Kéo dài thời gian

Hậu vụ ém thông tin nước tương bẩn : Chuyện của bác sĩ Giang - kỳ 2

Hậu vụ ém thông tin nước tương bẩn : Chuyện của bác sĩ Giang - kỳ 2
TP - Việc kỷ luật những người có trách nhiệm liên quan trong vụ ém thông tin nước tương bẩn không được xem xét chính xác và có dấu hiệu bao che.

Chuyện bác sĩ Giang - Kỳ 1

Kể cả yêu cầu của Ủy Ban Kiểm tra TƯ về việc nâng hình thức kỷ luật bác sĩ (BS) Lê Trường Giang cao hơn cũng không được thực thi.

Kéo dài thời gian

Từ năm 2001, ông Lê Trường Giang có công phát hiện hàm lượng chất 3-MCPD rất cao trong nước tương và có đề xuất với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài ký công văn (CV) số 20, ngày 4/3/2002, gửi Bộ Y tế.

Sau đó chính BS Giang có hành động tích cực ký liên tiếp ba công văn 1722, 3188, 3531 nhằm đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc qui định của Bộ Y tế.

Hơn thế nữa, ông Giang thực hiện ngay trọng trách được giao, ra quyết định cơ sở nào không đạt chuẩn thì đóng cửa cho đến khi thay đổi công nghệ xong, thì công bố chất lượng sau.

Nhưng có sự bất thường ở chỗ, BS Giang lại ký CV 4326 xin Cục VSATTP gia hạn công bố hàm lượng từ sáu  tháng đến một năm. Câu hỏi đặt ra là có hay không sự cố tình kéo dài thời gian nhằm cho các doanh nghiệp chế biến nước tương có thời gian chạy. Mặt khác, có ý kiến cho rằng không chỉ có mỗi BS Giang, Cục VSATTP cũng có phần trách nhiệm.

Chính Cục phó Chu Quốc Lập là người ký CV 607 (hỏa tốc) cho phép gia hạn thời gian công bố. Thêm vào đó là việc Bộ Y tế  dành khoảng thời gian ngâm cứu ba năm nữa, tổng cộng có đến sáu năm sau đó, vụ nước tương nhiễm bẩn mới được công bố công khai.

Dư luận đặt dấu hỏi, có hay không sự bắt tay bao che vụ ém nước tương có chứa hàm lượng 3-MCPD.

Treo án

Như Bộ Nội vụ khẳng định, về hình thức, quá trình xem xét xử lý kỷ luật ông Nguyễn Đức An, UBND TPHCM không thành lập hội đồng kỷ luật, vi phạm Nghị định về các nguyên tắc xem xét kỷ luật cán bộ công chức. 

Còn về nội dung, QĐ 3762 kỷ luật bác sĩ (BS) An mà TPHCM vội vàng ký, kết luận BS An có khuyết điểm vì không đề xuất biện pháp xử lý triệt để đối với nước tương có hàm lượng chất 3-MCPD vượt quá quy định là chưa đủ cơ sở.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ký QĐ số 189 về việc thu hồi QĐ 3762, đồng thời cả QĐ 3760 của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà về kết luận không chính xác, quy chụp về hành vi sai phạm của BS An dựa vào tờ trình ngày 12/5/2008 của Giám đốc Sở Nội vụ TP Châu Minh Tỷ.

BS An nói với Tiền Phong: “Ngày 10/9/2007, tôi (An) nhận được QĐ kỷ luật mới giật mình vì trước đó UBND TPHCM không thành lập hội đồng kỷ luật, cũng không hề tổ chức họp kiểm điểm để tôi trình bày sự thật. Đến ngày 12/9/2007, tôi có đơn khiếu nại gửi UBND TPHCM.

Mãi hơn một tháng sau (tức ngày 16/10/2007) Sở Nội vụ mới có văn bản thông báo thụ lý đơn. Rồi sau đó gần một năm (ngày 1/9/2008), UBND TPHCM mới có QĐ giải quyết khiếu nại lần đầu, trong khi Điều 52 Luật Khiếu nại Tố cáo quy định thời hiệu chỉ là 30 ngày và, với vụ việc phức tạp, cũng không quá 45 ngày”.

Chiều 10/11/2008, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nội vụ do Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng làm trưởng đoàn, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Châu Minh Tỷ đưa hai luận điểm:

Thứ nhất, vì BS An là đảng viên nên không thành lập hội đồng kỷ luật (!?).

Thứ hai, thời gian ban hành QĐ giải quyết khiếu nại đối với QĐ kỷ luật BS An chậm là do phải chờ kết luận thanh tra của Đoàn Thanh tra TPHCM.

Với luận điểm mà phía Sở Nội vụ đưa ra có thể thấy, phía Sở Nội vụ tước quyền phản biện của BS An, đồng thời, QĐ kỷ luật BS An được thực hiện tùy tiện và không hề có căn cứ.

Một kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) về việc kỷ luật BS Nguyễn Thế Dũng – nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM vì không kiểm soát được việc BS Giang ký các văn bản trái pháp luật và vượt thẩm quyền nhằm lùi thời gian công bố 3-MCPD.

Mặt khác, BS Giang nghe báo cáo bằng miệng về vụ việc nhưng không kiên quyết báo cáo cấp trên để xử lý vi phạm, công bố công khai thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu cho xã hội, làm ảnh hưởng vai trò lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước…

Kết luận cũng đề cập việc UBKT thành ủy TPHCM áp dụng biện pháp khiển trách đối với BS Lê Trường Giang là chưa nghiêm, chưa tương xứng với lỗi vi phạm. Do đó, UBKT TƯ đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, áp dụng hình thức kỷ luật tương xứng với lỗi vi phạm của BS Giang.

Có thể thấy, trong việc xử lý vụ 3-MCPD, phía TPHCM chưa xử lý hết trách nhiệm những người có liên quan, đặc biệt là Ban Chỉ đạo ATVSTP mà người đứng đầu là trưởng ban chỉ đạo.

Liên quan đến vụ việc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thế Dũng khi ấy đã tự nhận trách nhiệm về mình ở tư cách lãnh đạo cao nhất của ngành y tế TPHCM và bị  kỷ luật thôi chức Giám đốc Sở. BS An ở vị trí Chánh Thanh tra sở cũng bị kỷ luật và đang được xem xét lại quy trình xử lý theo yều cầu của Bộ Nội vụ.

BS Lê Trường Giang cũng bị hình thức kỷ luật khiển trách nhưng phía UBKT TƯ không đồng tình và đề nghị nâng hình thức kỷ luật cho tương xứng với trách nhiệm của ông. Song, đến giờ này việc xét lại án kỷ luật của BS Giang vẫn chưa được tiến hành.

QĐ của Bộ Nội vụ với BS An càng cho thấy sự phức tạp đằng sau việc kỷ kuật BS. Vụ ém nước tương chứa chất 3-MCPD vẫn còn nhiều dấu hỏi. 

MỚI - NÓNG