HSC: Doanh nghiệp Nhật, Thái quan tâm cổ phiếu Sabeco

TPO - Theo bản tin mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Phố Hồ Chí Minh (HSC), Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại 2 doanh nghiệp bia lớn là Habeco, Sabeco.

“Bộ Tài chính đang “sốt ruột” vì phải cân đối ngân sách cho cuối năm. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính đã đưa cả tiền thu về từ thoái vốn tại Sabeco và Habeco vào dự toán ngân sách năm 2017 và muốn nhận được tiền từ thoái vốn 2 doanh nghiệp này muộn nhất vào giữa tháng 12. Vì còn phải thực hiện nhiều thủ tục giấy tờ sau khi thỏa thuận xong việc bán cổ phần nên Bộ Tài chính đang tỏ ra “sốt ruột” khi thấy mọi việc diễn ra “ì ạch”. Hiện tình hình ngân sách đang căng thẳng“, HSC cho biết.

Theo HSC, Bộ Tài chính muốn thu ngân sách sẽ được như dự toán. Hiện đã quá thời hạn cho việc thoái vốn – Bộ Công thương đã xây dựng đề án thoái vốn toàn bộ tại 2 công ty bia lớn này. Bộ Công thương hiện nắm 89,6% cổ phần Sabeco. Đã có một số NĐT trong khu vực quan tâm, trong đó có các hãng bia của Nhật Bản và Thái Lan. Gần đây đã có tin đồn các cuộc đàm phán đang diễn ra nhưng chưa có nguồn tin chính thức nào xác nhận.

Hiện chưa rõ lý do của việc chậm trễ trong đàm phán; nhưng nhiều khả năng là vấn đề về giá. Bộ Công thương trước đó dự kiến bán 82% cổ phần Habeco, chia làm 2 đợt (bán 53,59% trong năm 2016 và 36% trong năm 2017). Carlsberg đã và đang đàm phán để nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco. Và giá đang là vấn đề khó khăn nhất trong đó Carlsberg muốn trả giá thấp hơn nhiều thị giá hiện nay.

Quá trình thoái vốn bị đình trệ sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh năm ngoái – Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu Sabeco và Habeco đã tăng mạnh do thiếu thanh khoản. Cuối cùng định giá 2 cổ phiếu này đã vượt mức bình quân khu vực. Ngay cả khi đối tác chiến lược mua vào ở mức định giá cao hơn 20-30% so với bình quân khu vực thì mức định giá theo thị giá vẫn đắt hơn. Và Nhà nước sử dụng thị giá để làm cơ sở xác định giá trị hợp lý. Và do vậy đã gây khó khăn cho việc thoái vốn.

“Áp lực thoái vốn sẽ tăng lên nếu mọi việc diễn ra chậm – Nếu Bộ Công thương không thể cho thấy tiến triển trong việc thoái vốn tại Habeco, Sabeco trong quý 3, thì sẽ có áp lực từ phía Bộ Tài chính đề nghị nhà nước can thiệp. Và có lẽ việc tập trung công tác cổ phần hóa các DNNN lớn về một mối thay vì để từng bộ ngành đảm nhiệm sẽ được cân nhắc. “, HSC phân tích.

MỚI - NÓNG