“Góc khuất” mới của nợ xấu

Làm sao tìm và lôi ra được nơi nợ xấu trú ẩn.
Làm sao tìm và lôi ra được nơi nợ xấu trú ẩn.
TP - Một tài sản bị đem thế chấp vào khoản vay mà vốn dĩ doanh nghiệp đã hoàn toàn phá sản. Nhưng tại sao ngân hàng không tất toán hẳn mà vẫn tính vào lãi dự thu đầy đủ bình thường? Đây chính là góc khuất mới của nợ xấu.    

Nơi nợ xấu trú ẩn

Thời gian qua, câu chuyện lãi dự thu đột nhiên ồn ào (lãi dự thu là khoản chưa thu được nhưng theo chế độ hạch toán kế toán, các nhà băng vẫn đưa vào tạo nên lợi nhuận). Vấn đề không chỉ bởi ngân hàng đếm cua trong lỗ tính lãi, hơn thế khi ẩn sâu trong đó là nợ xấu.

Một chuyên gia ngân hàng lâu năm hiện đang là thành viên HĐQT của một nhà băng kể cho phóng viên về một góc khuất mới của nợ xấu. Ông cho biết: Căn nhà nơi ông đang làm việc là nhà của một DN dùng để thế chấp vay vốn NH. Nhưng đến thời điểm hiện tại, DN này đã bị phá sản một thời gian dài. Vấn đề ở chỗ, khoản vay của DN này không chỉ đang được duy trì mà lãi dự thu vẫn được NH tính toán đầy đủ.

Vì sao NH đó vẫn phải tính lãi dự thu như khoản vay bình thường? Thắc mắc trên được vị chuyên gia trên trả lời: Bởi nếu không tính lãi dự thu, khoản nợ trên trở thành nợ xấu. Trong khi đó NH lại không dám phát mại tài sản vì nếu có tài sản bán đi may ra chỉ được 1/3 giá trị khoản vay. 

Thất thoát trên sẽ phải tính ra sao, ai chịu trách nhiệm nếu là NHTM Nhà nước. Còn đối với NHTMCP thì bảng cân đối tài sản từ lãi chuyển sang lỗ luôn. Chính vì thế các NH không dám bán đi để xử lý và cứ để một tài sản giá trị lớn trên sổ sách, coi như NH đang sống với khoản vay này với lãi đầy đủ. Theo vị này, tình trạng các NH vẫn cộng lãi dự thu của các khoản vay “chết” từ năm này sang năm khác diễn ra khá phổ biến.“Và nợ xấu đang ẩn khuất sau chính khoản lãi dự thu”, vị này kết luận.

Một chuyên gia NH khác thì chỉ ra,  tuy theo báo cáo chính thức, nợ xấu hệ thống NH dưới 3% nhưng trên thực tế, bên cạnh khối lượng nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý dứt điểm được, cộng với lãi dự thu (nợ xấu chưa chuyển nhóm) con số nợ xấu thực sẽ lớn hơn nhiều. Cụ thể hơn, vị này chỉ ra: Đã có con số thống kê sơ bộ cho thấy quy mô lãi dự thu của toàn hệ thống NH tăng mạnh kể từ năm 2012 đến nay. 

Nếu như đầu năm 2012, con số lãi dự thu chỉ hơn 40 nghìn tỷ đồng, thì đến cuối quý I/2016, tổng quy mô lãi dự thu của 34 NHTM tăng lên 168 nghìn tỷ đồng gấp 4 lần, trong đó 123 nghìn tỷ đồng là từ tín dụng. Tất nhiên, lãi dự thu từ tín dụng chiếm số lượng lớn như vậy, vì trong cơ cấu lợi nhuận NH, thu từ tín dụng chiếm 85 - 90% thậm chí có NH còn cao hơn.

Bóc tách làm sao?

Bóc tách lãi dự thu từ tín dụng là điều không hề đơn giản. Một vị chuyên gia đưa dẫn chứng, thời gian qua, không ít DN được NH cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 tạo điều kiện tốt nhất để DN vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động tốt. Thời điểm đó, đấy là giải pháp tình thế bởi nếu ép phải trả nợ ngay thì sẽ không ít DN dẫn đến phá sản. 

Nhưng mặt trái của nó ẩn chứa nguy cơ nợ xấu. Lãi dự thu không phản ánh đúng thực chất hoạt động kinh doanh của NH đó. “Chính do hoạt động cơ cấu lại bằng nhiều cách, thực hiện nhiều lần có thể bản thân các NH cũng khó bóc tách số tiền lãi dự thu cho các khoản vay mới, cũ lẫn lộn”, một chuyên gia bổ sung thêm mặt trái lãi dự thu.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, xử lý vấn đề lãi dự thu là điểm then chốt nhất đẩy nhanh xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính thực sự của hệ thống NH cũng như tạo đà cho các quá trình tự tái cấu trúc hiệu quả sau này. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề liên quan đến lãi dự thu ông Nghĩa lưy ý cần có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính. Cụ thể, khoanh lại lãi dự thu và cho hoàn nhập dần trong nhiều năm (số lãi dự thu của NH đã được Bộ Tài chính thu thuế trước đó).

Một chuyên gia NH bổ sung thêm cơ chế chính sách để NHTM tự xử lý như có cơ chế chuyển nhóm và trích lập DPRR cho các khoản nợ đã cơ cấu lại theo Quyết định 780 trước đây. Hoặc cơ chế xử lý lãi dự thu để cho các NHTM mạnh dạn bán tài sản thế chấp theo giá thị trường để xử lý nợ cũng như mạnh dạn chuyển nhóm nợ mà không sợ đưa lợi nhuận về mức thực chất; Tạo điều kiện hơn để VAMC mua bán nợ theo giá thị trường như tăng quyền tự quyết của chủ nợ mới đẩy nhanh xử lý tài sản đảm bảo…

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 3 tăng lên 2.62% so với con số 2.55% vào tháng 12/2015.  Ngoài ra, tổng tài sản của các TCTD trong tháng 3 tăng hơn 130,000 tỷ đồng so với tháng trước, đạt hơn 7.5 triệu tỷ đồng (tăng 2.53% so với đầu năm). Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm nhẹ xuống còn 12.67%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng nhẹ lên 30.86%.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.