Lãi suất dự báo tăng

Lãi suất dự báo tăng
TPO - Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng có một số đột biến đáng lưu ý, cụ thể lãi suất liên ngân hàng từ ngày 15-24/2/2017 đã tăng mạnh so với 2 tuần trước. Cập nhật về thị trường tiền tệ của MBS ngày 2/3 cho biết.

Theo MBS, lãi suất liên ngân hàng qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng lần lượt tăng 0.88, 0.8, 0.77, 0.5 điểm phần trăm lên mức lần lượt là 3.96%, 4.08%, 4.25% và 4.38%. NHNN tiếp tục hoạt động hút ròng ở hai kênh tín phiếu và OMO, đạt mức 45,533 tỷ đồng.

NHNN tận dụng lượng tiền dư thừa sau Tết và giải quyết tình trạng thanh khoản hệ thống căng thẳng tạm thời. Lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn ở một số ngân hàng nhỏ và nhìn chung vẫn giữ nguyên, ví dụ như Eximbank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng từ 4.6%/năm lên 5.5%/ năm, NHTM CP Đông Á tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên 5.5%/năm trong khi NH Bản Việt tăng lên 7%/năm và 7.9%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng.

Trong khi các NHTM tiếp tục giữ mức lãi suất tiền gửi, lãi suất huy động không kỳ hạn và dưới 1 tháng là ở mức 0.8-1% mỗi năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4.5-5.4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5.4-6.5%/ năm và trên 12 tháng là 6.4-7.2%/năm.

Lãi suất huy động USD đối với cá nhân và tổ chức vẫn ở mức 0%. Hiện tại mặt bằng lãi suất cho vay chưa có nhiều thay đổi so với trước đây với mức lãi suất cho vay vẫn phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, vay sản xuất kinh doanh thông thường ngắn hạn là 6.8- 9% và trung và dài hạn là 9.3-11%/năm. “Về ngắn hạn chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ không nhiều thay đổi.”. MBS nhấn mạnh.  

Cùng lúc, nhìn sang lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 đã tăng 0.42% so với tháng trước, tăng 1.27% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.42% so với tháng 12 năm trước. Trong đó, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có mức tăng giá.

Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1.98%; đồ uống và thuốc lá tăng 1.15%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0.45%. Ngoài ra, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,26%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,71%...do nhu cầu tiêu dùng Tết và giá cả lương thực nhờ các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia.

“Tuy nhiên,  trong hai tháng vừa rồi CPI đã tăng 0.42% so với cuối tháng 12 năm ngoái, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạm phát sẽ tiếp tục ổn định trong ngắn hạn và sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong trung và dài hạn do các yếu tố bất ổn như giá dầu, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.”,  MBS dự báo.

MỚI - NÓNG