Đường sắt tụt đáy mới nghe khách hàng

Trình độ nhân lực là điểm nghẽn của ngành đường sắt với quá trình phát triển hơn 130 năm. Ảnh: Bảo An.
Trình độ nhân lực là điểm nghẽn của ngành đường sắt với quá trình phát triển hơn 130 năm. Ảnh: Bảo An.
TP - Trong một động thái hiếm hoi, ngành đường sắt tổ chức hội nghị tri ân và đối thoại với khách hàng vào ngày 20/2. Đây được coi là hoạt động tích cực (dù muộn màng) của ngành trì trệ và nhiều khó khăn khách quan này.

Đường sắt đã xuống đáy?

Đầu cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (phụ trách ngành đường sắt, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt Việt Nam - ĐSVN) cho biết, mục tiêu cuộc đối thoại nhằm tri ân, lắng nghe ý kiến khách hàng để thúc đẩy ĐSVN phát triển.

“2016 là năm khó khăn với ĐSVN, có người cho rằng, đường sắt chưa xuống đáy nhưng nhiều người cho rằng, đã xuống đáy” - ông Đông nói. Theo ông Đông, từ sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) làm đứt huyết mạch đường sắt Bắc - Nam trong suốt 3 tháng, năm 2016 ngành ĐSVN chứng kiến rõ ràng sự cạnh tranh quyết liệt của các loại hình vận tải đường bộ, hàng không nên lộ rõ những khó khăn, bất cập.

Theo báo cáo của Tổng Cty ĐSVN, sản lượng và doanh thu năm 2016 đều giảm, không đạt mục tiêu. Cụ thể, sản lượng đạt 7.975 tỷ đồng, đạt 87,7% so với năm 2015; doanh thu đạt 8.338 tỷ đồng đạt 88,8% so với năm 2015. Hiện số lao động của ĐSVN là gần 28 nghìn người (giảm mạnh so với con số 4 vạn lao động trước khi tái cơ cấu), nhưng lương trung bình chỉ đạt 6,9 triệu đồng, giảm gần 5% so với năm 2015.

Tại cuộc đối thoại, ngành đường sắt cũng liệt kê một số nỗ lực trong thời gian qua để dành thị phần như, cải thiện phần nào về hạ tầng, chủ động tìm đến khách hàng, bồi dưỡng nhân viên phục vụ tàu hạng sang bằng cách gửi sang Học viện Hàng không đào tạo… Tuy nhiên, những nỗ lực đó không đủ để ngành ĐSVN thoát khó khăn.

Ông Đỗ Đình Trường, Phó Tổng Giám đốc Cty Đường sắt Sài Gòn (một trong hai đầu mối về vận tải lớn nhất của ĐSVN) nói: Dù Cty, ban lãnh đạo có nhiều cố gắng ngăn đà sụt giảm, tuy nhiên, kết quả đạt được không như mong muốn. Nguyên nhân được ông Trường đưa ra do không cạnh tranh kịp với đường bộ, hàng không trong điều kiện hạ tầng đường sắt yếu kém.

Thứ trưởng Đông cũng không né tránh khi cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, sự đi xuống của ngành đường sắt có nhiều nguyên nhân chủ quan. Trong đó, ông Đông nhấn mạnh các yếu tố như: Công tác điều hành còn có vấn đề, chưa linh hoạt trong thị trường, sau tái cơ cấu, nhiều đầu mối chưa rõ ràng.

Những phụ phí kỳ lạ

Dù đường sắt khó khăn nhưng ngay tại hội nghị các khách hàng không ngần ngại phản ánh giá cước của đường sắt còn cao, chưa cạnh tranh, cần nhanh chóng giảm chi phí để hạ giá cước.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Cty Bê tông Bảo Vân (Vĩnh Phúc) khách hàng lớn chuyên vận chuyển xi măng, sắt thép phản ánh: Dù công ty ông được giảm 20% so với giá chung của đường sắt, nhưng khi “cộng sổ” lại gồm nhiều phụ phí. Có những phụ phí “nghe rất lạ” như “phí dồn toa”, “phí chiều rỗng toa”. “Điều này làm chúng tôi khó tính toán trong kinh doanh. ĐSVN nên giảm 20-30% giá thành hiện nay”.

Ông Hùng cho biết, để vận chuyển bằng đường sắt, Cty Bảo Vân phải tự bỏ tiền giải phóng mặt bằng, xây dựng hơn 1 km đường sắt từ đường sắt quốc gia nối vào Cty. Nhưng hàng năm, công ty vẫn phải nộp tiền thuê đất như phần diện tích kinh doanh. Ông Hùng đề nghị ngành đường sắt và nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư đường nhánh.

Ông Dương Tuấn  Dũng, Giám đốc Cty Xăng dầu Lào Cai (mỗi năm vận chuyển hàng trăm nghìn tấn xăng dầu trên đường sắt từ Hải Phòng đi Lào Cai) cho biết: Từ khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ đã chào mời dịch vụ từ kho đến kho với giá hấp dẫn.

“Chúng tôi đề nghị ngành đường sắt nâng cấp toa, bồn để vận tải khối lượng lớn hơn với chi phí rẻ hơn. Nếu không hạ giá thành sẽ khó cạnh tranh với đường bộ. Giá không hấp dẫn, các mối hàng lớn, truyền thống cũng sẽ chuyển sang loại hình vận tải khác” - ông Dũng nói.

Đại diện Cty ICD Tân cảng Sóng Thần (Cty con của Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn, chuyên kinh doanh dịch vụ Logistic) chỉ mới đi khảo sát để hợp tác với ĐSVN nhưng cũng chỉ ra nhiều bất cập trong giá thành. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Cty này nêu: Ở các nước, đường sắt có vai trò “tối quan trọng” với vận tải hàng hoá vì giá rẻ, an toàn. Tuy nhiên, ngay trong nước, giá thành của đường sắt cũng không cạnh tranh. Chẳng hạn, đơn giá bốc mỗi tấn hàng của Tân cảng Sài Gòn chỉ là 18 nghìn đồng nhưng ngành đường sắt đang có giá tới 45 nghìn đồng/tấn. Ông Sơn hiến kế cho ĐSVN: Song song với đầu tư hạ tầng, công nghệ, máy móc…, ĐSVN cần tập trung đầu tư nhân lực chất lượng cao để phục vụ thay đổi. “Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn có trường đào tạo cán bộ chất lượng cao về vận tải đa phương thức và chúng tôi sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ” - ông Sơn nói.

Cũng liên quan đến yếu tố con người trong phục vụ những khách hàng lớn hiện có, bà Trương Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sài Gòn Tourist phản ánh, hiện công ty đã xây dựng kế hoạch phục vụ, giá tour du lịch cho khách trong năm 2017 nhưng ĐSVN vẫn chưa chuyển kế hoạch, giá bán. Bà Hương đề nghị ĐSVN đẩy mạnh công tác đào tạo nhân viên để dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Cuối buổi đối thoại, lãnh đạo ĐSVN giải trình, phân công nhiệm vụ và cam kết thực hiện các kiến nghị của khách hàng. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, sẽ có những chỉ đạo thực hiện giảm giá cước, đã đưa các chính sách hỗ trợ xã hội hoá đường sắt vào Luật Đường sắt và được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội ủng hộ…  Khi cuộc họp gần kết thúc, ông Đông cáo về sớm vì phải vào Thừa Thiên- Huế chỉ đạo vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng làm 3 người chết, nhiều người bị thương, 3 toa trật bánh.

MỚI - NÓNG