“Không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan”

“Không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan”
"Việc mua 30 căn nhà này và mua ở đâu thì tôi chưa biết, nếu giả sử không mua ở đấy thì chúng tôi sẽ mua chỗ khác, nếu nó không thuận lợi. Còn với 30 căn ở CT1-CT2 Yên Hòa thì tôi cũng chưa biết vì chủ trương của Thủ tướng đến Bộ Tài chính mới chỉ là mua và Bộ Tài chính tìm tiền. Còn cụ thể ở đâu thì chắc còn bàn. Nhưng dứt khoát không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan..."
Ông Phạm Đình Cường
Ông Phạm Đình Cường .

Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản chia sẻ với báo giới về những ồn ào tại dự án Gren Park Tower ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

PV: - Người dân khá bất ngờ trước thông tin TP Hà Nội đồng ý dành 10.800m2 sàn xây dựng nhà ở thuộc quỹ đất 20% lô CT1-CT2 ((do công cty CP Đầu tư phát triển Constrexim làm chủ đầu tư, bàn giao cho TP để phục vụ công tác GPMB, tái định cư) bán cho Bộ Xây dựng theo đề xuất của Sở Xây dựng ngày 24/2/2012) để làm nhà công vụ. Là Cục trưởng Cục Công sản, xin ông minh bạch thông tin này?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Việc sử dụng quỹ đất 20% Hà Nội có một chính sách khi giao đất cho các nhà đầu tư đã yêu cầu các nhà đầu tư bớt lại khoảng 20% dành cho đất sạch phục vụ cho quy hoạch thành phố.

Khi xây dựng nhà công vụ thì chính sách nhà công vụ là nhà công vụ phải chi phí thấp nhất bởi đấy là tiền của ngân sách Nhà nước, chi phí ngân sách bỏ ra ở mức rất thấp thì rất hợp lý.

Nguyên tắc chung là như thế nhưng quỹ đất 20% thì nó có ở rất nhiều nơi, ở rất nhiều dự án tại Hà Nội chứ không phải ở riêng ở dự án này. Theo tôi được biết quỹ đất đó khá nhiều, hiện nay tôi chưa kiểm tra nên chưa biết được nhưng nếu đã dành quỹ đất đó cho mục tiêu nào thì không nên thay đổi.

Bây giờ mới chỉ là giai đoạn đầu các Bộ, Ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng thì mới bố trí ngân sách để xây nhà. Cho nên ngân sách Nhà nước phải làm thế nào tiết kiệm nhất để dùng quỹ nhà có hiệu quả là hợp lý.

PV: - Thưa ông, trong văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng số 83/TTg-KTN của Thủ tướng về việc mua căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ ngày 13/1/2012 ghi rõ: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội tổ chức mua 100 căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ, trước mắt mua 30 căn đáp ứng yêu cầu sử dụng được ngay. Bộ Tài chính bố trí kinh phí mua nhà ở công vụ và kinh phí bổ sung trang thiết bị như đề xuất của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2256/BXD-QLN ngày 27/12/2011. Như vậy, Thủ tướng không hề chỉ đạo mua nhà chung cư thuộc quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm nhà công vụ cho Chính phủ. TP. Hà Nội quyết định như trên, theo ông, có trái với chỉ đạo của Thủ tướng?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Nếu bạn đọc lại toàn bộ văn bản của Thủ tướng thì Thủ tướng có chủ trương mua 100 căn mà trước mắt là 30 căn bằng tiền của ngân sách Nhà nước. Cho nên về mặt quan điểm hành chính, chi phí nào rẻ nhất để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nên theo tôi việc sử dụng quỹ đất 20% nói chung là hợp lý.

Nhưng để xem tính hợp lý thì phải xem tại sao lại đặt 20% ở khu đó. Còn theo tôi, quan điểm của Thủ tướng sẽ không chỉ đạo lấy từ chỗ nào mà chỉ đồng ý 30 căn cho công vụ và tiền do Bộ Tài chính bố trí.

Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội bố trí chỗ nào mà chi phí chỗ ấy rẻ nhất.

Đương nhiên, khi lấy một chỗ cụ thể A, B, C nào đó thì phải xem trước đó người ta định làm gì, có kế hoạch hay chưa, có đảo lộn kế hoạch đấy không? Và xử lý những vấn đề liên quan, chứ về chủ trương thì rất hợp lý.

Nếu mục tiêu ban đầu với quỹ đất 20% ở Yên Hòa là phục vụ GPMB, tái định cư; giờ bán cho Bộ Xây dựng thì việc tái định cư khu ấy đã xong chưa, việc này phải kiểm tra lại.

Bộ Xây dựng là nơi cơ quan chủ trì việc đó, họ sẽ giải thích vì sao họ lại làm thế. Tất cả những vấn đề cần phải xử lý như tôi đã nói nếu như đã có kế hoạch mà đã thông báo cho dân thì phải giải thích cho dân đầy đủ.

Nhìn tổng thể thì quỹ đất tái định cư là thiếu. TP cũng có rất nhiều khả năng có thể ổn định đất tái định cư. Hiện Bộ Xây dựng đang có đợt tổng kiểm tra việc sử dụng quỹ đất 20% mà theo tôi được biết nó không phải dành cho tái định cư. Trên thực tế, người ta đã sử dụng cái đó thì sẽ có kết quả, Bộ Xây dựng sẽ công bố.

Không phải từ trước đến nay quỹ đất 20% chỉ dùng cho tái định cư đâu. Một là nó vẫn còn, hai là nó sẽ sử dụng các mục đích khác nhau mà mục tiêu công vụ còn tốt hơn rất nhiều mục tiêu khác. Mục tiêu tái định cư là mục tiêu rất tốt và mục tiêu nhà công vụ cũng rất tốt.

Theo tôi, rất đơn giản nếu như thắc mắc của người dân A, B, C nào đấy đã được bố trí vào khu đó mà vì thực hiện chủ trương này mà thay đổi thì UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm.

Nhà công vụ. Ảnh minh họa
Nhà công vụ. Ảnh minh họa .

PV: - Trên thực tế, không ít công sản đã bị sử dụng lãng phí, sai mục đích như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, làm dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bỏ trống khai thác chưa hiệu quả…đến mức trên địa bàn Hà Nội, UBND TP phải ra quy định, yêu cầu chấm dứt việc cho thuê, mượn nhà đất công. Tại sao TP không lấy quỹ đất đó để phục vụ mục đích nhà công vụ mà phải sử dụng một phần của quỹ đất tái định cư eo hẹp để biến thành nhà công vụ?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Như tôi đã nói, quỹ đất 20% ở đây phải cần rà soát lại. Mục tiêu tổng thể là mục tiêu tái định cư, còn thiếu đất thì người ta phải có kế hoạch chứ không phải nhà tái định cư là lấy một tí của Hàng Trống, lấy một tí của Hàng Gai, cái việc đấy làm nhà tái định cư chắc không được đâu, Hà Nội cũng quyết liệt trong việc thu hồi quỹ đất trống, đặc biệt là các đất cơ sở có giá trị thương mại lớn.

Nhưng nếu như đem quỹ đất làm nhà tái định cư chắc chắn là không được. Tôi cũng thừa nhận, tất cả những quỹ đất ấy cần phải xem xét lại, chủ trương của Hà Nội là bán đấu giá lấy tiền bởi cái đó rất là minh bạch.

Tôi tin rằng với cách làm của TP Hà Nội mỗi ngày xử lý tái định cư tốt hơn bởi vấn đề này không chỉ riêng của Hà Nội mà là vấn đề của cả nước, tập trung được một điều mà Nghị định 197, Nghị định 69 của Chính phủ là đối với người thuộc diện tái định cư phải tạo điều kiện cho họ một nơi ở ít nhất là bằng nơi ở cũ, không phải hơn.

PV: - Với người dân, kiếm được một suất nhà tái định cư không những khó khăn mà còn lo ngay ngáy về chất lượng công trình nhưng trong trường hợp cụ thể này, Constrexim được hưởng đủ ưu đãi khi tiến hành dự án giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư và khi được chuyển mục đích từ nhà tái định cư sang nhà công vụ thì họ lại hưởng lợi thêm một lần nữa bởi mức chênh lệch giá bán rất lớn. Là người chịu trách nhiệm về công sản, ông nghĩ sao về “phép chuyển đổi mục đích” này?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Bao giờ chúng tôi làm việc cụ thể với Constrexim để mua 30 căn làm nhà công vụ, chúng tôi sẽ tính chi phí rất hợp lý. Bộ Tài chính rất có kinh nghiệm về việc này, sẽ tính chi phí xây dựng của họ là bao nhiêu, cộng với phần lãi hợp lý, không bao giờ họ được một cái gì cao hơn. Chứ không phải có chuyện bán nhà tái định cư thì cao hơn.

Chắc chắn tiền ngân sách bỏ ra mua thì chúng tôi sẽ làm rất kỹ và cái giá mà chúng tôi sẽ trả theo ngân sách phải được rà soát rất kỹ. Hiện nay, tôi cũng chưa có thông tin giá mà Constrexim đưa lên, sẽ phải đàm phán về cái giá ấy.

Tôi tin rằng việc này thì Constrexim cũng không được lợi. Bởi vì họ chỉ có thể bán được như thế. Với tư cách là Cục trưởng Cục Công sản, tôi chỉ có chấp nhận mua khi nào bằng chi phí xây dựng nhà bao nhiêu cộng với chi phí lợi nhuận định mức hợp lý. Không bao giờ họ ăn một cái gì hơn.

Cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu nhưng tôi bảo đảm nếu như tôi đàm phán thì tôi sẽ không chấp nhận khoản chi phí nào khác.

PV: -Thưa ông, từ trước đến nay chúng ta vẫn lấy vấn đề an sinh xã hội làm trọng tâm phát triển đất nước. Tuy nhiên, qua việc này, cùng với khẳng định của lãnh đạo Sở XD: việc bán căn hộ tái định cư tại CT1, CT2 Yên Hòa làm nhà công vụ cũng ảnh hưởng đến quỹ nhà tái định cư, song nhu cầu về nhà công vụ cấp thiết hơn nên cần ưu tiên. Người dân cho rằng, vị quan Sở XD Hà Nội phát ngôn như thế là đã thản nhiên đã bỏ qua người dân mất nhà, mất cửa, lấy đi của họ những căn nhà mà họ sẵn sàng từ bỏ tài sản của mình để phục vụ lợi ích chung của đất nước ... và chỉ quan tâm tới quan chức mà thôi. Ông nghĩ sao về điều này?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Tôi cũng chưa có thông tin về kết luận của quan chức Sở Xây dựng nhưng theo tôi trước thông tin đó phải trở lại xem nhà đó là nhà gì, có phải là tái định cư cho chính của họ không?


Nếu đây là xây mới hoàn toàn thì có liên quan gì đến người dân ở đấy mà người ta bảo là tái định cư. Bản thân quỹ tái định cư của TP rất rộng, nó phải là vài ngàn căn hộ chứ không phải lấy đi 30 căn hộ mà lại bảo là lấy mất của tôi.

Như tôi đã nói, bản thân quỹ tái định cư thì thiếu, TP cũng đang tìm cách cùng với các Bộ thực hiện Nghị định 197, Nghị định 69 làm ra nhiều khu tái định cư mới chứ còn không phải việc lấy đi 30 căn hộ này rồi ảnh hưởng trực tiếp đến họ thì không đúng, đặt vấn đề như đó quá hẹp. Khu đất tái định cư thì khu Định Công còn, bên Việt Hưng còn... chất lượng thì chắc gì CT1-CT2 hơn bên đó.

Cho nên trả lời chung về nguyên tắc thì cái quỹ đó rất là bé, không ảnh hưởng đến mục tiêu tái định cư bởi có 30 căn. Thứ hai là nhà đầu tư không hề được hưởng lợi từ việc đó, không hề tạo ra thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tôi cũng không biết trong bối cảnh nào thì ông lãnh đạo Sở Xây dựng lại phát ngôn như thế bởi rõ ràng có thể ông ấy chưa biết đến quỹ tái định cư bao nhiêu.

Nói rằng nhu cầu tái định cư chỉ đáp ứng 50% nhưng phải trên tổng là bao nhiêu sẽ thấy ngay. Ví dụ tôi thiếu 50% tương ứng với 5.000 căn, bây giờ chỉ có 30 căn thì 30 trên 5.000 lại rất bé. Nó không phải là vấn đề gì thay đổi hẳn. Giả sử tôi lấy 3.000 căn làm nhà công vụ thì đấy là vấn đề khác. Ngân sách Nhà nước sẽ tính chặt chẽ.

PV: - Xin được hỏi ông một câu cuối cùng: Ông dự đoán chủ trương biến nhà tái định cư thành nhà công vụ trong trường hợp này có bao nhiêu phần trăm trở thành hiện thực?

Cục trưởng Phạm Đình Cường: - Chủ trương của Thủ tướng các Bộ phải thi hành nhưng đấy cũng là một thông tin mà trong đợt làm việc tới với Bộ Xây dựng chúng tôi sẽ kiểm tra lại để đầy đủ thông tin tại sao lại lấy quỹ 20%, tại sao lại lấy nhà 20% tại CT1 - CT2. Những điều này chắc chắn bộ phận giúp việc của các Bộ sẽ nắm thật kỹ.

Tôi cũng cám ơn đã có những thông tin như thế để chúng tôi làm việc. Chúng tôi cũng đã có họp bàn rồi nhưng theo cán bộ của tôi đi họp về báo cáo cũng chưa có một việc gì cụ thể, còn liên quan đến nhiều việc nữa.

Lần sau làm việc với Bộ Xây dựng tôi sẽ làm thế nào để giải quyết hợp lý, minh bạch cho dân, cái này không lấn mất cái kia. Đặc biệt nếu như có cam kết rồi phải xử lý cam kết rất tốt.

Tôi nghĩ chủ trương này sẽ hoàn toàn thành hiện thực. Việc mua 30 căn nhà này và mua ở đâu thì tôi chưa biết, nếu giả sử không mua ở đấy thì chúng tôi sẽ mua chỗ khác, nếu nó không thuận lợi.

Còn với 30 căn ở CT1-CT2 Yên Hòa (chứ không phải là 100 căn như Bộ xây dựng đang dự định mua - PV) thì tôi cũng chưa biết vì chủ trương của Thủ tướng đến Bộ Tài chính mới chỉ là mua và Bộ Tài chính tìm tiền. Còn cụ thể ở đâu thì chắc còn bàn. Nhưng dứt khoát không có chuyện lấy nhà dân để ưu tiên cho nhà quan.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Huyền
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG