Hoạt động mua bán và sáp nhập bộc lộ nhiều kẽ hở

Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, trong thương vụ mua bán Metro nếu phát hiện bán có lãi, sẽ thu thuế. Ảnh: Như Ý
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, trong thương vụ mua bán Metro nếu phát hiện bán có lãi, sẽ thu thuế. Ảnh: Như Ý
TP - Sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, siêu thị Metro liên tục lỗ nên chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Mới đây, tập đoàn này bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị cho tỷ phú Thái Lan. Từ đây, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) hiện nay.

Thiếu cơ sở pháp lý


Theo Bộ Công Thương, trước năm 2007, hoạt động M&A tại Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 50 thương vụ, giá trị giao dịch cao nhất khoảng 300 triệu USD. Năm 2009, giá trị các thương vụ M&A đã đạt hơn 1,08 tỷ USD, năm 2012 đạt 5,1 tỷ USD và tiếp tục tăng. 

Các thương vụ M&A lớn đều thuộc về DN nước ngoài thâu tóm DN Việt (chiếm 66% số thương vụ) như Quỹ DIAIF (Nhật Bản) mua 25% cổ phần của Nutifood; Unicharm (Nhật Bản) mua 95% cổ phần của Diana; Cty đầu tư toàn cầu Kohlberg Kravis Roberts rót gần 400 triệu USD vào Masan Consumer; Cty gạch Thái Lan SCG mua 85% cổ phần Prime Group (giá trị 4.900 tỷ đồng)... 

Mới nhất, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan công bố mua lại Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam với giá gần 900 triệu USD. Thương vụ càng đáng chú ý hơn khi 12 năm hoạt động tại Việt Nam, Metro thường xuyên báo lỗ và chưa nộp một đồng thuế thu nhập DN.

Trong khi DN này vẫn không ngừng mở thêm các siêu thị mới. Khi bán Metro, chưa biết số tiền gần 900 triệu USD nhà đầu tư Đức thu được là lỗ hay lãi, dù có lãi Việt Nam muốn thu thuế cũng khó.

TS Nguyễn Minh Phong cho biết, Việt Nam chưa có quy định chung cho hoạt động M&A mà nằm phân tán ở nhiều luật và quy định khác nhau. Riêng tính thuế cho cả hoạt động M&A cũng chưa có quy định.

Với các thương vụ M&A, như BJC mua lại Metro, ông Phong cho rằng, để chứng minh được Metro bán lỗ hay lãi so với vốn đầu tư đã bỏ ra rất khó. “Để tính thuế thu nhập DN, phải chứng minh Metro có lãi, nhưng chắc chắn không có cơ sở nào để tính Metro đã đầu tư vào bao nhiêu trong 12 năm qua. Chỉ tính được thuế nhượng quyền sử dụng đất, thương hiệu…”, ông Phong nói. 

Với nghi vấn chuyển giá, ông Phong cho rằng, hiện quy định để tính giá trừ chi phí còn nhiều bất cập, cán bộ lại dễ thông cảm, dễ vận động nên DN không khó hợp lý hóa số liệu, chuyển lãi thành lỗ. 

“Chuyển giá là nghệ thuật kế toán. Gần đây ngành thuế đã tăng cường kiểm toán DN và phát hiện nhiều dấu hiệu chuyển giá, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng. Đây là bài toán muôn thuở ở hầu hết các nước, nhưng Việt Nam vẫn xem nhẹ điều này”, ông Phong khẳng định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn đầu tư cho rằng, Metro 12 năm không trả thuế thu nhập DN vì được cơ quan thuế xác nhận không có lãi. 

“Ở đây, nếu có chuyển giá lỗi nằm ở cơ quan quản lý, không thể nói Metro trốn thuế. Nếu nói trốn thuế hãy đưa ra tòa tranh luận. Dù 12 năm lỗ, nhưng giờ bán có lời, đấy là đầu tư. Không nói tới chuyện chạy chọt để được lỗ”, ông nói. 

Theo đó, chuyện trốn thuế hợp pháp (chuyển giá) là bình thường, xảy ra ở tất cả các nước. Tuy nhiên, chuyển giá ở mỗi quốc gia nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực của cơ quan thuế có phát hiện được hay không.

Đang kiểm tra vụ mua bán Metro

Ngày 21/8, trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - ông Bùi Văn Nam cho biết, hoạt động M&A hiện quy định ở nhiều văn bản khác nhau, như quy định tính thuế trong chuyển nhượng vốn, quyền sử dụng đất… 

Với trường hợp chuyển nhượng của Metro, ông Nam cho biết, hiện đang cho cán bộ kiểm tra cụ thể mua bán ra sao và hoạt động của 19 chi nhánh của Metro trên địa bàn cả nước. “Giờ phải thanh tra xem việc quản lý hoạt động các chi nhánh thế nào, tình hình thuế ra sao, hàng nhập về, bán ra thế nào…, sau đó mới đề xuất biện pháp để giải quyết”, ông Nam nói.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, để hạn chế những trường hợp kinh doanh có lãi nhưng không nộp thuế mà tiếp tục đem đầu tư, Việt Nam có thể quy định điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, như hạ tầng, diện tích tối thiểu, cam kết thuế… 

“Trong vụ Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam bán lại chuỗi 19 siêu thị cho Tập đoàn BJC Thái Lan, nếu cơ quan thuế phát hiện việc bán lại có lãi, sẽ tiến hành thu thuế”. 

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - Ông Phạm Đình Thi

“Chúng ta cũng nên có quy định việc thu thuế trong hoạt động M&A. Tuy nhiên, đòi hỏi phức tạp trong quy định, chi phí kiểm toán, năng lực đội ngũ”, TS Phong nói. Theo ông Phong, đã đến lúc cần có quy định thống nhất, tập trung của hoạt động M&A. Như vậy, sẽ thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho DN, chống đầu cơ, trốn thuế, lừa đảo, lũng đoạn thị trường (thâu tóm đối thủ để chiếm lĩnh thị trường)…

Nhìn nhận về thương vụ BJC mua lại Metro, theo Chuyên gia kinh tế - GS Hà Tôn Vinh, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, với 90 triệu dân (hơn 40 triệu người lớn), lại thích ăn nhậu, xài đồ ngoại. 

Do đó, không loại trừ BJC sẽ đem hàng Thái xâm nhập thị trường Việt qua kênh Metro và kinh doanh theo hình thức bán sỉ. Không chỉ BJC, các tập đoàn lớn khác như AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)… cũng đã có mặt tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG