Giúp dân đổi đời với 3 triệu đồng

Giúp dân đổi đời với 3 triệu đồng
TP - Ở Lâm Đồng và có lẽ trên khắp đất nước không HTX nào có vốn pháp định ít ỏi như vậy. Thế nhưng chỉ sau một năm hoạt động, Bắc Ninh trở thành một trong những HTX có số lượng xã viên lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.

Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp được bao tiêu xuất khẩu.

Những ngày làm thuê ở huyện Đức Trọng, cô kỹ sư Vũ Thị Lý làm quen với cây mát mát (còn gọi là chanh dây, lạc tiên) mới nhập về từ Đài Loan.

Mang vài chục cây về trồng, kết quả vượt quá sự mong đợi: Chỉ sau vài tháng, mát mát leo giàn xanh tốt, quả lúc lỉu…

Theo sách Đông y, mát mát có công dụng giải nhiệt; ngọn và thân cây có thể chữa một số bệnh về tim mạch; rễ dùng điều trị bệnh đau ngực, hen suyễn.

Vì vậy, tuy mới gia nhập thị trường cây ăn trái nhưng mát mát rất được ưa chuộng, giá từ 5 – 6 ngàn đồng/kg, lúc cao điểm (mùa nắng nóng) có thể tăng gấp đôi, trong khi giá thành 1 kg mát mát chưa tới 2 ngàn đồng. 

“Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, nhà tranh vách lá dột nát, nợ nần chồng chất do làm cà phê. Vợ chồng đánh mắng nhau, con cái nheo nhóc. Được chị Lý giúp đỡ mọi mặt để trồng mát mát, chúng tôi có thu nhập kha khá để trả nợ và mua bò, dê về nuôi. Lúc đầu chỉ dám trồng thử 1 sào, vừa làm vừa run vì đây là loại cây mới, nay mở rộng ra 3 ha”. 

Chị Trần Thị Huệ (thôn 15, Đinh Trang Hòa, Di Linh)

Sau 3 năm nghiên cứu về kỹ thuật trồng, chăm sóc mát mát và tìm hiểu thị trường, Lý nhận thấy loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ngay cả đối với những thửa đất cằn cỗi  mà đồng bào dân tộc thiểu số  bỏ hoang. Giá trị kinh tế lại khá cao nên cô nảy ra ý định thành lập một HTX chuyên trồng mát mát.

Với chiếc xe máy cà tàng, Lý rong ruổi khắp nơi, mỗi ngày từ hàng chục đến hàng trăm ki - lô - mét đến các bản làng Mường, Nộp, K’ho xa xôi để vận động bà con góp vốn. Do hoàn cảnh khó khăn nên mỗi hộ chỉ có thể đóng 50 ngàn đồng cổ phần. Ròng rã 6 tháng, Lý thuyết phục 60 người góp được 3 triệu đồng.

Quá trình làm thủ tục thành lập HTX rất gian truân bởi nhiều người cho rằng HTX khó có thể tồn tại, phát triển với số vốn pháp định ít ỏi như vậy. Là người cứng rắn, bản lĩnh nhưng nhiều lúc Lý rơi nước mắt vì buồn bã, thất vọng. Sau 8 tháng kiên trì thuyết phục, UBND huyện Di Linh chấp thuận cho thành lập HTX Bắc Ninh do Lý làm chủ nhiệm vào tháng 3/2005.

Đa số xã viên đều có đất nhưng thiếu vốn, trong khi chi phí đầu tư trồng mát mát khá lớn: Mỗi sào từ 5-7 triệu đồng tiền cây giống, phân bón, làm giàn… Một mặt, Lý kiên trì thuyết phục một đơn vị đầu tư cây giống, các nhà máy phân bón Bình Điền và Quế Lâm bán phân bón trả chậm.

Mặt khác, cô nảy ra sáng kiến thay dây kẽm bằng dây ni lông, thay lõi thép của trụ bê tông bằng một loại cây rừng để giảm giá thành làm giàn; tự tìm hiểu cách điều trị các loại bệnh của mát mát để hướng dẫn cho xã viên. 

Hiện HTX có hàng trăm hộ xã viên với cả ngàn lao động, trong đó hơn 200 cựu chiến binh, 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Địa bàn hoạt động của HTX không chỉ ở huyện Di Linh mà còn mở rộng sang  Bảo Lâm.

Khu văn phòng, nhà xưởng…trị giá hơn nửa tỷ đồng cũng vừa được xây dựng. Chủ nhiệm Vũ Thị Lý cho biết HTX có 100 ha mát mát, 20 ha dứa cayen, 4 ha gừng cao sản. Dự kiến những năm 2007 – 2008 mở rộng thêm 200 ha mát mát nữa.

MỚI - NÓNG