Làm gì để không bán rẻ vốn nhà nước?

Hoạt động lắp ráp ô tô của Công ty ô tô Hòa Bình, thành viên của Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hoạt động lắp ráp ô tô của Công ty ô tô Hòa Bình, thành viên của Tổng Công ty công nghiệp ô tô Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trong quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn kém hiệu quả, có cổ phần được định giá mức 10.000 đồng, nhưng thực bán chỉ được 500 đồng.

Mỗi ngày phải bán 1 DNNN

Tại hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (diễn ra ở Hà Nội tuần qua); Phó TGĐ Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Hoàng Nguyên Học cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận gần 1.000 DNNN. “Tính đến nay, SCIC đã thoái vốn tại 678 DNNN, tương đương 70% và thu về hơn 6.000 tỷ đồng. Giá trị thu về cao hơn giá vốn 2,2 lần cho thấy quá trình thoái vốn diễn ra khá tốt trong điều kiện đa số DNNN do SCIC tiếp nhận đều khó khăn, có đến 17% DNNN thua lỗ liên tục”, ông Học chia sẻ.

“Vấn đề không phải nhà nước thu về bao nhiêu, quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, DNNN hoạt động như thế nào. Ưu tiên nhà đầu tư mạnh để họ tiếp tục duy trì và phát triển DNNN đó”.

Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT)

Thực hiện theo Quyết định số 2344 (2013) của Thủ tướng (Phê duyệt Đề án tái cơ cấu của SCIC giai đoạn đến năm 2015), SCIC phải bán hết vốn nhà nước trong năm 2015 và chỉ giữ lại khoảng 100 DNNN. “Trong 3 tháng đầu năm 2015, chúng tôi đã bán 22 DNNN. Từ giờ đến cuối năm, mỗi ngày phải bán được 1 DNNN, vì thế, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)”, lãnh đạo SCIC nói.

Về quá trình thoái vốn nhà nước thông qua đấu giá trên thị trường chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Quản lý phát hành (UBCKNN) cho biết, tỷ lệ đấu giá thành công năm 2014 tăng 60%, nhưng từ đầu năm đến nay có dấu hiệu chững lại. “Các phiên đấu giá thoái vốn trên thị trường chứng khoán chưa nhiều, tỷ lệ thành công thấp hơn trước”, ông Hải cho biết.

Thực tế, việc bán vốn nhà nước dưới mệnh giá diễn ra khá phổ biến. Đối với DNNN kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phần không đạt theo mệnh giá, giá trị giao dịch còn thấp hơn nữa. “Có DNNN xác định mệnh giá 10.000 đồng, nhưng chỉ bán được 500 đồng”, ông Hoàng Nguyên Học tiết lộ.

Bán cả lô hoặc bị ế

Để việc đấu giá thoái vốn nhà nước tại DNNN qua kênh thị trường chứng khoán diễn ra thành công hơn, ông Bùi Hoàng Hải kiến nghị các DNNN cần chủ động công bố thông tin trên thị trường sớm và nhiều hơn. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó TGĐ, Trưởng ban tổ chức đấu giá Sở GDCK Hà Nội đồng tình về quan điểm cần công bố nhiều thông tin hơn cho các nhà đầu tư. “Quy chế đấu giá của DNNN cần có thêm bản tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, bà Lan nói. Ngoài ra, vị này còn đề nghị các DNNN cổ phần hóa xong nên nộp sớm hồ sơ thông tin lên Sở ngay khi UBCKNN chấp nhận. “Khi đó để cho các bên dễ tra cứu số liệu về DNNN, cũng như đảm bảo quy định 90 ngày phải đăng ký tại Sở Giao dịch”, bà Lan khuyên.

“Tính đến ngày 24/3/2015, cả nước đã thoái được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng (bao gồm cả SCIC), bằng 1,4 lần giá trị sổ sách”. 

Số liệu họp Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Quý I/2015

Trong khi đó, lãnh đạo SCIC kiến nghị cần bán “cả lô” cho nhà đầu tư. “Nhiều nhà đầu tư quan tâm mua cả lô để sở hữu tỷ lệ có thể tham gia quản lý, quyết định của DNNN. Họ sẵn sàng trả giá cao, kể cả đối với Công ty đã niêm yết. Trước đây, tỷ lệ bán thấp, nhà đầu tư chỉ mua đủ cổ phần chi phối, phần còn lại không bán được. Vì thế, chúng tôi kiến nghị bán cả lô. Khi đó sẽ rất dễ bán, bán nhanh và có hiệu quả cao”, ông Học nêu ý kiến. Theo thăm dò, phần lớn đại diện các công ty chứng khoán đều mong muốn cơ quan quản lý cần cơ chế mạnh dạn hơn để bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Một đại diện Cty Chứng khoán Phố Wall còn đưa ra ví dụ về trường hợp Tổng Cty Công nghiệp ô tô Việt Nam. Ngay khi có thông tin Chính phủ quyết định thoái vốn toàn bộ hồi đầu năm, có nhiều nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng mua với giá cao hơn so với đợt chào bán lần đầu. Thực tế, ở đề án cổ phần hóa đầu năm 2014, dù xác định sẵn sàng bán đến 51%, nhưng đợt chào bán đầu tiên cuối tháng 3/2014 của doanh nghiệp này gần như thất bại khi khoảng 3% cổ phần được đấu giá.

MỚI - NÓNG