Giảm đình công phải bắt đầu từ tiền lương

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều đại biểu là cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý lao động khẳng định như vậy tại buổi khảo sát, lấy ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật công đoàn ở TP.HCM chiều 24-2.

> Phấn đấu giảm 50% số vụ đình công

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
 

Nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của công đoàn về tổ chức, cơ chế tài chính, mối quan hệ với người sử dụng lao động... được bàn thảo tại buổi khảo sát, trong đó sôi nổi nhất vẫn là vấn đề tiền lương, các khoản thu nhập của đoàn viên, của người lao động.

Chủ tịch công đoàn của một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khẳng định sở dĩ một số doanh nghiệp không xảy ra đình công là nhờ ở đó chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cùng có chung mối quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Thực tế có những doanh nghiệp đã chủ động cấp kinh phí hoạt động hằng tháng cho công đoàn vượt trên cả mức 1% lương theo luật định. Hầu hết ý kiến đều thống nhất với dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) là quy định thống nhất mức trích nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp bằng 2% tổng lương thực trả cho người lao động, không phân biệt loại hình doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Hồ Xuân Lâm - trưởng phòng quản lý lao động thuộc Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, có đến 99,9% các vụ đình công đều xuất phát từ vấn đề tiền lương. “Phần lớn người lao động hiện nay thuộc diện yếu thế, bị o ép, trả lương không đủ sống. Đến lúc không thể chịu đựng được nữa thì họ đình công và sử dụng đình công là giải pháp đầu tiên, thay vì là giải pháp cuối cùng, để đòi tăng lương” - ông Lâm phân tích.

Theo các đại biểu, chỉ có thể giảm được đình công khi cái gốc là vấn đề tiền lương được giải quyết ổn thỏa, đảm bảo đời sống của người lao động.

* Trước đó tại hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng lao động - tiền lương - tiền công thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho rằng vấn đề tiền lương là căn nguyên của nhiều vụ tranh chấp lao động. Trong đó phổ biến nhất là tình trạng doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác chỉ muốn trả cho người lao động mức thấp nhất trong thang bảng lương và cố tìm cách né tránh các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến tiền lương.

Cũng tại hội thảo này, nhiều đại biểu thống nhất đề nghị Bộ luật lao động sửa đổi nên điều chỉnh tăng ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ bốn ngày lên năm ngày, gồm hai ngày cuối của năm cũ và ba ngày đầu năm mới. Theo các đại biểu, việc quy định chỉ đến ngày cuối cùng của năm cũ mới được nghỉ tết như hiện nay khiến nhiều gia đình không đủ thời gian chuẩn bị một cái tết trọn vẹn.

Theo N.Triều - H.Văn
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG