Hỗ trợ phí bảo hiểm tàu cá: Ngư dân và doanh nghiệp đều tâm tư

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Ảnh: Phạm Thanh.
Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Ảnh: Phạm Thanh.
TP - Chỉ còn 1 tháng nữa Nghị định 67 về chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản sẽ hết hiệu lực. Chương trình ngân sách nhà nước hỗ trợ ngư dân một phần phí tham gia bảo hiểm (BH) tàu cá, ngư lưới cụ, thuyền viên cũng kết thúc. Tuy nhiên, còn nhiều việc rất dang dở mà cả ngư dân và doanh nghiệp bảo hiểm đều mong đề xuất.

Còn nhiều vướng mắc, bất hợp lý

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Nguyên Khánh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Thanh Khê Đông (Đẵ Nẵng) cho biết, việc nhà nước hỗ trợ một phần phí BH với tàu cá của ngư dân rất tốt, khiến họ phấn khởi. Vì ngư dân chỉ phải bỏ một phần tiền, trường hợp không may tàu hư hỏng sẽ được BH đền bù.

Tuy vậy, hiện một số ngư dân không mặn mà với BH tàu cá, do quá trình triển khai Nghị định 67 thời gian qua gặp không ít vướng mắc. Như thời gian thực hiện thủ tục đền bù thiệt hại phải mất 2-3 tháng, với ngư dân đây là khoảng thời gian chờ đợi rất dài. Hay như quy định về bằng cấp máy trưởng, vì nhiều người đi biển theo kinh nghiệm, thuyền trưởng kiêm thợ sửa máy, không phải tàu nào cũng có, nên khó tham gia BH. Cùng với đó, quy định chỉ BH khi tàu cá hoạt động trong phạm vi 200 hải lý, trong khi nhiều tàu lớn đánh bắt ở vùng biển xa hơn, lượng cá nhiều hơn, nếu xảy ra hư hỏng sẽ không được BH chi trả. Chưa kể với BH ngư lưới cụ, các doanh nghiệp BH không hào hứng do rủi ro mất lưới, rách lưới là rất lớn lại khó xác định thiệt hại, trong khi có những bộ lưới trị giá lên tới 1,5-1,7 tỷ đồng.

 “Tàu bị hỏng, gãy chân vịt thì được BH thanh toán, vì những thiệt hại đó thấy được. Nhưng nếu máy tàu bị hỏng, ngư dân đem về bờ sửa chữa thì nhiều trường hợp bị từ chối thanh toán BH do khó chứng minh thiệt hại”, ông Khánh nói.

Ông Khánh kể, trước đây, ở nghiệp đoàn của ông có trường hợp tàu 400CV bị cháy khi đang neo ở bến, cơ quan chức năng điều tra ra nguyên nhân cháy do ngư dân thắp hương, nên BH từ chối thanh toán.

“Hầu hết ngư dân mua BH không đọc lại hợp đồng, thậm chí có ngư dân còn không biết chữ, có đọc cũng không thể hiểu hết nhiều từ ngữ trong hợp đồng. Nên khi mua BH, họ tìm hiểu qua nhân viên bán BH, chỉ quan tâm số tiền bỏ ra bao nhiêu, sau này thiệt hại được đền bù thế nào, còn ít khi quan tâm tới các điều kiện để được đền bù. Vì vậy khi xảy ra tai nạn, đòi BH mới vỡ lẽ và bị từ chối thanh toán vì không đủ điều kiện. Nhiều khi thấy thủ tục phức tạp nên họ cũng không muốn kiện tụng, được đền bù bao nhiêu biết bấy nhiêu, không được thì thôi. Vì tất cả những khó khăn đó nên khó khuyến khích ngư dân tham gia BH tàu cá”, ông Khánh chia sẻ.

Nếu triển khai tiếp phải sửa quy định

Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm 2016, đã có hơn 14.900 tàu và ngư lưới cụ, hơn 145.900 ngư dân tham gia mua bảo hiểm, với tổng phí khoảng 387 tỷ đồng; tổng bồi thường bảo hiểm khoảng 59,8 tỷ đồng, đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng.

Đồng ý với việc nên triển khai tiếp chính sách nhà nước hỗ trợ ngư dân tham gia BH tàu cá theo Nghị định 67, nhưng ông Lê Nguyên Khánh đề xuất: Nên đơn giản hóa thủ tục để ngư dân dễ hiểu; Tổ chức thêm các buổi tuyên truyền cho ngư dân, mở rộng hơn loại hình BH với các máy móc, trang thiết bị trên tàu; Mở rộng vùng biển tàu thuyền ngư dân được BH, để khuyến khích ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. “Nếu chính sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm cho ngư dân vẫn triển khai tiếp sau khi Nghị định 67 hết hiệu lực sẽ rất tốt. Nhưng quy định phải thay đổi để khuyến khích ngư dân tham gia nhiều hơn”, ông Khánh nói.

Một lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị, cần có cơ quan chuyên trách định giá tàu thuyền, trang thiết bị và ngư lưới cụ trên tàu; bổ sung quy định để ràng buộc hơn trách nhiệm của chủ tàu với phương tiện, thiết bị của mình, tránh tâm lý thiệt hại đã có bảo hiểm lo.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát BH (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết năm 2015, các doanh nghiệp tham gia BH tàu cá lỗ 5 tỷ đồng.

“Việc lời, lỗ của doanh nghiệp BH phải hết chu kỳ mới tính được, nên chưa thể khẳng định doanh nghiệp BH lỗ. Hết năm 2016, chúng tôi sẽ tổng kết lại toàn bộ chương trình BH tàu cá, đánh giá rút kinh nghiệm để kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai”, ông Huyền nói. Theo ông Huyền, trong năm 2015, tổng phí BH tàu cá là 258 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi hỗ trợ 225 tỷ đồng, ngư dân đóng góp 33 tỷ đồng.

Một lãnh đạo doanh nghiệp BH (xin giấu tên) cho biết, vừa qua triển khai BH tàu cá theo Nghị định 67 cũng gặp không ít vướng mắc. Như có tàu đã tham gia BH theo Nghị định 48 vẫn tiếp tục tham gia theo Nghị định 67, dẫn tới chồng chéo, khó xử lý khi tàu xảy ra tai nạn. “Có trường hợp bị thiệt hại BH mới phát hiện tàu đó đã tham gia cả 2 loại. Để hỗ trợ chúng tôi phải hướng dẫn ngư dân hoàn trả phí BH theo Nghị định 48, và nhờ địa phương xác nhận lại mới thanh toán được BH theo Nghị định 67. BH là tự nguyện, ngư dân tự khai báo, nên cơ quan BH cũng không nắm được trước đây ngư dân đã được nhà nước hỗ trợ chưa, dẫn tới chồng chéo”, vị này nói. 

MỚI - NÓNG