Gỡ điểm nghẽn nông nghiệp công nghệ cao

1ha lan vũ nữ cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm.
1ha lan vũ nữ cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm.
TP - Tốc độ tăng năng suất nông nghiệp đang chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điều kiện tiên quyết, cũng gặp không ít điểm nghẽn.

Ứng dụng công nghệ cao là tất yếu

Tại Hội nghị toàn quốc về nông nghiệp công nghệ cao vừa được tổ chức tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam đã giảm từ 4,3%/năm (1994 - 2000) xuống còn 3,7%/năm (2001 - 2007) và 3,1%/năm (2008 - 2015). Nguyên nhân do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông-lâm-thủy sản chưa cao...

Cũng theo ông Doanh, nước ta còn phải đối mặt với những thách thức lớn như quỹ đất nông nghiệp giảm, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế… Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là hướng đi tất yếu, là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển bền vững nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển NNƯDCNC với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 3,5%; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Thế nhưng đến thời điểm này cả nước mới có 2 khu NNƯDCNC được Thủ tướng thành lập tại Hậu Giang và Phú Yên, 1 vùng NNƯDCNC được công nhận tại Kiên Giang. Cả nước cũng chỉ có 28 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp NNƯDCNC. Trong phát triển NNƯDCNC vẫn còn nhiều tồn tại như tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất; sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn.

Nông dân vẫn “đói” vốn và thông tin thị trường

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai “gói” tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển NNƯDCNC, nông nghiệp sạch bởi lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn. Theo đó, khách hàng được hưởng lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ dân thường thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tức là trong hồ sơ vay vốn bên vay mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa chứng minh được sản phẩm làm ra bán ở đâu, bán cho ai. Bởi việc cho vay phát triển NNƯDCNC tiềm ẩn nhiều rủi ro nên ngân hàng chỉ cho vay khi doanh nghiệp hoặc người dân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Nhiều doanh nghiệp và nông dân cũng băn khoăn và kiến nghị các bộ ngành chức năng tăng cường đánh giá, dự báo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm NNƯDCNC.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh công tác triển khai xây dựng khu NNƯDCNC thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng... Về giải pháp cho vấn đề này, đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) nói thời gian tới cần tăng cường chất lượng dự báo, đảm bảo sự ổn định của quy hoạch; rà soát hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất cũng như nghiên cứu để sớm ban hành chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất…

Ngoài ra, theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thông thường, khi ứng dụng công nghệ cao thì năng suất cây trồng, vật nuôi sẽ tăng 40 - 85% so với năng suất sản xuất truyền thống, qua đó tạo một sản lượng nông sản rất lớn. Vì vậy khi phát triển NNƯDCNC phải chú ý công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản, tạo liên kết đồng bộ giữa vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến để góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.

Lâm Đồng đang dẫn đầu cả nước với trên 50.000 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 17% diện tích canh tác. Giá trị sản xuất bình quân đạt 155 triệu đồng/ha/năm, trong đó có nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt doanh thu đến 500 triệu đồng/ha/năm và hoa đạt 1,2 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt rau thủy canh đạt từ 8 - 9 tỷ đồng/ha/năm. Vùng đất này thu hút 77 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư trên 250 triệu USD, 1.425 doanh nghiệp trong nước với hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư phát triển NNƯDCNC.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.