Làm rõ 4.500 tỷ đồng nâng vốn hai ngân hàng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội.vn
TP - Trước đề xuất cấp gần 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ cho hai ngân hàng, Bộ KH&ĐT cho là phù hợp. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng không khả thi.

Ngày 22/12, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, tổng vốn vay nước ngoài trong năm nay là 50 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên đến tháng 11, các bộ ngành địa phương mới giải ngân 74,9% kế hoạch, nhiều nơi còn không có khả năng giải ngân.

Bất cập trong sử dụng vốn nước ngoài

Trong năm này, Chính phủ đề xuất phương án cắt giảm hơn 5.800 tỷ đồng, đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài hơn 14 nghìn tỷ đồng. Trong đó, hai ngân hàng được đề nghị cấp vốn điều lệ gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam hơn 1.782 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội 2.700 tỷ đồng.

Đánh giá việc bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng trên là cần thiết, tuy nhiên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, với trên 44 ngàn tỷ đồng nguồn của các chương trình dự án thì vốn của dự án nào giải ngân cho dự án đó, không thể lấy để cấp cho hai ngân hàng chính sách. Việc Bộ KH&ĐT đề xuất sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng nguồn này đã được cân đối vào ngân sách năm 2017 và khó có thể rút vốn năm 2016. Đồng tình với chủ trương cấp vốn, song đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu sử dụng ngân sách năm 2016 thì không phù hợp. Tuy nhiên có thể sử dụng vốn của năm 2017, nhưng phải điều chỉnh để đưa vào kế hoạch.

Dù tiền chi cho hai ngân hàng chưa có trong dự toán, nhưng theo ông Nguyễn Thế Phương, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thì vẫn phù hợp. Bởi khoản tài trợ của WB không ràng buộc chi cho khoản nào. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần lưu ý đến ý kiến của Bộ Tài chính, để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng làm sao phải đảm bảo đúng luật định.

Do đến thời điểm này, chỉ còn ít ngày nữa là hết năm, mà bây giờ Chính phủ mới trình việc điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc điều hành. Không chỉ năm 2016 mà nhiều năm qua đều chưa khắc phục được tình trạng giải ngân vốn chậm. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập như chưa sát tình hình, có đơn vị không có nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện vẫn phân bổ; một số nơi giải ngân vượt lại chưa được giải trình rõ. Bà Ngân đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, để sang năm 2017 không lặp lại tình trạng này.

3 nghìn tỷ đồng bố trí cho dự án của Kiểm toán Nhà nước

Cùng ngày, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đề nghị cho phép bố trí nguồn cho các dự án của KTNN từ các nguồn với tổng số hơn 3 nghìn tỷ đồng. Theo Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, đề nghị này có căn cứ pháp lý, bảo đảm thẩm quyền quy định và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Riêng dự án xây dựng trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, ủy ban này đề nghị tiếp tục rà soát về quy mô, lộ trình, cắt giảm những hạng mục đầu tư chưa thực sự cần thiết, tránh dàn trải, lãng phí, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, KTNN cũng đề nghị điều chỉnh mức lương cho Tổng KTNN. Lý do, Tổng KTNN chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đối với kết luận, kiến nghị của ngành về sai phạm của đơn vị được kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ của thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Vì vậy, cần quy định bậc lương cho Tổng KTNN để tương xứng với vị thế, trách nhiệm. Trên cơ sở đó, KTNN đề nghị quy định bảng lương mới cho Tổng KTNN có 2 bậc lương: Bậc 1 (9,80), bậc 2 (10,40).

Về đề xuất này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ban cải cách tiền lương xem xét trình ra trung ương, tháng 5/2018 sẽ quyết định, sau đó sẽ ban hành nghị quyết.

MỚI - NÓNG