Hàng xuất khẩu tìm cơ hội

Nông sản của T&T Group được kiểm tra ngay tại chỗ trước khi xuất đi sang Mỹ
Nông sản của T&T Group được kiểm tra ngay tại chỗ trước khi xuất đi sang Mỹ
TP - Đa số doanh nghiệp (DN) các ngành hàng xuất khẩu đã bắt đầu hoạt động từ mùng 6 tết để đáp ứng tiến độ giao hàng các hợp đồng ký kết từ đầu năm nay. Song cũng có nhiều ngành hàng xuất khẩu vẫn chưa có đơn hàng mới, đang chờ đợi những tín hiệu khởi sắc từ thị trường.

Nông sản tìm thị trường mới

Vừa xuất lô thanh long 7 công máy bay (7 tấn) sang Mỹ hôm mùng 6 tết (2/2), công nhân Cty TNHH TMDV XNK Vina T& T lại tất bật bắt tay vào công việc chuẩn bị cho lô hàng xuất ngoại ngày 6/2 sắp tới. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc T&T Group vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi không nghỉ mà làm việc “xuyên tết”. Ngoài thị trường Mỹ và Canada có từ trước giờ, chúng tôi vừa ký được đơn hàng với thị trường mới là Úc trị giá 3 triệu USD với các mặt hàng trái cây là thanh long và xoài. Trong năm 2016 vừa qua, Cty đã xuất đi hơn 6 triệu tấn rau quả ra nước ngoài và hiện, Cty đã kín đơn hàng đến hết năm 2017”.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Cty TNHH An Huy Long An cũng chuẩn bị để ngày 6/2 tới đây gửi mẫu chuối Fohla sang thị trường mới là Hàn Quốc: “Muốn được nước này chấp nhận, sản phẩm phải đạt trên 200 chỉ tiêu. Chuối Fohla “made in VN” đã vào được Nhật thì khả năng được Hàn Quốc chấp nhận” – ông Huy nói. Tuy nhiên, ông Huy cũng lo lắng vì từ tháng 8 năm ngoái đến thời điểm hiện tại, tình hình xuất khẩu im ắng chứ không sôi động. “Dẫu vậy, dù cho bán sản phẩm trong nước hay đưa đi nước ngoài, tôi vẫn đặt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm lên trên hết” – ông Huy khẳng định.

Trong khi nông sản được coi là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm 2016, dự báo sẽ tiếp tục dẫn đầu trong năm 2017 thì ngược lại, ngành dệt may lại hết sức chật vật. Theo Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), năm 2017, doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục gặp khó khăn do tác động của sự cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Các quốc gia này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút khách hàng. Tương tự, ngành gạo, thủy sản cũng được dự báo sẽ là những ngành kinh tế khó khăn trong năm nay.

Tận dụng cơ hội

Theo phân tích của Ngân hàng HSBC Việt Nam, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bất lợi, đồng thời một quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như VN.

Không có TPP, chúng ta vẫn còn nhiều hiệp định khác để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển - ông Võ Quan Huy bộc bạch. Thực ra có TPP hay không, nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi sản phẩm xuất sang nước ngoài nếu không đạt các tiêu chuẩn khắt khe do đối tác yêu cầu thì vẫn bị trả về bình thường.

Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng DN Việt cần có những tính toán cẩn thận hơn cho những bước đi sắp tới. Đặc biệt, đối với ngành dệt may. “Ngành dệt may từ đây đến cuối năm sẽ không có nhiều thuận lợi. Dẫu vậy, DN dệt may đã có những giải pháp là tìm kiếm thị trường mới ở EU, Nga, Nhật Bản, Trung Đông... Bên cạnh đó, DN cũng phải có những chiến lược dài hơi. Chẳng hạn đầu tư máy móc phải rất cẩn trọng, làm sao có thể cải tiến để sử dụng nhiều năm; chuyển hướng vào thị trường trong nước…” - ông Giang cho biết.

7 ngày Tết, kim ngạch NXK đạt gần 400 triệu USD. Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu năm 2017, toàn quốc có 98 Chi cục Hải quan và tương đương có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với số lượng 6,2 nghìn tờ khai; có 681 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tăng 1,5% so với dịp Tết năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sơ bộ đạt 395 triệu USD trong 7 ngày nghỉ Tết. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 161 triệu USD, tập trung ở 3 nhóm mặt hàng chính: máy vi tính, điện thoại & linh kiện; nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; sắt thép các loại.               

                Tuấn Nguyễn

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm qua, VN đã tận dụng tốt kết quả của các FTA có hiệu lực và cam kết trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu. Chẳng hạn, với Hàn Quốc, sau khi FTA có hiệu lực, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 29% trong năm 2016 với 11,5 tỷ USD. Ngay 2 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU dù có nhiều khó khăn, biến động từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và sự kiện Brexit, xuất khẩu vào hai khu vực này vẫn tiếp tục tăng trên 10% và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Nhiều chuyên gia nhận định năm 2017, xuất khẩu của VN vẫn có ưu thế trong cạnh tranh và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới.

MỚI - NÓNG