ việc. Chúng tôi đang phải luân phiên điều động ở các tỉnh về. Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời, công ty đăng báo tuyển người, riêng về gác chắn, có bất cứ hồ sơ nào đủ điều kiện sẽ nhận ngay nhưng tìm không ra”.

Ông Hưng cho rằng, việc công nhân nghỉ việc có tính hai mặt: Một mặt, thể hiện vị thế của ngành một thời “công nghiệp hoá hàng đầu” đã không còn hấp dẫn, thu hút được lao động. Mặt khác, công nhân nghỉ việc cũng là sự hi sinh, mở ra cơ hội cho đường sắt tinh giản và phát triển. Ông Hưng cho hay, công ty đã đề nghị Tổng Cty ĐSVN tăng lương cho cán bộ công nhân viên tại các khu vực có giá tiêu dùng cao như Hà Nội, tăng các chế độ thưởng cho công nhân. Về lâu dài, theo Chủ tịch Cty Đường sắt Hà Hải, phải đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tình trạng này xảy ra diện rộng và phức tạp hơn tại Cty Đường sắt Phú Khánh (đơn vị quản lý cung đường dài nhất trong các công ty hạ tầng đường sắt, trải dài trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà). Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Như Bình, GĐ Công ty này cho hay: Năm 2016, toàn công ty có 820 lao động, đến nay giảm 75 người còn 745 lao động. Hiện còn 30 đơn xin thôi việc đã được công nhân nộp, dù muốn hay không công ty vẫn phải giải quyết cho nghỉ theo quy định hiện hành. “Đa phần công nhân nghỉ việc vì thu nhập thấp (trung bình thu nhập tại Công ty Đường sắt Phú Khánh khoảng 6-7 triệu đồng - PV). Trong đó cũng nhiều trường hợp, cán bộ công nhân có thâm niên và lương cao muốn nghỉ sớm để hưởng một khoản tiền tương đối lớn các chế độ trợ cấp thất nghiệp, thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 tới” – ông Bình cho hay.

Ông Bình cho biết, những tháng qua, công ty rất vất vả trong việc sắp xếp lịch để đảm bảo công nhân làm việc, nhất là các vị trí liên quan đến an toàn như gác chắn, tuần đường. “Chúng tôi đã thông báo công khai để tuyển tại chỗ; đồng thời thông báo tuyển dụng ở các khu vực khó khăn, thu nhập thấp nhưng không tìm đủ. Có người vào làm vài tháng lại xin nghỉ” – ông Bình nói. Với tình trạng thiếu lao động như hiện nay, Cty ĐS Phú Khánh chỉ còn biện pháp tăng cường tự động hoá gác chắn, trang bị máy móc… “Tuy nhiên, đây là việc không thể làm trong nay mai vì thiếu vốn” – ông Bình nói. 

Quãng thời gian rất lâu giữa hai chuyến tàu đi đến, V giết thời gian bằng cách xem các chú, các anh đánh bài bằng đồng lương ít ỏi. Cuối cùng, V đành chấp nhận dứt áo ra đi dù “em lớn lên giữa tiếng còi tàu, tiếng lao xao rao hàng mỗi khi tàu đỗ trên sân ga. Giờ nhắc lại, nhớ đến phát khóc. Mong các cấp hiểu hết nỗi khổ của công nhân đường sắt, để ngành thu hút được khách, tăng thu nhập và cư xử tốt hơn với công nhân”, V nói. 

MỚI - NÓNG