Giải pháp nào giảm nghèo vùng Tây Bắc?

Hội thảo bàn cách giảm nghèo vùng Tây Bắc
Hội thảo bàn cách giảm nghèo vùng Tây Bắc
TPO - Ngày 26/8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ LĐ TB&XH tổ chức hội nghị bàn giải pháp giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc. Theo đó, các giải pháp giảm nghèo chủ yếu theo hướng chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không.

Tây Bắc chiếm 60% chi phí giảm nghèo cả nước


Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, nhiệm vụ then chốt của Tây Bắc thời gian tới là xóa đói, giảm nghèo. Thời gian qua, công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đạt hiệu quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo  giảm từ 34,4 % năm 2010 xuống còn 15% năm 2015. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 vẫn ở mức cao nhất nước với 29,1%. Trong đó nhiều tỉnh có hộ nghèo trên 30% như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái…

“Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có chủ trương, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ LĐ TB&XH và bộ ngành, địa phương vùng Tây bắc nghiên cứu, xây dựng đề án “Giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”, trình Bộ Chính trị và quý I năm 2017”, ông Bình cho  biết.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH cho biết, năm 2016, mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa được phê duyệt, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt nguồn vốn 3.899.069 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn đầu tư cả nước. Đến nay, Bộ LĐ TB&XH đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Trước đó, giai đoạn 2011 – 2015, chương trình giảm nghèo đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực. Có gần 2 triệu học sinh được miễn giảm học phí, hỗ trợ sách vở, gạo với tổng kinh phí 1.900 tỷ đồng. Các tỉnh đã dành 3.300 tỷ đồng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 6,1 triệu lượt người. Chương trình dành gần 2.000 tỷ đồng hỗ trợ 57.000 hộ gia đình làm nhà. Hơn 1,1 triệu hộ gia đình nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí hơn 230 tỷ đồng. Tại 6 tỉnh Tây Bắc, ngân hàng chính sách xã hội đã cho hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế với tổng nguồn vốn gần 10,9 nghìn tỷ đồng.

Không cho cá, chỉ cho cần câu

Giai đoạn 2016-2020, chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc đạt mục tiêu ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh; chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để đảm bảo tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Các giải pháp đề ra như thiết kế chính sách hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không. Các bộ, ngành chuyển chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi. Hỗ trợ người dân có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm, tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để tạo hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

“Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp chỉ thực hiện hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công”, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng LĐ TB&XH cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ LĐ TB&XH, việc giám sát, quản lý sử dụng nguồn lực giảm nghèo phải đảm bảo tính dân chủ, công khai. Trong quản lý và sử dụng nguồn lực theo nguyên tắc “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng phải thực hiện nguyên tắc “xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập”.

Đồng thời, có cơ chế huy động nguồn hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Chính sách và nguồn lực phải công khai, minh bạch. Chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo tồn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của nhà nước.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung đánh giá, trước tới nay, chính sách về giảm nghèo được ban hành rất nhiều tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. “Giải pháp trong đề án rất mới, rất hay. Nếu làm được sẽ rất thành công. Giải pháp tổng thể, hướng đi tốt, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp, giảm phân tán nguồn lực. Hoặc đưa doanh nghiệp về nông thôn nói chung”, ông Trung nói.

Là đơn vị quyết định nguồn lực cho đề án, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho rằng, đề án phải có sự liên kết với các bộ để thực hiện đạt kết quả tốt hơn. Ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 rất khó khăn. “Bộ tài chính thấy rằng, bên cạnh nguồn lực nhà nước phải có giải pháp huy động nguồn lực bên ngoài như từ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho vùng Tây Bắc.  Bộ Tài chính đồng tình tập trung nguồn lực cho người nghèo, sẽ xây dựng chính sách để đảm bảo mục tiêu đã đề ra”, bà Mai cho biết.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.