Khi nhân viên chứng khoán là thượng đế!

Khi nhân viên chứng khoán là thượng đế!
TP - Cãi cọ, mắng chửi, thậm chí dọa đánh là chuyện cơm bữa tại các sàn giao dịch trong bối cảnh TTCK nóng bỏng như hiện nay. Đó là hệ quả của tình trạng nhân lực chứng khoán vừa thiếu, vừa yếu lẫn các nhà đầu tư chưa nắm vững những quy tắc tối thiểu trong giao dịch.
Khi nhân viên chứng khoán là thượng đế! ảnh 1
Khách hàng tặng hoa nhân viên Cty chứng khoán – chuyện này có diễn ra nếu chứng khoán hạ nhiệt?   Ảnh: H.P

Sự soán ngôi kỳ lạ

Suốt buổi sáng 6/3, có mặt ở sàn Cty chứng khoán Sài Gòn (SSI) và sàn Cty chứng khoán Bảo Việt (BVCS) tại TP HCM, chúng tôi chưa thấy các nhân viên nữ tại đây ngưng tay 2-3 phút. Chồng lệnh mua, bán luôn dày gần gang tay trước mặt họ gần như không vơi.

Trước mặt thì già trẻ, trai gái chen lấn cho bằng được chỗ đứng để hỏi trăm thứ mà phần lớn lẽ ra họ phải biết trước khi lao vào chơi chứng khoán. Ai cũng muốn lệnh của mình phải được nhập trước nhưng nhanh nhất thì 1 phút mỗi lệnh mới nhập xong.

Đỗ Thị N. (sàn SSI) than sau 3 giờ đẫm mồ hôi: “Cứ phải thay người mới hoài vì áp lực công việc nặng quá, sáng vậy còn chiều thì kiểm tra, thông báo lại cho khách hàng, xem lại sổ sách ngày nào sớm nhất cũng 5 giờ 30 - 6 giờ mới tạm ổn”.

Chứng kiến nhiều khách hàng nổi nóng khi lệnh mình không được khớp và sẵn sàng chửi tục trước mặt các cô gái thì mới hiểu họ giữ được bình tĩnh hết ngày này qua ngày khác quả là quá giỏi.

Tuy nhiên, nhiều cô không chịu nổi vặc lại luôn và kết quả là bị khiếu nại, chuyển sang bộ phận khác hoặc tự khăn gói ra đi.

Phó giám đốc một Cty chứng khoán lớn cho biết: “Mỗi Cty chỉ được đặt 6 máy tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSTC) để nhận lệnh, mỗi ngày trung bình nhận gần 2.000 lệnh thì có nói gì đi nữa chúng tôi phải ưu tiên cho khối lượng lớn trước để thu phí nhiều, chỉ có cách khớp lệnh liên tục may ra mới có công bằng và khách hàng bớt mắng mỏ”. Nhưng sớm nhất đến tháng 4/2007 thì HoSTC mới khớp lệnh liên tục được còn bây giờ “đất không chịu trời thì trời phải chịu đất”.

Vẫn phải “chung sống hòa bình”

Đào Thị Ngọc D. (sàn BCVS) nói: “Tụi em biết khách hàng càng nhiều thu nhập càng cao nhưng quá tải hết ngày này qua tháng khác, máy còn bị treo nói gì tụi em”.

Còn ông Bùi Việt, Tổng Giám đốc Cty chứng khoán Ngân hàng Đông Á thừa nhận: “Có tình trạng nhân viên chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng thái độ phục vụ thì chấn chỉnh ngay được chứ nghiệp vụ thì phải cần thời gian”.

Hiện nay nhiều sàn huy động mọi nguồn nhân viên, kể cả đào tạo cấp tốc để phục vụ nên việc sót lệnh, huỷ lệnh không rõ lý do, khớp rồi báo chưa khớp hay ngược lại... xảy ra thường xuyên dù là sàn SSI,VCBS, BVCS hay Đông Á, ACBS.

Dù đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cảnh cáo, thậm chí phạt tiền nhưng tình trạng nhân viên các Cty chứng khoán ưu tiên cho các “đại gia” và nhận “thù lao” vẫn xảy ra vì ngay cả các Cty cũng vẫn duy trì chính sách xem trọng các khách hàng VIP để thu phí lớn.

Nhiều người có tài khoản 300-400 triệu vẫn bị xem là khách hàng nhỏ lẻ vì “mình giao dịch 100 triệu Cty mới thu được 400.000 đồng nên họ xem thường là phải” như lời của chị Trần Thu Vân tại sàn ACBS (2 Nguyễn Thị Minh Khai TP HCM).

Chính tâm lý “kẻ giàu người nghèo” này khiến nhiều nhân viên không mặn mà lắm với các khách hàng chầu chực đặt lệnh thì ít mà quát tháo thì nhiều. Những yếu tố trên khiến cả hai đều ít có cái nhìn thiện cảm về nhau và bất đồng thường xuyên xảy ra quanh quầy đặt lệnh trên các sàn.

Sau khi UBCKNN yêu cầu các Cty chấn chỉnh thái độ phục vụ và nhiều Cty chứng khoán mới mọc như nấm thì từ cuối tháng 1/2007 đến nay tình trạng “thượng đế” bị nhân viên “đổi ngôi” đã được hạn chế bớt.

Nhiều Cty mới có sàn rộng rãi, mát mẻ hơn như Đông Á, Phương Đông và sắp tới là hàng loạt Cty mới đang ra sức thu hút bằng dịch vụ chu đáo, tiện nghi và thuận lợi đã khiến những ông lớn như VCBS, SSI, BVCS, ACBS phải cải tiến để giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên nói như ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Tổng giám đốc SSI thì “khách hàng lớn thường lại không lên sàn chen chúc nên các Cty lớn thường chú trọng đến việc nâng cấp cho các dịch vụ giao dịch qua mạng, đặt lệnh qua điện thoại, email, FAX... vì đó mới là nguồn thu chủ yếu của họ”.

Giám đốc một Cty chứng khoán khác lại cho rằng các Cty phải tính toán làm sao vừa không làm căng quá để nhân viên khỏi bỏ đi, xây thêm sàn vẫn có khách, vài tháng nữa ế ẩm thì sao... nên chất lượng dịch vụ luôn là bài toán khó.

Tuy nhiên than phiền thì vẫn phải giao dịch vì 2 - 3 tháng qua nhà đầu tư thắng nhiều chứ thua chẳng bao nhiêu và người đặt lệnh giúp họ- nhân viên giao dịch vẫn được “cưng chiều”.

Mới ngày 6/3 nhưng nhân viên giao dịch nữ nào của SSI cũng nhận được lẵng hoa chúc mừng, bằng chứng của việc vui vẻ “chung sống hòa bình” khi mà lợi nhuận từ TTCK có thể đẩy lui được bao phiền toái từ các Cty chứng khoán... 

MỚI - NÓNG