Khoanh nợ, 'bơm vốn' cho bà con vùng lũ

Ngoài trao quà cứu trợ, NHCSXH sẽ khoanh nợ, cấp thêm vốn để người dân ổn định sản xuất.
Ngoài trao quà cứu trợ, NHCSXH sẽ khoanh nợ, cấp thêm vốn để người dân ổn định sản xuất.
TP - Sau sự cố môi trường biển Formosa tràn qua, hàng triệu người dân miền Trung lại tiếp tục gồng mình gánh lũ. Với mong muốn giúp bà con vượt qua chặng đường gian khó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã khoanh nợ, gia hạn và cung cấp vốn cho người dân khắc phục sản xuất.

Xoá nợ cho người vay chết, mất tích

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Tín dụng chính sách đồng hành với bà con vùng lũ” vừa tổ chức, NHCSXH cho biết, đến tháng 10/2016, có 8.605 khoản vay bị ảnh hưởng thiệt hại với số tiền là 167,6 tỷ đồng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, thiệt hại trực tiếp đến vốn tín dụng chính sách của NHCSXH do cá, tôm, ngao nuôi bị chết là 7,1 tỷ đồng.

Chưa kịp khắc phục sự cố môi trường, mưa lũ tiếp tục tàn phá các tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Đến tháng 10.2016, có hơn 4.000 khoản vay (tổng số tiền là gần 78 tỷ đồng) của người dân tiếp tục bị thiệt hại.

Bà Nguyễn Thị Liễu - Giám đốc Ban Quản lý nợ và Xử lý rủi ro (NHCSXH)cho biết, những hộ dân bị thiệt hại từ 40% - 80% vốn và tài sản sẽ được khoanh nợ 3 năm. Người dân bị thiệt hại từ 80% trở lên sẽ được khoanh nợ trong 5 năm. Với hộ gia đình xảy ra rủi ro liên quan đến con người như chết, mất tích, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa mà không còn tài sản để trả nợ, không người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng sẽ được xoá nợ.

“Theo đề nghị của các tỉnh, ngân hàng bổ sung 216 tỷ đồng cho các hộ vay vốn vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề”, bà Liễu nói.

Theo ông Đinh Xuân Hùng - Phó Giám đốc Ban kế hoạch nguồn vốn, gần 6 tháng hỗ trợ bà con sau sự cố môi trường biển, NHCSXH tại 4 tỉnh trên đã giải ngân cho vay với doanh số đạt 2.328 tỷ đồng, giúp trên 120.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay vốn chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống.

Làm gì để được khoanh nợ

Bạn Nguyễn Thu Thuỷ, sinh viên năm 2 trường Đại học Công đoàn băn khoăn: “Nhà em ở Hương Khê (Hà Tĩnh) không thuộc diện hộ nghèo, nhưng trong đợt lũ vừa qua nhà em lâm vào cảnh tay trắng. Em rất lo, không biết học kỳ tới sẽ phải xoay xở thế nào để có tiền đóng học phí. Em phải làm gì để có thể tiếp tục đi học?”.

Trả lời em Thuỷ, đại diện NHCSXH cho biết, nếu gia đình em có xác nhận của UBND cấp xã do gia đình gặp khó khăn về tài chính vì bị thiên tai thì em thuộc đối tượng được vay vốn. Em liên hệ với nhà trường để lấy giấy xác nhận sinh viên gửi về cho bố mẹ làm thủ tục vay vốn với NHCSXH nơi gia đình cư trú.

Chương trình cho vay làm nhà tránh lũ dù sắp kết thúc nhưng nhiều người dân vẫn mong muốn được vay  và nâng mức cho vay. Theo bà Hồ Lan Hương - Phó giám đốc ban Tín dụng người nghèo, đây là  nguyện vọng chính đáng, nhất là hiện nay khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Tuy nhiên bà Hương cũng lưu ý ngoài vốn vay từ Ngân hàng chính sách, người dân có thể tham gia đóng góp, đối ứng của hộ gia đình, hay huy động thêm các nguồn khác từ cộng đồng... Tới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội, và các bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để kéo dài thời gian thực hiện chương trình này và nâng mức cho vay, giúp nhiều hộ dân có cơ hội làm được nhà tránh lũ.

Để giúp các hộ dân bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, NHCSXH đã kịp thời bổ sung nguồn vốn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, đặc biệt là các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... “Người dân làm đủ thủ tục cần thiết gửi đến chi nhánh NHCSXH các cấp, chúng tôi sẽ xem xét cho vay thêm vốn để khắc phục sản xuất. Chúng tôi có đủ nguồn vốn để cung cấp cho người dân”, ông Đinh Xuân Hùng - Phó Giám đốc Ban kế hoạch nguồn vốn khẳng định. 

MỚI - NÓNG