Kinh tế năm 2016 và 'dấu ấn' các Bộ trưởng

Kinh tế năm 2016 đã đi qua nhiều thử thách. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Kinh tế năm 2016 đã đi qua nhiều thử thách. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
TP - Hãy cùng Tiền Phong nhìn lại những vấn đề, sự kiện nổi bật trong lĩnh vực kinh tế đất nước năm qua. Cùng đó,  xem các “tân” thủ lĩnh một số bộ ngành trong năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới đã làm được gì?

Ngành tài chính: Tiên phong khoán kinh phí sử dụng xe công

Năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã hoàn thành nhiệm vụ “chắc tay hòm chìa khoá” cân đối thu chi. Dưới quan điểm quyết liệt của người đứng đầu, Bộ Tài chính trở thành bộ ngành đầu tiên trong cả nước thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công cho các lãnh đạo đơn vị, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tháng 12/2016, Bộ tiếp tục ra chỉ thị yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cũng phải thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công đi lại, và sắp xếp lại đội xe công phục vụ công tác chung.

Cũng trong lĩnh vực tài chính, vụ việc Hồ sơ Panama gây rúng động toàn cầu và Việt Nam về danh sách trốn thuế. Việt Nam xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty đăng ký trụ sở ở các “thiên đường thuế”. Năm 2016 dù có những thay đổi, nhưng ngành thuế vẫn còn bị doanh nghiệp kêu nhiều trong cải cách thủ tục hành chính.

Ngân hàng 2016: Nhiều điểm sáng

Ngay khi tiếp quản vị trí “ghế nóng” từ người tiền nhiệm, Thống đốc Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, đặt định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20%.

Năm 2016 được xem là một năm nhiều điểm sáng trong lĩnh vực ngân hàng khi mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay đều ổn định thậm chí đã giảm được từ 1-2% theo đúng định hướng của Chính phủ; tăng trưởng tín dụng cao nhưng không nóng; Tỷ giá có một năm “cầm cương” chắc ngay cả khi thị trường chịu nhiều cú sốc; NHNN hoàn tất giải ngân gói vay 30 ngàn tỷ….

Cũng trong năm, thanh khoản các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục cao nhất có lúc lên tới 41 tỷ USD. Việc bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ tiếp tục được cơ quan quản lý phát huy theo sát kịp thời mỗi lần thị trường có dấu hiệu bất ổn.

Ngành Công thương: Năm “kỷ lục” các vụ việc

Năm 2016 là năm “kỷ lục” của ngành Công thương khi tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải đối mặt, giải quyết hàng loạt vấn đề nóng như  tái cơ cấu bộ máy tổ chức; bổ nhiệm, thay thế hàng loạt lãnh đạo cấp vụ, cục và phân công lại nhiệm vụ của các Thứ trưởng. Chính điều này đã vấp phải phản ứng khá quyết liệt của các “công thần” cũ dưới thời nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Nhưng tân Bộ trưởng vẫn quyết tâm thực hiện cải tổ bộ máy vốn bị đánh giá cồng kềnh với nhiều cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Trọng tâm của ngành thời gian tới là ưu tiên giải quyết như những dự án nghìn tỷ đồng “đắp chiếu” thuộc các tập đoàn, tổng công ty trong ngành;  đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn tại hai tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn; xử lý những trường hợp cán bộ của ngành bỏ trốn ra nước ngoài (Trịnh Xuân Thanh - PVC, Vũ Đình Duy - PvTex, Lê Chung Dũng - PvPower), xóa sổ các công ty đa cấp lừa đảo, vấn đề ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện, cải cách thủ tục hành chính….

Giao thông vận tải: Chật vật với dư chấn BOT

Với ngành GTVT, đây là năm chật vật với trạm thu phí, rộng ra là tồn đọng, phát sinh sau thời kỳ bùng nổ các dự án BOT. Làn sóng phản đối trạm thu phí còn lan đến cả những lãnh đạo được can dự vào dự án BOT… khiến dự luận thêm bức xúc, giảm niềm tin đối với BOT.

Những bức xúc đối với trạm thu phí là điều ngành GTVT biết trước. Tân Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa sau nhậm chức (tháng 4/2016) rốt ráo đẩy nhanh quyết toán các dự án BOT để làm rõ thực trạng các dự án BOT. Nhưng Bộ máy mới của Bộ GTVT không có các động thái quyết liệt xúc tiến các dự án BOT mới; thậm chí có dự án đấu thầu, chọn xong nhà đầu tư (như dự án tuyến tránh TP Sơn La) cũng phải dừng. Có nhiều vấn đề được chuyên gia cảnh báo từ lâu như hạn chế tối đa làm BOT trên đường độc đạo, cải tạo đường cũ thu tiền. 

Nhu cầu hạ tầng giao thông vẫn cấp bách và ngân sách Nhà nước chưa cho phép loại bỏ BOT vì vẫn là giải pháp căn bản để tháo nút nghẽn hạ tầng. Việc chậm triển khai BOT hoặc triển khai thiếu minh bạch và hiệu quả đều có hại.

Nông nghiệp: Thiên tai chạm mốc lịch sử; xuất khẩu đảo chiều đạt kỷ lục

Năm 2016 cực kỳ khó khăn khi toàn ngành nông nghiệp phải đối mặt với thiên tai khốc liệt và cũng là năm tân bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường được “thử thách”. Thiên tai khốc liệt và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung…đã khiến lần đầu tiên trong chục năm lại đây, ngành nông nghiệp tăng tưởng âm, giảm tới 0,18%, tương đương gần 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nông nghiệp đã xoay chiều và về đích với GDP tăng 1,2%, giá trị sản xuất tăng 1,44%.

Năm 2016, mặt hàng rau quả tăng trưởng ấn tượng, và lần đầu tiên “vượt mặt” so với hàng gạo giảm mạnh, kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: Cà phê  tăng 25,5%, điều tăng 18,3%, tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.

Bên cạnh các chiến dịch “đánh” chất cấm tạo nạc Salbutamol, Vàng ô, Cystemine… toàn ngành cũng tập trung xử lý vấn đề nhức nhối hiện nay là lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Bộ Xây dựng: Dấu ấn Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ

Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã cơ bản hình thành khung chính sách và cơ chế để phát triển nhà ở xã hội. Trên cương vị Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã ban hành Thông tư 20/2015 có hiệu lực năm 2016 gỡ vướng cho người mua nhà ở xã hội liên quan đến việc làm hồ sơ mua nhà. Đặc biệt, cho phép nhà ở xã hội được tính giá ngay ban đầu bán nhà thay vì giá tạm tính như trước đây. Bên cạnh, còn đưa ra hình thức nhà ở xã hội cho thuê với quy định bắt buộc chủ đầu tư phải dành 20% quỹ nhà ở xã hội để cho thuê với mức giá khoảng 1 triệu đồng cho căn hộ 35m2.

Sau 3 năm thực hiện chính sách về gói 30.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11/2016, cả nước đã có 56.000 người tạo lập được nhà ở. Nhà ở giá rẻ dưới 1 tỷ đồng hiện đang được các doanh nghiệp tư nhân chú trọng đầu tư. Hàng nghìn căn hộ giá rẻ được tung ra thị trường và “ra đâu hết đó” cho thấy phân khúc này vẫn sôi động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh

Năm 2016, sau khi Thủ tướng đưa thông điệp Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nỗ lực cùng Bộ KH&ĐT đi đầu trong rà soát, bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ cũng là nơi tổng hợp, báo cáo Chính phủ về quá trình thực hiện của các bộ ngành khác. Đồng thời xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung về danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cùng đó, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nguồn lực thực hiện dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế; trình Quốc hội Dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời xây dựng và trình Quốc hội Dự thảo Luật Quy hoạch nhằm xoá bỏ tình trạng lãng phí, chồng chéo trong quy hoạch hiện nay.

Ngành LĐ - TB&XH: Quyết định tăng lương tối thiểu vùng

Một trong những đầu việc tân Bộ trưởng LĐ&TBXH Đào Ngọc Dung bắt tay vào thực thi là thống nhất về quản lý đào tạo nghề trên cả nước và chuyển một số trường Cao đẳng, trung cấp nghề từ Bộ GD &ĐT sang bộ LĐ&TBXH quản lý. Cũng trong năm nay, thông qua đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thủ tướng ký quyết định tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2017 với mức tăng 180 - 250 nghìn đồng/tháng (tùy theo vùng) - tăng bình quân là 7,3% so với lương tối thiểu năm 2016.

Năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi hưu, thay đổi luật về công đoàn độc lập. Theo đó, bộ này đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi (thay cho mức 55 tuổi hiện nay) và nam lên 62 tuổi (thay cho mức 60 tuổi hiện nay). Đồng thời, dự luật thay đổi căn bản quy định về công đoàn và các tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp.

Hải quan bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn

Tính từ 15/12/2015 đến 15/11/2016, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 14.445 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 391 tỷ 848 triệu đồng; Số thu NSNN đạt hơn 156 tỷ 438 triệu đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 40 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 91 vụ. Cùng đó, lần đầu tiên ngành này công bố đường dây nóng của Tổng cục. Đây cũng là năm đầu tiên ngành tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng.

Vượt qua nhiều yếu tố biến động tác động lên giá cả, tỷ giá…lạm phát năm 2016 vẫn được “ghìm cương”. Công bố của Tổng cục thống kê sáng 28/12, lạm phát chính thức dừng ở con số 4,74% dưới “định mức” 5% Quốc hội thông qua trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ đạt 6,21 % - cách xa so với mục tiêu đề ra 6,7%. Đây là thông tin kém vui và là thách thức lớn đòi hỏi các bộ ngành cần nỗ lực đóng góp hơn nữa vào cải thiện kinh tế đất nước năm 2017

MỚI - NÓNG