Khách dùng thẻ chỉ trả phí với dịch vụ sử dụng

Khách dùng thẻ chỉ trả phí với dịch vụ sử dụng
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với dịch vụ thẻ, tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng. Khách hàng sử dụng dịch vụ nào chỉ trả phí cho dịch vụ đó.

Gần đây dư luận có phản ánh mỗi thẻ ATM có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Với tư cách đại diện Hiệp hội thẻ,  ông có thể giải thích rõ hơn về các loại phí này?

Đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như: rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê,...

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đối với dịch vụ thẻ (mobile banking, internet banking, SMS banking,...).

Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, ngân hàng đã phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng.

Bởi vậy, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các ngân hàng phải công khai cho khách hàng thì bao gồm nhiều loại phí cho nhiều loại dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, khách hàng không phải trả cho tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng. Việc ngân hàng thu phí khi cung ứng dịch vụ là phù hợp với pháp luật để bù đắp phần nào chi phí đầu tư.

Khách dùng thẻ chỉ trả phí với dịch vụ sử dụng ảnh 1 Ông Nguyễn Toàn Thắng 

Thực tế vẫn còn ý kiến lo ngại về tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ thẻ như sự cố ATM bị hết tiền, nghẽn mạng, nhả tiền rách… Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cần thế nào để đảm bảo an toàn, bảo mật ?

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngân hàng trong việc nâng cao tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thẻ.

Tại Hội nghị thường niên Hội thẻ ngân hàng Việt Nam năm 2017 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã tập trung bàn về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong dịch vụ thẻ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để phòng, chống tội phạm thẻ.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đã thường xuyên quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin cũng như hạ tầng an ninh, bảo mật trong thanh toán thẻ; tăng cường thông tin đến khách hàng về các thủ đoạn mới của tội phạm thẻ...

Ngành Ngân hàng cần có những định hướng, giải pháp nào để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là dịch vụ thanh toán thẻ?

Năm 1996,  Vietcombank bắt đầu cung ứng dịch vụ thẻ, đến nay đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ với tổng số lượng phát hành trên 100 triệu thẻ, mạng lưới ATM của các ngân hàng đã được mở rộng (tới nay đã có trên 17.000 ATM trên toàn quốc); các ATM đã được kết nối liên thông, khách hàng có thể sử dụng thẻ của ngân hàng này để rút tiền và thực hiện một số dịch vụ thanh toán trên ATM của ngân hàng khác.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là dịch vụ thẻ, ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người dân và xã hội; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ…

Xin cảm ơn ông!

Vẫn nặng gánh phí

Theo ước tính, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM hiện nay phải chịu khoảng 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Tuy nhiên, người dùng không được thông tin đầy đủ về các loại phí này, trong khi ngân hàng thu phí, doanh nghiệp sử dụng POS cũng tranh thủ trừ phí của khách hàng. Nếu như thanh toán bằng thẻ, có thể khách hàng chịu thêm phí từ 1 - 3%. Điều này dễ hiểu cho việc người tiêu dùng sẽ chọn tiền mặt thay vì dùng thẻ. Hầu hết các ngân hàng bắt buộc số dư tối thiểu mà không tính lãi suất cũng được coi như một cách thu phí tinh vi. Trung bình, số dư tối thiểu là 50.000 đồng/thẻ với tổng số 111 triệu thẻ, số tiền các ngân hàng giữ xấp xỉ 5.550 tỷ đồng/ngày đêm. Với lãi suất qua đêm hiện nay, các ngân hàng đã thu đến hàng trăm tỷ đồng.

MỚI - NÓNG