Làm giàu từ gạo sạch

Võ Văn Tiếng (giữa) tại buổi ra mắt CLB sản xuất sạch.
Võ Văn Tiếng (giữa) tại buổi ra mắt CLB sản xuất sạch.
TP - “Tôi tranh thủ dọn đất chuẩn bị sạ 10 ha lúa Nàng hoa 9. Đồng thời, cố gắng thu xếp cho xong việc nhà để đầu tháng 10 lên TPHCM thi chung kết Dự án khởi nghiệp”, chàng nông dân Võ Văn Tiếng quê Đồng Tháp cho hay.

Võ Văn Tiếng, 25 tuổi, ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - gương mặt vừa lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2016 sau vòng bán kết ngày 14/9 tại Đồng Tháp. Cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp Dự án sáng tạo khởi nghiệp, Quỹ Startup Việt Nam Foundation và Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức.

Hôm thi bán kết, Tiếng thuyết trình dự án “Gạo sạch” với thương hiệu Tâm Việt của mình được Ban tổ chức đánh giá cao và chọn đi tiếp vào vòng chung kết diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 10 tới. Đề tài của Tiếng gắn liền với nông dân và mang tính hiệu quả kinh tế cao, không gây ảnh hưởng môi trường. 

“Với diện tích 10 ha, chúng tôi sẽ tạo ra mô hình liên kết tuần hoàn giữa trồng trọt, chăn nuôi và khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hơn nữa, nông trại nằm trong vùng chuyên canh sản xuất lúa, với lượng phù sa bồi đắp hằng năm nơi đầu nguồn sông Cửu Long, sẽ cho chất lượng gạo tốt, mùi gạo thơm đặc trưng và cây trồng phát triển tốt phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt”, Tiếng tự tin thuyết trình.

Có mặt tại buổi thi bán kết, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá, mô hình sản xuất sạch của Tiếng là điển hình của tỉnh. Đồng thời, ông mong muốn Tiếng cố gắng hơn nữa trong sáng tạo khởi nghiệp để góp phần phát triển quê hương.

Sản xuất sạch

Đầu năm 2015, anh Tiếng bắt tay vào làm nông nghiệp với tâm niệm trồng lúa sạch. “Tôi muốn tạo ra hạt gạo sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Bởi khẩu phần ăn chính của người Việt Nam chủ yếu là tinh bột, vì thế gạo Tâm Việt có thể giúp cho bữa cơm gia đình thêm ngon miệng lại an toàn cho sức khỏe”, anh Tiếng chia sẻ.

Nói là làm, ban đầu Tiếng thử nghiệm 0,2 ha, giống Nàng hoa 9, năng suất chỉ đạt 4 tấn/ha, đạt khoảng 70% so làm truyền thống. Đối với Tiếng, vụ đầu như thế là thành công. Vụ sau, Tiếng quyết định trồng hết 10 ha.

Nói không với thuốc hóa học

Tiếng cho biết, quy trình tạo ra hạt gạo sạch là trong diện tích 10 ha, thì dành ra 2 ha để đắp đê bao, đào ao xung quanh ruộng. Mục đích là để trồng cỏ làm hàng rào sinh học cách ly với những ruộng sử dụng thuốc BVTV xung quanh và trồng rau màu theo tầng chiều cao cây, hồ nước để lắng lọc nước trước khi đưa vào ruộng. 8 ha còn lại trồng lúa Nàng hoa 9. Lý do chọn giống này được Tiếng giải thích là giống nguyên chủng với đặc tính hạt gạo dẻo, thơm đặc trưng, có vị ngọt và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Tiếng cho rằng, điều quan trọng là ruộng lúa hoàn toàn khộng sử dụng hóa chất mà toàn là phân hữu cơ vi sinh theo phương pháp bón lót để giải ngộ độc phèn cũng như cân bằng độ pH… Để ngăn ngừa sâu hại và dịch bệnh thì thả thêm cá đồng và vịt. Đồng thời, kết hợp với bơm nước vào ruộng ở các giai đoạn. Trên lý thuyết là vậy, Tiếng dẫn chứng cách làm cụ thể, ví dụ khi phát hiện có rầy nâu bám vào lúa. Lúc đó, rầy sẽ đẻ trứng sinh sôi nảy nở. Tiếng trị bằng cách bơm nước vào cho ngập để trứng bị thối. Đồng thời, thả cá vào ăn trứng; khi gặp sâu đục thân thì cho vịt vào ăn.

Lúa sau khi thu hoạch sẽ được trực tiếp giám sát quy trình xay xát và đóng gói. “Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng chúng tôi không sử dụng hóa chất bảo quản gạo và chống mọt mà dùng phương pháp hút chân không, đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP với quy trình và công nghệ hiện đại. Gạo sau đóng gói sẽ được phân phối trực tiếp đến tay người mua thông qua các cửa hàng ở nhiều nơi trên cả nước nhằm tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm giá thành sản phẩm”, anh Tiếng nói.

 Theo anh Tiếng, hình thức bán hàng chủ lực là bán online giao tận nơi với số lượng lớn. Đồng thời, tham gia các phiên chợ dành cho sản phẩm sạch (phiên chợ Lương Nông, phiên chợ xanh tử tế) và mở cửa hàng bán lẻ tại các thành phố như: Cần Thơ, TPHCM, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP Long Xuyên (An Giang)... “Ở mỗi cửa hàng bán lẻ chúng tôi sẽ liên kết với các hộ sản xuất nông sản sạch ở địa phương để đa dạng hóa sản phẩm và giảm chi phí. Còn đối với sản phẩm gạo chủ lực, chúng tôi thiết kế từng mức giá theo từng đối tượng khách hàng và có chính sách khuyến mãi đặc biệt là tặng kèm các sản phẩm sạch khác của nông trại”, Võ Văn Tiếng  chia sẻ.

 Anh Tiếng cho biết thêm, hiện tại nguồn hàng tự sản xuất trên dưới 50 tấn/vụ không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, sắp tới anh sẽ mở rộng quy mô sản xuất bằng cách hợp tác với hợp tác xã, chủ ruộng rồi bao tiêu đầu ra và hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, thuê thêm đất mở rộng sản xuất. Hiện nay, anh Tiếng thuê được 10 ha đất ở lân cận, dự kiến vào tháng 11 tới sẽ xuống giống.

Có mặt tại buổi thi bán kết, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá, mô hình sản xuất sạch của Tiếng là điển hình của tỉnh. Đồng thời, ông mong muốn Tiếng cố gắng hơn nữa trong sáng tạo khởi nghiệp để góp phần phát triển quê hương.

MỚI - NÓNG