Đường sắt nói gì về đề xuất di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm?

Nhà máy xe lửa Gia Lâm Tác giả: Bảo An
Nhà máy xe lửa Gia Lâm Tác giả: Bảo An
TPO - Lãnh đạo ngành đường sắt cho hay, họ chưa có ý kiến phản hồi chính thức vì việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm mới chỉ là đề xuất của lãnh đạo cấp quận; trong khi Nhà máy xe lửa Gia Lâm là một cơ sở công nghiệp đặc biệt quan trọng của cả ngành đường sắt, liên quan đến chủ trương phát triển ngành này được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho hay: “Các đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí”.

Cũng theo ông Minh, đến nay ngành Đường sắt chỉ có 2 cơ sở công nghiệp lớn là Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương), đã được quy hoạch phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, trường hợp có thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Ngành đường sắt đang nỗ lực thay đổi toàn diện, trong đó có đổi mới công nghệ, công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là năm 2017 sẽ có 5-6 đoàn tàu hiện đại, đồng thời cũng dự kiến đầu tư 100 đầu máy, trong đó 50% đấu thầu quốc tế mua mới, 50% mua động cơ về lắp ráp trong nước để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Dự kiến năm 2018, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nếu được Quốc hội thông qua và có sự chuẩn bị tốt thì nhiệm kỳ sau có thể bắt đầu triển khai… Song hành với chiến lược ấy và đang từng bước trở thành hiện thực, công nghiệp cơ khí đường sắt cũng phải chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu phát triển đường sắt hiện hữu và đường sắt tốc độ cao”, ông Minh nói.

Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ GTVT) Vũ Quang Khôi cũng cho biết, chưa nhận được văn bản chính thức nào liên quan đến việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Cơ sở công nghiệp xe lửa Gia Lâm cũng như xe lửa Dĩ An không chỉ cần được duy trì tồn tại mà còn cần được đầu tư thỏa đáng để thực hiện mục tiêu chiến lược, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đường sắt nói gì về đề xuất di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm? ảnh 1

Theo ông Khôi, nếu cần thiết phải chuyển đổi, di dời, cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Nếu đề xuất đưa ra mà chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, đến công cuộc tái cơ cấu ngành Đường sắt. Cục Đường sắt cũng đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó xác định rõ cần đầu tư phát triển Nhà máy xe lửa Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Dĩ An thành hai trung tâm công nghiệp đường sắt lớn về đầu máy, toa xe.

Theo quy hoạch, chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2020-2030 sẽ đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế đạt mức tiên tiến trong khu vực.

Về diện tích đất tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, ngày 18/11/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6960 cho tổng công ty thuê 203.873 m2 đất để giao cho Nhà máy xe lửa Gia Lâm tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm văn phòng làm việc và cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngày 25/10/2015, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản thông báo về việc Hà Nội chỉ phê duyệt mục đích chuyển đổi sử dụng cơ sở sản xuất, nhà đất (nếu có) sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.