Hà Tây: Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Bao giờ?

Hà Tây: Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Bao giờ?
Sau 6 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi 200 ha đất cho dự án Khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc, đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Khu công nghệ cao đến giờ vẫn nằm trên giấy.

KCNC Hoà Lạc, sau giai đoạn nhộn nhịp vì cơn “sốt” đất, dấu ấn còn lại là những vạt đồi hoang buồn tẻ. Đó là mặt bằng mà khoảng 1000 hộ dân đã tự nguyện bàn giao đất cho Ban QLDA. Nhưng cũng có những triền đồi ngào ngạt hoa vải, nhãn và những bức tường bao kiểu cách dài hun hút bọc lấy những ngôi biệt thự sang trọng và đầy quyền uy.

Tấm biển chỉ dẫn đầu đường Láng - Hoà Lạc đã hoen ố và bị cỏ dại làm khuất lấp phần nào. Con đường C (dài 2,5km); Khu trung tâm khởi động có lẽ là hai hạng mục được hoàn thành sớm nhất tại KCNC.

Ông Nguyễn Như Vinh, Phó GĐ BQL dự án KCNC cho hay, ngoài 2 hạng mục trên nhiều hạng mục khác cũng đã và đang được đầu tư: Trạm cấp nước 3000m3/ngày đêm; Trạm điện và đường cáp quang…Với tất cả các hạng mục này, người ta vẫn chưa thể hình dung ra diện mạo  một KCNC.

Sự chậm trễ trong triển khai các dự án hạ tầng tại KCNC thường vẫn được “đẩy” cho GPMB. Song, trên thực tế ngay cả khi có mặt bằng, nhiều dự án vẫn tiến triển ì ạch.

Ví như cho đến tháng 2/2004, số diện tích được thu hồi đã vào khoảng 188 ha/200ha (bước I, giai đoạn I). Trên thực tế nhiều diện tích đất được thu hồi song vẫn bị “bỏ hoang”.

Phải đến  đầu năm 2005, Tổng Cty VINACONEX (nhà thầu chính xây dựng hạ tầng cho KCNC) mới  tích cực triển khai một số dự án: xây dựng tuyến đường A, B, C, E, H thuộc các hạng mục chính hạ tầng kỹ thuật bước I, giai đoạn I với tổng chiều dài 8,5 km. Tuyến đường bao KCNC, cổng kết nối riêng và trực tiếp với Internet quốc tế, Khu công nghiệp CNC cũng đang được triển khai.

Vì sao các dự án lại triển khai chậm? Ông Vinh lý giải, thứ nhất là do diện tích thu hồi hoặc là ít, hoặc là thiếu đồng bộ để có thể triển khai dự án hạ tầng. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc triển khai các dự án hạ tầng chậm chính là thiếu vốn.

Theo QĐ mà Thủ tướng phê duyệt, vốn cho đầu tư hạ tầng bước I, giai đoạn I của dự án là 96 triệu đô la (1.500 tỷ đồng). Nhưng đến nay, kinh phí cấp cho toàn bộ dự án KCNC Hoà Lạc mới là 186 tỷ đồng (bằng 15% so với yêu cầu).

Không có nhà đầu tư vì chưa có quy hoạch?

Rõ ràng đến thời điểm này, mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 (800ha) vào năm 2005 là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, ngay cả việc đầu tư bước I, giai đoạn I (200ha) cũng đang gặp khó khăn.

Các khu chức năng chính của bước I, giai đoạn I được duyệt là: Khu trung tâm (10 ha); Khu đô thị thương mại (15,8 ha); Khu nhà ở cao cấp (18,8ha); Khu phố mới (26,8 ha); Khu giải trí (16 ha); Khu phần mềm (15 ha); Khu R&D (20 ha); Khu công nghiệp CNC (34,5 ha)…

Vậy nhưng, do nhiều bất hợp lý, 5 khu chức năng của bước I, giai đoạn I sẽ phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết: Khu phố mới, Khu nhà ở cao cấp, Khu giải trí, Khu đô thị thương mại, Khu công nghiệp CNC. Chắc chắn các nhà đầu tư sẽ còn phải chờ quy hoạch chi tiết?

Ngay sát khu đường C, công trình cổng kết nối Internet vừa được hoàn thành. Song đó chỉ là cái xác nhà (chưa có thiết bị). Một cán bộ Ban QLDA cho biết: Vì chưa có nhu cầu sử dụng nên chưa lắp thiết bị. Cổng Internet vẫn nằm chờ.

Ông Vinh bức xúc, cái mất lớn nhất là mất cơ hội đầu tư. Ngay từ năm 2001, Ban đã nhận hồ sơ, thậm chí đã cấp phép cho một số doanh nghiệp đến KCNC đầu tư.

Cụ thể: Tập đoàn Intel (Mỹ) đề xuất xây dựng dự án nhà máy lắp ráp và thử chip của Intel tại KCNC với diện tích 40 ha, vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD; VNPT đề nghị cấp 100 ha để xây dựng tổ hợp sản xuất và kinh doanh thiết bị viễn thông (350 triệu USD); UBND TP Hà Nội đề nghị lập dự án khu công viên phần mềm. Tổng Cty Tàu thuỷ VN; Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN…cũng có đề nghị lập dự án đầu tư tại KCNC.

Đặc biệt, các Tổng Cty VINACONEX, Tổng Cty Xây dựng Hà Nội, tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) đề nghị được đầu tư vào các khu vui chơi, khu đô thị thương mại và khu phố mới…

Tiếc rằng trên thực tế lại chưa một nhà đầu tư nào chính thức đầu tư vào KCNC. Không chỉ mặt bằng, hạ tầng mà hàng loạt các cơ chế chính sách thu hút đầu tư cũng như cơ chế quản lý cho KCNC hiện chưa được làm rõ thực sự đang là rào cản để Dự án KCNC có CNC. Trách nhiệm  này không biết thuộc về ai?    

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.