Hàng loạt tài xế taxi nghỉ việc vì Grab, Uber: Kinh doanh bất bình đẳng?

Nhiều hãng taxi truyền thống kiến nghị về hoạt động của Uber, Grab. Ảnh: Anh Trọng.
Nhiều hãng taxi truyền thống kiến nghị về hoạt động của Uber, Grab. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Doanh số của nhiều hãng taxi truyền thống sụt giảm nhanh chóng, đã có hàng trăm lái xe taxi nghỉ việc vì hoạt động của Uber, Grab. Đại diện nhiều hãng taxi truyền thống cho rằng cùng hoạt động như taxi nhưng xe Grab, Uber lại được chạy vào phố cấm, khu vực cấm bắt khách, còn taxi truyền thống lại không được vào…

Kiến nghị về môi trường kinh doanh

Trong mấy ngày qua các Hiệp hội vận tải và tổ chức công đoàn tại Hà Nội, TPHCM liên tiếp nhận được nhiều lá đơn ký tên tập thể của tài xế taxi gửi đến. Nội dung các lá đơn này đề cập, các tài xế muốn xin phép được xuống đường phản đối các hoạt động được cho là bất bình đẳng của xe Grab, Uber.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Hà Nội xác nhận, gần một tháng nay Hiệp hội liên tiếp nhận được các đề nghị của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp (DN) taxi muốn Hiệp hội đứng ra xin phép Công đoàn thành phố để lái xe tại đơn vị mình xuống đường tuần hành.

“Hà Nội hiện có gần 90 DN kinh doanh trên lĩnh vực taxi, số lượng đầu xe là 19.000 chiếc, trước các hoạt động bất bình đẳng của xe Grab, Uber gần một tháng nay các tổ chức công đoàn của tất cả gần 90 DN đều kêu gọi Hiệp hội đứng ra làm văn bản thông báo với Liên đoàn Lao động thành phố về việc họ tổ chức xuống đường phản đối xe Grab, Uber. Tuy nhiên, chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GTVT, thành phố Hà Nội để tìm hướng tháo gỡ”, ông Bình nói.

Tại TPHCM, hơn 1.000 tài xế đã ký lá đơn đầu tiên gửi đến các cơ quan tại TPHCM. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Vinasun Taxi (Cty CP Ánh Dương Việt Nam) đã xác nhận thông tin trên và cho biết, sau khi các tài xế gửi đơn, đại diện Thành ủy, UBND và Liên đoàn Lao động thành phố đã xuống gặp gỡ anh em lái xe.

Tại buổi gặp gỡ, các tài xế chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được hoạt động trong môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, bình đẳng. Đại diện Thành ủy, UBND và tổ chức công đoàn thành phố đã hứa sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm có các giải pháp hợp lý.

Hàng nghìn lao động phải nghỉ việc

Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, chỉ riêng trong quý I năm 2017, Vinasun đã có trên 4.200 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải dừng hoạt động vì sự cạnh tranh có dấu hiệu thiếu lành mạnh của Uber và Grab.

Chỉ xuất hiện tại TPHCM trong hơn 2 năm qua nhưng số lượng xe hợp đồng tham gia hình thức chạy Grab, Uber đã lên trên 21.000 xe, đó là chưa kể hơn 1.000 xe từ các tỉnh, thành phố khác đổ về TPHCM hoạt động tham gia hình thức này. Trong khi đó, sau hơn 20 năm phát triển, lượng xe taxi trên địa bàn thành phố chỉ được khống chế theo quy hoạch là 11.000 xe.

Trong chiều ngày 22/6, đại diện các Hiệp hội taxi gồm Hiệp hội taxi Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cũng cho biết, sau các văn bản gửi Bộ GTVT không có kết quả, họ vừa ký chung một văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngoài đề nghị Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, bản kiến nghị còn nêu rõ bản chất hoạt động không sòng phẳng của xe Grab, Uber trên thị trường vận tải Việt Nam.

Văn bản của các Hiệp hội Taxi phân tích: “Về bản chất các đơn vị này là đơn vị cung cấp ứng dụng (phần mềm điện tử) được cài đặt trên thiết bị cầm tay để hành khách kết nối với lái xe, họ không phải là đơn vị kinh doanh, điều hành vận tải.

Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các đơn vị này lại hoạt động như một đơn vị kinh doanh vận tải. Thực tế là họ đang vừa cung cấp ứng dụng, vừa điều hành hoạt động của các xe, vừa thu, trả tiền hoa hồng cho tài xế”.

Cũng theo Hiệp hội taxi, theo điều 67 Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 của Chính phủ, taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, đơn vị hoạt động trên lĩnh vực này phải đáp ứng những điều kiện căn bản nhất như: đăng ký kinh doanh, có số lượng xe phù hợp quy hoạch, xe phải lắp đặt đèn hiệu (mào taxi), logo, đồng hồ tính cước và giám sát hành trình…”.

Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi công văn báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả xử lý kiến nghị của Vinasun. Bộ GTVT cho rằng, trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng loại hình và chấp hành đầy đủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định theo Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông Vận tải mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp thì Bộ luôn ủng hộ. Bản chất là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, thay thế cho hợp đồng giấy chứ không phải là loại hình taxi. Đối với việc khống chế số lượng đầu xe, Bộ cho rằng khi chưa đề xuất Thủ tướng cho phép thực hiện thí điểm thì Uber và Grab cũng đã du nhập và hoạt động tại Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là tất yếu, vấn đề là các địa phương cần quy hoạch phương tiện phù hợp với thực trạng giao thông.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.