Làm giàu ở 'kinh đô vàng mã'

Làng vàng mã Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) tấp nập vào vụ sản xuất phục vụ Tết Ảnh: Nguyễn Hưởng
Làng vàng mã Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh) tấp nập vào vụ sản xuất phục vụ Tết Ảnh: Nguyễn Hưởng
Dù kinh tế khó khăn nhưng các hộ sản xuất, buôn bán hàng mã vẫn sống khỏe khi không ít người chi hàng chục triệu đồng mua vàng mã cao cấp, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyễn Nhân Hữu (85 tuổi, ngụ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã gắn bó với nghề làm hàng mã 60-70 năm nay. Theo ông Hữu, sau khi nghề làm tranh Đông Hồ mai một, các hộ dân chuyển sang nghề làm hàng mã khiến làng tranh truyền thống một thời giờ mang tên mới: “Kinh đô vàng mã”.

Làm không hết việc

Ông Hữu kể: Xưa ở làng Đông Hồ, nhà nhà làm tranh; Tết đến, chợ tranh đông vui, rực rỡ. Nay cả làng chỉ còn khoảng 5 nhà làm tranh nhưng số lượng rất èo uột, hầu như không có thị trường. Nhiều năm nay, người dân bỏ làm ruộng, cho người nơi khác thuê cấy để chuyển sang nghề “tâm linh”. Vào vụ, mỗi nhà có thể sản xuất từ vài trăm đến hàng ngàn bộ mũ áo Táo quân, chưa kể nhiều loại hàng mã khác như tiền vàng, vàng hoa, cá chép…

Hàng mã của Đông Hồ không chỉ tiêu thụ ở miền Bắc mà còn được chuyển vào miền Nam, thậm chí đưa sang Lào, Đài Loan, Trung Quốc. Đồ hàng mã đa dạng từ mũ, áo, quạt, xe ngựa, cá chép… đến ô tô, tủ lạnh… Mỗi nhà làm một thứ nên tiêu thụ tốt, không phải cạnh tranh nhau. Có thời điểm, ô tô các tỉnh ùn ùn tới đánh hàng khiến các hộ dân xoay không kịp..

Nghề này quanh năm có việc. Tết đến thì lo làm vàng mã, đồ cúng tiễn ông Táo về trời; ra giêng thì làm xe ngựa, kiệu cờ phục vụ lễ hội; sau đó vào vụ chuẩn bị đồ mã cúng rằm tháng 7… Những làng xung quanh không có nghề vàng mã, người dân chỉ cần chịu khó đi làm mướn cho làng Đông Hồ cũng đủ sống.

Kế bên nhà ông Hữu, nhà anh Nguyễn Đăng Bình cũng đang hối hả làm hàng mã để chào bán dịp ông Táo về trời. Năm nay, đồ tiễn Táo quân, anh Bình làm đẹp hơn do có giấy ánh kim nhiều màu, viền mũ cũng được bọc chỉ cao cấp mà giá bán không hơn là bao.

“Mỗi bộ đồ lễ lãi được khoảng 20.000 đồng hoặc hơn một chút nhưng đòi hỏi làm rất cầu kỳ, mất thời gian. Nếu chịu khó làm khoảng hơn 1 tháng thì cũng được cái Tết tươm tất” - ông Phú, một người làm hàng mã ở Đông Hồ, cho biết.

Dân buôn lãi lớn

Theo anh Bình, giá bán buôn mỗi bộ đồ lễ tiễn Táo quân loại đẹp khoảng 80.000-100.000 đồng/bộ. Bộ nhỏ hơn chỉ hơn 10.000 đồng. Tuy nhiên, những bộ đồ lễ này khi được chuyển về các TP lớn đã bị đội giá lên chóng mặt. Tại Hà Nội, ngày 25-1, một bộ đồ lễ Táo quân giá 250.000 đồng. Thậm chí, có những bộ đồ lễ rất giản dị, giá mua buôn chỉ khoảng 10.000 đồng/bộ nhưng khách ở Hà Nội vẫn phải mua đắt gấp 7-9 lần.

Đi buôn lãi là vậy nên không ít làng nghề trước đây nổi tiếng làm hàng mã giờ chuyển sang đi buôn như làng Văn Hội, huyện Thường Tín, Hà Nội. 70%-80% hộ dân nơi đây sống bằng nghề phục vụ người cõi âm. Hầu như nhà nào cũng tích trữ ngập đồ mã để đi phân phối hoặc bán lẻ.

“Một phần tự làm, một phần nhập về bán cho bớt vất vả mà có lãi nhiều hơn tự làm. Buôn bán năm nào cũng đều đều; kinh tế có khó khăn, người ta vẫn mua vàng mã nên mỗi vụ Tết, gia đình cũng lãi được vài chục triệu đồng” - một chủ đại lý bán đồ mã ở Văn Hội cho hay.

Ông Lê Văn Thắng ở làng Văn Hội tiết lộ ở Bắc Ninh, người làm đồ lễ Táo quân nhiều, giá lại rẻ, rải khắp các tỉnh nên dân làng dần dần không làm nữa mà nhập hàng từ Bắc Ninh đi phân phối. Chỉ có những khách đặt hàng riêng, yêu cầu làm đẹp, tỉ mỉ theo ý muốn hoặc làm cho người nhà thì dân Văn Hội mới sản xuất. “Cũng may được ăn “lộc” của nghề nên dân làng dù người đi buôn, người còn làm nghề đều sống khá” - ông Thắng cho biết.

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hưởng
Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.