Kinh Đô: Nhà 'thôn tính' chuyên nghiệp

Kinh Đô: Nhà 'thôn tính' chuyên nghiệp
Kinh Đô đang là cổ phiếu "hot". Dư luận có quyền đòi hỏi Kinh Đô phải công khai, minh bạch nguồn vốn của mình. Người ta vẫn chưa hiểu vì sao Kinh Đô có quá nhiều tiền để thôn tính hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác?
Kinh Đô: Nhà 'thôn tính' chuyên nghiệp ảnh 1

Một nhà đầu tư là kỹ sư xây dựng đang tính toán về giá trị cổ phiếu KIDO trước khi đặt mua cổ phiếu này trong phiên đấu giá cổ phiếu KIDO chiều 2.2.2007 tại TT GDCK TP.HCM. Ảnh : SGTT

Công ty cổ phần Kinh Đô hiện có 9 công ty thành viên và 7 nhà máy, tổng doanh thu năm 2006 đạt 2.000 tỉ đồng và lợi nhuận ở mức 230 tỉ đồng. Hiện tại công ty có ba thành viên niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM gồm các mã chứng khoán KDC, NKD và TRI.

Thành lập vào năm 1993 với số vốn đầu tư ban đầu là 1,4 tỉ đồng, đến tháng 8.2005 vốn điều lệ của Kinh Đô được nâng lên mức 250 tỉ đồng bằng đợt tăng vốn cùng thời điểm từ 200 tỉ đồng lên 250 tỉ đồng thông qua phương thức đấu giá.

Sức mạnh và năng lực kinh doanh của công ty đã dễ dàng thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính thức giao dịch trên sàn TP.HCM với mã chứng khoán KDC vào ngày 12.12.2005 và có giá đóng cửa ở phiên đầu tiên đạt 59.000đ/CP. Trước đó một thành viên của Kinh Đô là Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc đã niêm yết và giao dịch.

Song điều mà Kinh Đô gây ấn tượng nhất đối với giới đầu tư trong  năm 2005 là thực hiện thành công giao dịch thôn tính Công ty cổ phần Tribeco mã chứng khoán TRI - một công ty có thương hiệu cũng như bề dày trên thương trường và có thời gian niêm yết trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM trước Kinh Đô khá lâu.

Ngày 28.10.2005 Kinh Đô hoàn thành việc thâu tóm Tribeco khi mua vào 579.262 cổ phiếu TRI nhờ vào động thái “nhả ra” cổ phiếu này từ hai quỹ đầu tư PXP Vietnam Fund Ltd và Vietnam Enterprise Investment Ltd. Nhờ đó Kinh Đô nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu TRI từ 22,6 lên 35,4% (tương đương 1.607.613 cổ phiếu) và hiển nhiên trở thành cổ đông chi phối Tribeco bằng giao dịch thôn tính được thực hiện đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, tuy chưa nắm đủ số cổ phiếu để chi phối nhưng Kinh Đô đã có khoản đầu tư đủ nhiều vào các công ty cổ phần như Savico, Bibica… cho thấy Kinh Đô rất chuyên nghiệp trong nghiệp vụ thâm nhập và thôn tính.

90 triệu USD từ nguồn nào?

"Kinh Đô nên nhanh chóng công khai minh bạch về nguồn tiền đầu tư vào Eximbank để cổ đông yên tâm"

Vừa qua, Kinh Đô bỏ ra 90 triệu USD mua cổ phiếu của Ngân hàng Eximbank. Đây là số tiền đầu tư nhiều hơn cả vốn điều lệ của công ty này. Vậy nguồn tiền nào được họ huy động để trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng trên? 

Theo kế toán hợp nhất năm 2006 của Kinh Đô, hiện tổng tài sản của công ty này là 932 tỉ đồng (số làm tròn). Trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 590 tỉ đồng, gồm 300 tỉ đồng là vốn đầu tư của chủ sở hữu và 123,8 tỉ đồng là thặng dư vốn cổ phần...

Riêng Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKD) có tổng tài sản ở mức 332,3 tỉ đồng  trong đó vốn chủ sở hữu chiếm đến 204,5 tỉ đồng.

Với thực lực tài chính như trên, họ lấy đâu ra nguồn vốn lên đến 90 triệu USD tương đương 1.440 tỉ đồng để mua cổ phiếu của Ngân hàng Eximbank. Theo ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc CTCP Kinh Đô, khoản đầu tư không nhỏ này là một phần trong khoản đầu tư của các công ty trong Kinh Đô Group và cán bộ nhân viên.

Ông Trần Lệ Nguyên trả lời như vậy, vẫn chưa rõ các công ty trong nhóm Kinh Đô bỏ ra bao nhiêu và cán bộ nhân viên bỏ ra bao nhiêu tiền vào thương vụ này. Các công ty của Kinh Đô Group không thể bỏ ra số tiền lớn hơn tài sản của họ và cán bộ nhân viên càng không nhiều tiền đến thế?

Một điều mà cổ đông cũng như giới đầu tư đang đặt câu hỏi, nếu tỷ lệ tiền từ nhân viên chiếm tỷ trọng cao trong số tiền đầu tư vào Eximbank thì cổ đông  KDC không hưởng được lợi nhiều từ thương vụ béo bở này. Ngược lại tỷ trọng tham gia vốn của các công ty cao hơn thì họ lấy từ đâu: vốn vay ngân hàng hay từ vốn huy động thêm? Hơn hai tháng qua, Kinh Đô không có khoản vay nào đáng kể và càng không có thông báo nào về việc huy động tăng vốn.

Giá mua vào cổ phiếu Eximbank của Kinh Đô chỉ nằm ở mức 8.000.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá thị trường hiện nay thấp nhất cũng đã 15.000.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy Kinh Đô đã hời đến 7.000.000 đồng/cổ phiếu, nếu tính trên số tiền 90 triệu USD bỏ ra, họ lãi khoảng 70 triệu USD (tương ứng 1.120 tỉ đồng). Qua thương vụ, Kinh Đô hiện nắm giữ 6,42% cổ phần của Vietnam Eximbank và tạo ra giá trị thặng dư 1.200 tỉ đồng cho cổ đông của Eximbank.

Vấn đề Kinh Đô dùng vốn từ nguồn nào để đầu tư con số lên đến 90 triệu USD, nếu chỉ từ một nhóm nhỏ người của Kinh Đô, thì cần phải xác định rõ nguồn gốc tiền.

Cùng thời điểm Kinh Đô thực hiện thương vụ trên, một cổ đông lớn của công ty là Vietnam Ventures Ltd lại đăng ký bán ra 900.000 cổ phiếu KDC. Họ chỉ mới bán ra được 300.420 cổ phiếu nên phải xin gia hạn thời gian bán ra đến 15.5.2007 thay vì 25.2.2007. Tại sao họ lại chia tay ở thời điểm Kinh Đô đang có khoản đầu tư tốt như trên. Điều này càng làm cho dư luận thắc mắc.

Tuy vậy vấn đề nêu trên vẫn chỉ là giả thiết xuất phát từ mối quan tâm của các nhà đầu tư. Do vậy Kinh Đô nên nhanh chóng công khai minh bạch về nguồn tiền đầu tư vào Eximbank để cổ đông yên tâm.

Theo Lê Hà
SGTT

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.