Chậm chuyển sang thu phí tự động:

Khó minh bạch, Nhà nước thất thu

Khó minh bạch, Nhà nước thất thu
TP - Dù Bộ GTVT liên tục đốc thúc nhưng việc chuyển sang thu phí tự động, không phải dừng xe đang chậm, có nguy cơ vỡ kế hoạch. Sự chần chừ của các nhà đầu tư được cho là nhằm nhập nhèm, ăn chênh trong thu phí. Nếu chậm triển khai, người dân tiếp tục bị móc túi, Nhà nước thất thu thuế, ùn tắc kéo dài...

Nhiều chủ đầu tư chây ì

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Ban PPP - Bộ GTVT) cho hay, còn một số nhà đầu tư thuộc diện phải triển khai thu phí tự động chưa ký hợp đồng. Trong khi tại cuộc họp hôm 2/3, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường gay gắt yêu cầu: Nếu sau ngày 15/3, các nhà đầu tư không ký hợp đồng thực hiện sẽ buộc dừng thu phí.

Cụ thể, trên QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (hai tuyến đầu tiên có kế hoạch triển khai thu phí không dừng) có 37 trạm thu phí. Trong đó, 28 trạm giao cho Cty Tasco thực hiện thu phí tự động; 9 trạm do Vietinbank triển khai. Với 28 trạm do Tasco phụ trách, tại cuộc họp hôm 2/3 nói trên có 10 nhà đầu tư chưa ký hợp đồng. Đến nay, dù quá hạn vẫn còn 3 nhà đầu tư chưa ký hợp đồng. “Những ngày qua, chúng tôi liên tục đốc thúc. Đến trưa hôm nay (ngày 22/3 - PV) nhiều nhà đầu tư đã đặt bút ký nhưng vẫn còn 3 chủ đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu” – ông Nguyễn Viết Huy, Phó Ban PPP cho hay. 9 trạm còn lại của Vietinbank thực hiện đến nay ngân hàng này vẫn chưa trình dự án để phê duyệt triển khai.

Với tiến độ như trên, tiến độ tự động hoá các trạm thu phí của Bộ GTVT đặt ra có khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Trước đó, ông Nguyễn Hồng Trường đặt mục tiêu: Đến 30/6, toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải triển khai tối thiểu một nửa số làn thu phí tự động; phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier), hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các trạm thu phí (tiến độ này đã bị lùi so với trước đây). Ông Huy cho hay, xét lợi ích nhiều mặt của hệ thống thu phí không dừng, ngoài hai tuyến QL trọng yếu nêu trên, Bộ GTVT quyết tâm thực hiện mô hình thu phí tự động trên toàn bộ các quốc lộ và đường cao tốc.

Khó minh bạch, Nhà nước thất thu ảnh 1

Ùn ứ thường xuyên xuất hiện tại trạm thu phí một dừng trên QL 5. Ảnh: Bảo An.

Biểu hiện “ỉm” tiền thu phí

Lâu nay, Bộ GTVT đốc thúc sớm triển khai thu phí không dừng với lý do chính là chống tắc đường tại trạm thu phí. “Việc thu phí một dừng tại các trạm thu phí quá chậm chạp, mỗi xe đi qua trạm mất ít nhất 30 giây. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc. Ví dụ, tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ có tới 16 cửa nhưng vẫn tắc; trạm Đại Xuyên của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng tắc liên tục, đặc biệt là những ngày cuối tuần, trong khi tốc độ tăng trưởng phương tiện liên tục tăng” – Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nói. Theo các chuyên gia giao thông, bên cạnh việc dừng 30 giây (chưa kể việc sẽ tạo ra một vụ ùn tắc) chủ xe sẽ phải tốn thêm chi phí xăng dầu, mòn lốp khi phải phanh và tăng tốc khi qua trạm. Bản thân nhà đầu tư phải chi tiền cho nhân công, tiền điện cho việc thu phí thủ công.

Tuy nhiên, sự thúc bách của các chủ phương tiện muốn triển khai sớm thu phí không dừng chính là sự minh bạch dòng tiền. Tại các trạm thu phí thủ công hiện nay, có một hiện tượng khó hiểu nhưng diễn ra phổ biến: Khi xe qua trạm, nhân viên thu phí tìm mọi cách chần chừ để không giao vé cho khách. Phân tích hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng: Hiện nay, các trạm thu phí đều hạch toán bằng vé. Vì thế, khi không giao vé cho khách xảy ra hai khả năng: Thứ nhất, nhân viên thu phí quay vòng vé để bỏ túi riêng; thứ hai, không ngoại trừ, việc không xuất vé là chủ trương của chủ đầu tư. “Ở mọi trường hợp, tiền của người đi đường mà không lấy vé sẽ không được tính vào để hoàn vốn dự án. Nhà nước đáng ra thu được thuế giá trị gia tăng trên tấm vé đó cũng bị thất thu. Cuối cùng, nhà đầu tư sẽ báo thu được ít phí để đòi tăng thời gian thu phí” – ông Thanh nói. 

Không kiểm soát được dòng tiền vì hỏng dữ liệu

Cuối tháng 2, Tổng cục Đường bộ đưa ra thông tin, nghe qua có vẻ không có vấn đề gì lớn: Trạm thu phí của Công ty Cổ phần BOT Vietracimex 8 (nhà đầu tư, quản lý thu phí) tại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) bị hỏng phần mềm ghi lại hình ảnh, dữ liệu thu phí và được yêu cầu khắc phục.

Ông Đinh Cao Thắng, Phó Vụ trưởng Tài chính (Tổng Cục Đường bộ) cho hay: Về nguyên tắc, dữ liệu này được sử dụng để hậu kiểm, đối chiếu với số phí đường thu được, với cuống vé xuất ra của nhà đầu tư. “Phần mềm bị hỏng, dữ liệu lưu trữ bị mất, không có cơ sở nào khác để đối chiếu với báo cáo của đơn vị thu phí” – ông Thắng thừa nhận.

Trước đó 1 tháng, phóng viên Tiền Phong nhận nhiều phản ánh và trực tiếp chứng kiến việc nhân viên trạm thu phí này thực hiện hành vi: Khi lái xe qua trạm đưa tiền cho nhân viên thu phí; nhân viên thu phí trả tiền phụ cho lái xe mà không đưa vé ngay. Nếu lái xe dừng lại một lúc hoặc tỏ ý muốn lấy vé, nhân viên thu phí mới chịu xuất vé. Nhận thấy đây có thể là biểu hiện gian lận trong thu phí, phóng viên Tiền Phong đề nghị Vụ Tài chính của Tổng cục làm rõ hiện tượng này.                

Bảo An

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.