Èo uột đường bay đi - đến Cần Thơ

TP - “Tôi rất buồn là một số đường bay chúng ta xây dựng xong lại “chết” ngay sau đó, đơn cử như đường bay Cần Thơ - Đà Lạt bị “khai tử” chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác”, ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL ngày 12/7 nói tại Cần Thơ trong buổi làm việc với Tổ Nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm tăng cường hoạt động khai thác đường bay đến cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.

Một trong những nguyên nhân chính, theo ông Phong, tính chất công nghiệp của vùng còn yếu. Đồng thời, đây là vùng châu thổ, sông nước, sản phẩm du lịch các tỉnh tương tự nhau nên thiếu hấp dẫn du khách. Thời gian qua các địa phương có cố gắng làm sản phẩm đặc thù nhưng chưa đạt yêu cầu. “Thất bại là do khách về không có” - ông Phong nói.  

Ông Lê Phú Dũng - Giám đốc Chi nhánh Tây Nam bộ của Công ty Saigontourist cho biết, thời gian qua, khi có đường bay Cần Thơ - Hà Nội và Cần Thơ - Đà Nẵng, Saigontourist đã rất cố gắng đưa khách du lịch sử dụng đường bay này, tuy nhiên kết quả chưa được nhiều. Lý do, đối tác thấy lịch bay chưa ổn định, tần suất bay chưa nhiều, hay chậm, hủy chuyến, trong khi kế hoạch của họ được sắp xếp cả tháng trời. Lượng khách từ miền Tây đi, nếu xem thời vụ (hè, lễ, tết) thì cao, còn bình thường thì rất thấp, giảm 6 - 7 lần so cao điểm.

Giám đốc Vietravel Cần Thơ, bà Lê Đình Minh Thy cho biết, chuyến bay Cần Thơ - Bangkok đã được đơn vị khai thác 3 năm. Theo đó, khách hàng thường quan tâm vào dịp hè (tháng 7 là cao điểm), còn lại thời gian khác thì lượng khách không đủ đáp ứng. Công ty dự định mở chuyến Cần Thơ - Singapore nhưng sự chênh lệch giá quá lớn. Nếu xây dựng cho khách miền Tây thì chưa phù hợp nên chỉ duy trì tuyến Bangkok. Cũng theo bà Thy, hiện nhu cầu của khách vùng này không chỉ Đông Nam Á mà có xu hướng mở rộng lên Đông Bắc Á như HànQuốc, Đài Loan. Công ty đang muốn mở chuyến đi Đài Loan vì giá tốt, chỉ vướng thủ tục visa, mong muốn được hỗ trợ để đơn giản hóa. 

Theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, cần phải làm rõ đang vướng mắc những gì và làm gì để thu hút khách đến? Điều quan trọng là khách du lịch đến sẽ ăn gì, xem gì, chơi gì? Tại sao các hãng, hành khách chưa mặn mà?... là những câu hỏi cần giải đáp. Theo ông Cường, cần có cơ chế đối thoại mở để các hãng hàng không trong nước và quốc tế, các công ty du lịch có cơ hội tham gia.

Các tỉnh nên có trách nhiệm

Phó Giám đốc Sở GT-VT Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, thành phố có hàng trăm đoàn công tác ra nước ngoài, hàng trăm đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, địa phương đang tập trung xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, nhu cầu mở chuyến bay đến hai nước này đang rất cấp bách. Theo ông Dũng, các tỉnh dùng chung sân bay nên có các chương trình hỗ trợ cho việc quảng bá để doanh nghiệp và người dân biết nhiều hơn. 

Ông Nguyễn Công Hoàn (Ban khai thác cảng, Tổng Công ty Cảng hàng không VN) cho biết, sân bay Cần Thơ khi xây dựng đã được xác định là sân bay cửa ngõ chính của vùng ĐBSCL. Số liệu thống kê các năm cho thấy hành khách đi và đến ở đây thường thuộc 3 đối tượng là thương nhân, khách du lịch và cán bộ công nhân viên đi công tác.

“Với khách du lịch, cần có sản phẩm đặc thù, mỗi tỉnh xác định sản phẩm của mình, tạo ra chuỗi để khách đi được 4 - 5 ngày mà không có cảm giác lặp lại. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh, cần vai trò của lãnh đạo các tỉnh vì sân bay này không chỉ của Cần Thơ mà chẳng qua là đặt tại Cần Thơ” – ông Hoàn nói.    

Ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng việc mở đường bay đi/đến Cần Thơ cũng giống như chuyện “con gà - quả trứng”, các hãng muốn mở đường bay nhưng lại lo mở ra rồi không có khách, e ngại vì sợ lỗ. Theo ông Dũng, mở đường bay không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn có các nhà đầu tư, người đi học tập công tác, thân nhân…

“Thành phố đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, các tỉnh trong vùng, các công ty du lịch phát huy mạnh vai trò, xây dựng tua tuyến gắn kết Cần Thơ với các tỉnh, sản phẩm luôn mới để thu hút khách”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG