Khuynh gia bại sản vì giấc mơ ô tô Việt

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki bên cạnh chiếc xe ô tô con mang tên Duyên dáng Việt Nam mà ông tâm huyết cả cuộc đời.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki bên cạnh chiếc xe ô tô con mang tên Duyên dáng Việt Nam mà ông tâm huyết cả cuộc đời.
TP - Từng là ông chủ của một doanh nghiệp tiên phong thuộc top đầu ở địa phương, đại gia Bùi Ngọc Huyên từ chỗ vốn liếng cả ngàn tỷ nay không những về “mo” mà âm sâu tới hơn 1.600 tỷ đồng.

Ông Huyên nay phải bán hết nhà cửa, tá túc tại công ty. Cuối tháng 9 vừa qua, lá thư “cầu cứu” gửi tới Thủ tướng và các cơ quan chức năng của ông già 74 tuổi Bùi Ngọc Huyên khiến không ít người cảm thấy xót xa.

Thời điểm giáp Tết năm 2014 là năm thật sự nổi bật với Công ty Vinaxuki khi Chủ tịch HÐQT Công ty, ông Bùi Ngọc Huyên liên tiếp xuất hiện trên báo chí không phải giới thiệu về các sản phẩm của công ty mà là gửi lời kêu cứu đến Thủ tướng. “Tiền thưởng Tết không có nhiều do rơi vào cảnh rất khó khăn. Chúng tôi đang phải chuyển hướng kinh doanh khác. Có quá nhiều việc phải lo, thậm chí chuyện lương thưởng cho công nhân hiện chưa nghĩ đến”, ông Huyên nói với PV Tiền Phong. Ðến cuối năm 2014, tổng số nợ của Vinaxuki lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.

“Ðể có tiền trả nợ ngân hàng, tôi đã phải bán cả nhà do người cha trước khi qua đời di chúc để lại, nhà của tôi ở Láng Hạ được Bộ GTVT phân cho và cả căn nhà của con gái tôi, nhưng cũng không đủ”, ông Huyên cho hay. Từ một đại gia đúng nghĩa, ông Huyên giờ phải ở tạm trong nhà khách của công ty với đủ thứ máy móc xập xệ xuống cấp theo thời gian.

“Tôi sản xuất 40 loại xe, loại 40% nội địa hóa chỉ ở 1 – 2 model. Tôi đặt ra chương trình nội địa hóa theo cách mời kỹ sư Nhật thiết kế rồi chuyển giao, mời kỹ sư Thụy Điển hiện đại hóa xưởng lắp ráp… Doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này thật sự cũng chưa nội địa hóa mạnh. Chỉ có tôi là “thằng dở hơi” mới nội địa hóa nhiều, mới đầu tư từ khâu thiết kế” Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HÐQT Công ty Vinaxuki

Trong bức “tâm thư”, ông Huyên cho biết, khó khăn lớn nhất dẫn đến dự án chế tạo xe ô tô con chết yểu chính là việc tháng 6/2010 khi Vinaxuki cơ bản xây dựng và lắp đặt xong các dây chuyền công nghệ và bắt đầu sản xuất thử thì khủng hoảng quay lại. Hàng nghìn ô tô làm ra bị ế,  giá xe giảm khiến việc thu hồi vốn giảm mạnh. Bước sang năm 2012, sau 20 năm hoạt động, lần đầu tiên công ty bị lỗ 45 tỷ đồng. Cùng đó, dù dự án đã đầu tư xong, các  mẫu xe đã xuất bán hoặc đang hiệu chỉnh, hoàn thiện thì ngân hàng đồng loạt cắt vốn lưu động.  

“Vinaxuki đã nghe lời ngân hàng bán cả nhà ở, vét từng đồng trả nợ lãi ngân hàng để mong được tái cơ cấu vốn lưu động. Ðây là thời điểm công ty không còn tiền để trả lương, mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất, nên mọi thứ chững lại”, ông Huyên cho biết.

Khuynh gia bại sản vì giấc mơ ô tô Việt ảnh 1 Những thiết bị và công nhân cuối cùng của Vinaxuki.

Tôi là “thằng dở hơi”…

Trước những khó khăn, một lần nữa ông chủ Vinaxuki khẩn thiết đề nghị Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn theo cơ chế hợp lý và vay 200 tỷ vốn lưu động hoặc cùng đầu tư để các nhà máy vận hành trở lại; tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả VAMC và các ngân hàng. “Tôi chỉ mong họ cho mình vay vài trăm tỷ với lãi vay thương mại cũng được, chứ không cần lãi suất ưu đãi gì hết”, ông Huyên nói.

Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong cuối năm 2015 và gần đây khi doanh nghiệp trong cảnh nợ chồng chất, công nhân nghỉ gần hết, dự án thì vẫn dang dở, ông Huyên thừa nhận mình là “thằng dở hơi” khi một mình một ngựa đầu tư với tỷ lệ cao cho việc nội địa hóa. “Tôi sản xuất 40 loại xe, loại 40% nội địa hóa chỉ ở 1 – 2 model. Tôi đặt ra chương trình nội địa hóa theo cách mời kỹ sư Nhật thiết kế rồi chuyển giao, mời kỹ sư Thụy Ðiển hiện đại hóa xưởng lắp ráp. Ðây là bước khởi đầu cho nội địa hóa mạnh, tiến tới sản xuất hàng loạt. Doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm này thật sự cũng chưa nội địa hóa mạnh. Chỉ có tôi là “thằng dở hơi” mới nội địa hóa nhiều, mới đầu tư từ khâu thiết kế”, ông Huyên nói và tiếp tục say sưa với kế hoạch vực dậy dự án trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ.

Khuynh gia bại sản vì giấc mơ ô tô Việt ảnh 2 Những chiếc xe chung số phận chưa biết bao giờ mới hoàn thiện của Công ty Vinaxuki.

Ông Huyên thừa nhận, dù đã được cảnh báo khi bắt tay vào làm rằng, chế tạo ô tô con là cuộc chơi vốn không dành cho kẻ ít tiền, dù tại thời điểm bắt đầu dự án ông Huyên vẫn là một đại gia đúng nghĩa, bản thân ông cũng toát mồ hôi khi phải chi rất nhiều tiền để đầu tư. “Tôi đầu tư 22 máy làm khuôn. Có máy mua của Mitshubishi mua của Nhật lên tới 17 tỉ đồng, đủ để xây một nhà máy lắp ráp xe máy. Những con robot để cắt lade mua ở Thụy Ðiển tới hơn 300.000 đô la. Ðầu tư nhiều tiền như vậy đáng lẽ nhà nước phải hỗ trợ khuyến khích nhưng trong chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam hiện nay, sản xuất ô tô con không được đưa vào danh mục cơ khí trọng điểm nên doanh nghiệp rất thiệt thòi”, ông Huyên kể.

Những ngày này, khi lời kêu cứu của “ông già mê chế tạo ô tô” xem chừng chưa có lời giải, chưa có lời hồi đáp, ông Huyên vẫn lủi thủi một mình trong khu nhà máy sản xuất ôtô con đóng cửa từ năm 2013. Nhà cửa bán hết để trả nợ, dù phải tá túc trong nhà khách của công ty nhưng ông chủ của thương hiệu Vinaxuki vang bóng một thời vẫn khát khao, tìm mọi cách vực dậy “đứa con đầu tiên” và tiếp tục thực hiện “giấc mơ ô tô Việt” còn dang dở... Nhưng ai cũng có cái lý lẽ của mình, thị trường vốn dĩ vẫn khắc nghiệt với quy luật của nó: Không theo kịp thì sẽ bị đào thải.

Năm 2015 ông Huyên đem tới triển lãm  giới thiệu những chiếc ô tô 4 chỗ với thương hiệu VG (Vietnam Graceful- Duyên dáng Việt Nam) có động cơ 1.5 L nhập từ hãng Mitsubishi (Nhật Bản), dung tích bình xăng 45 lít. Toàn bộ khung xe có chất liệu thép, độ bền cao do Vinaxuki sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa đạt 50%. Giá bán dự kiến 350 triệu đồng (số sàn) và 390 triệu đồng (số tự động). Bên cạnh đó, Vinaxuki còn có dòng xe 4 chỗ VG 1.0 với giá bán 200 triệu đồng.

MỚI - NÓNG