Hãnh diện vì được gọi “vua rác”

David Dương chia sẻ với các doanh nhân trẻ trong buổi gặp mặt mới đây.
David Dương chia sẻ với các doanh nhân trẻ trong buổi gặp mặt mới đây.
TP - Không biết từ bao giờ David Dương được người dân gọi thân mật bằng cái tên “vua rác”. Cho dù có người nói cái tên ấy không mấy thiện cảm nhưng với ông đó là một niềm kiêu hãnh và cần trân quý.

“Ðã là vua dù chỉ là “vua rác” thì mình cũng phải sống và làm việc tốt để giúp ích cho dân, làm nhiều việc cho dân. Phải lo cái lo của người dân”- David Dương ví von.

Tuổi trẻ với nhiều khốn khó

Hiện là ông chủ của California Waste Solutions (CWS), công ty chuyên về xử lý môi trường nằm trong top 31/100 ở Mỹ, đồng thời là chủ của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) với Khu liên hợp xử lý chất thải Ða Phước được đầu tư trên 150 triệu USD, đứng hàng đầu ở Việt Nam, David Dương vẫn bình dân như cái tên gọi mà người dân đặt cho mình: “vua rác”. Trong trí tưởng tượng của nhiều người khi chưa gặp ông, là một David Dương với quần áo tuềnh toàng, lầy lội trong những đống rác dơ dáy. Nhưng “vua rác” không phải như vậy. Ở những sự kiện lớn, vẫn thấy ông sơ mi trắng với comple sang trọng trông doanh nhân này không liên quan gì đến lĩnh vực mà mình đã gắn bó hơn 35 năm qua.

Sinh năm 1958, David Dương sang Mỹ từ khi 18 tuổi. Sau hơn 30 năm đi từ người nhặt rác lên vị trí làm chủ doanh nghiệp xử lý rác thải lớn ở Mỹ, khối tài sản tích tụ từ sức lao động của ông và những người đồng hành không chỉ lớn về con số hàng trăm triệu USD. Bản thân ông còn được thừa nhận ở các vị trí là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại thung lũng Silicon, Ủy viên Hội Doanh thương quốc tế Thành phố Oakland, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ. Ông cũng là người vinh dự được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm là Ủy viên Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF).

“Hầu như tôi không có ngày nghỉ. Các dự án ở Hoa Kỳ, cũng như các dự án hợp tác với Philippines và Hồng Kông luôn cuốn tôi theo công việc. Dù vậy, tôi vẫn tranh thủ để dành thời gian cho gia đình. Trở về Việt Nam với hai dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước và mới đây là Khu công nghệ môi trường xanh Long An đã phần nào giúp tôi gắn kết với quê hương nhiều hơn”.

David Dương chia sẻ

Ít ai biết được sự thành danh của ông ngày hôm nay đã phải đánh đổi rất nhiều, cả tuổi trẻ với những khốn khó. Với nhiều người, từ vị trí “cậu ấm” của ông chủ Dương Tài Thu, người sở hữu một công ty chuyên sản xuất giấy lớn nhất miền Nam trước năm 1975, bỗng chốc chuyển sang thành người nhặt rác hàng đêm có lẽ không thể dễ dàng. Nhưng với David Dương, khó khăn không bao giờ khuất phục được ông. “Tôi là tuýp người ưa thử thách, luôn sẵn sàng đón nhận và đương đầu với khó khăn, chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc”, ông luôn nói thế và dạy con như vậy.

Hãnh diện vì được gọi “vua rác” ảnh 1

Thời gian đầu đến Mỹ, khi gia đình khởi nghiệp bằng nghề nhặt rác, David Dương hàng ngày sau khi tan học đều dành thời gian từ 6 giờ chiều đến 2-3 giờ sáng ngày hôm sau để đi thu gom rác ở các khu trung tâm, nơi có nhà cao tầng mang về bán. “Ba mẹ dạy chúng tôi, không dành dụm lúc đầu thì không sung túc về sau”, ông nhớ lại và trong giai đoạn khó khăn nhất, gia đình nhỏ này chi tiêu rất tằn tiện để hy vọng có tiền đầu tư mở rộng hoạt động. Từng bước một, hoạt động thu gom rác đi qua các nấc thang mới, từ sắm được chiếc ô tô chuyên chở đầu tiên chỉ có 700 USD rồi lên 11 chiếc, bắt đầu thuê nhà kho...

Năm 1983, gia đình David Dương đã mở cơ sở đầu tiên về thu gom và tái chế rác thải, rồi bắt đầu phải mua lại rác phế liệu từ những người thu gom khác. Từng bước phát triển hoạt động ra nhiều thành phố hơn như Oakland, San Jose, Sacramento, Contra Costa... Năm 1992, David Dương thành lập CWS. Hiện tại, ngoài 3 nhà máy đã đầu tư với chi phí khoảng 250 triệu USD, David Dương tiếp tục đầu tư 3 nhà máy mới với tổng vốn khoảng 360 triệu USD. Tháng 5 vừa qua, sự kiện gây chấn động với nhiều người Mỹ và cả Việt Nam khi công ty của David Dương đã đánh bại “gã khổng lồ” Waste Management, một công ty xử lý chất thải của Mỹ lớn nhất Hoa Kỳ, để đem về hợp đồng thu gom, tái chế trên 1 tỷ USD.

Sản phẩm tái chế được công ty ông còn xuất khẩu sang Ấn Ðộ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam... “Tôi rất tự hào đã thành công tại Mỹ. Tất cả nhờ sự kiên nhẫn, cần cù và trên hết là quyết tâm”, David Dương nói.

Hãnh diện vì được gọi “vua rác” ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu công nghệ Môi trường xanh có vốn đầu tư 450 triệu USD cho ông David Dương.

“Ðừng sợ đường gập ghềnh”

Một nhóm thanh niên khoảng 15 người trầm trồ khen ngợi khi đứng xem mô hình Khu Công nghệ môi trường xanh do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam- Long An của ông David Dương làm chủ đầu tư. Họ là những doanh nhân trẻ đến từ TPHCM và một số tỉnh ở miền Tây để gặp ông trong chuyến ông về Việt Nam. Khi biết được đây là dự án mà tỉnh Long An vừa trao giấy chứng nhận cho công ty của ông Dương vào ngày 12/9 vừa qua, rất nhiều doanh nhân trẻ thán phục. Với tổng đầu tư 450 triệu USD, ông Ðỗ Hữu Lâm- Chủ tịch UBND tỉnh Long An nói “là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong hơn 600 dự án đã triển khai ở nơi đây”. Ðúng vậy, vì trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, dự án này của ông Dương sẽ xử lý rác cho 8 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với công suất hơn 40 nghìn tấn/ngày.

Ngưỡng mộ David Dương là vậy nhưng hầu như các doanh nhân trẻ này chưa có ai có dịp gặp ông. Lần này họ chủ động để được diện kiến ông, với mong muốn được ông chia sẻ công việc kinh doanh và vai trò của một Chủ tịch Hội doanh gia Việt- Mỹ. “Dù ngưỡng mộ ông ấy từ lâu, chúng tôi vẫn chưa có cơ hội để diện kiến ông. Chúng tôi muốn gặp ông bằng da bằng thịt và hiểu hơn về con người, cách làm việc của ông, sự thành công từ một cậu bé nhặt rác và trở thành “vua rác” như thế nào?”- nhiều doanh nhân trẻ của TPHCM đã nói với tôi về mục đích cuộc gặp gỡ giữa họ và David Dương - Chủ tịch Công ty CWS và VWS trong ngày 15/9 vừa qua.

Trong bàn tròn ở ngay Khu liên hợp xử lý chất thải Ða Phước, nhiều doanh nhân trẻ trao đổi cởi mở với ông David Dương như người anh cả trong lĩnh vực xử lý môi trường. Ngô Quốc Tuấn- Giám đốc Công ty thủy sản Quốc Việt ở Cà Mau nói mình đang quản lý 4.000 công nhân và tự hào khi xuất lượng lớn thủy sản ra nước ngoài. Tuấn gặp ông David Dương không chỉ học hỏi cách làm ăn của ông ở đất nước cờ hoa, mà còn hỏi ông về công việc xử lý môi trường, điều mà giám đốc trẻ trăn trở. “Ở miền Tây, sông ngòi dày đặc, lượng rác ở sông rất nhiều. Anh đã thu gom và xử lý rất tốt ở trên đất và cũng mong anh sẽ tiến tới xử lý rác ở dưới nước”- Tuấn đề xuất. Với nụ cười hiền lành, David Dương đánh giá cao khi các doanh nhân trẻ nghĩ về bảo vệ môi trường. “Chúng ta tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động nhưng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Tôi sẽ suy nghĩ về điều này”- David Dương, hứa.

Nhiều doanh nhân trẻ tâm sự với ông rằng, họ đang thiếu định hướng và như đang bơi giữa biển lớn trong thời buổi kinh tế hội nhập. David Dương dẫn câu chuyện của các doanh nhân ở Mỹ mà ông là người gắn kết. Ở đó, rất nhiều anh em trong các lĩnh vực thường ngồi lại với nhau, chia sẻ những ý tưởng kinh doanh mới và hợp lực lại với nhau để tạo nên “khối liên kết” hay một tập đoàn. “Ở Việt Nam gần như các bạn trẻ vẫn chưa tạo nên một khối liên kết đủ mạnh, chúng ta vẫn làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ và manh mún nên chưa đủ mạnh để ra biển lớn, mà gần hơn là trong giai đoạn hội nhập hiện nay”- David Dương chia sẻ và theo ông đã xác định đi vào con đường kinh doanh chắc chắn không bao giờ bằng phẳng. Lấy dẫn chứng về mình, David Dương cho biết sau gần 10 năm trở về đầu tư ở quê hương, ông đã gặp không ít khó khăn, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh nhưng rồi sự bản lĩnh và những việc làm đúng đắn của mình đã giúp ông thành công.

MỚI - NÓNG