Làm sao cán đích GDP 6,7%?

Nền kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng bền vững phải trông vào nội lực. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nền kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng bền vững phải trông vào nội lực. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 27/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 lần đầu được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững”, tìm giải pháp đột phá cho kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia khẳng định có cách để GDP “cán đích”- 6,7% năm 2017 mà không cần khai thác thêm dầu thô, than đá.

Không “múc” thêm dầu thô, than đá

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: Kết quả kinh tế 6 tháng cho thấy, tăng trưởng bước đầu đã có dấu hiệu tích cực. “Với quyết tâm của Chính phủ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là hợp lý dù nhiệm vụ khó khăn. Nếu chúng ta vượt qua khó khăn này sẽ có động lực trong thời gian tới”, ông Đông nói.

Không lạc quan với dự báo này, TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nhìn nhận: Chính phủ Việt Nam đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng. Kế hoạch trung hạn 5 năm đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%/năm, trong khi năm 2016 không đạt, nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh hơn.  Hiện tăng trưởng chậm nằm ở vấn đề tái cơ cấu: ngân hàng, đầu tư công  - nợ công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực khan hiếm để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống… Tôi dự đoán tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,2%- 6,5% là hợp lý”, ông Thành nói.

Mổ xẻ kỹ hơn về các nhóm giải pháp, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia cảnh báo nếu GDP không cán đích 6,7% sẽ dẫn đến một số chính sách khác bị “phá vỡ” như: trần nợ công, bẫy thu nhập trung bình... Ông bày tỏ quan ngại với các nhóm giải pháp ngắn hạn đang đưa ra, đồng thời cảnh báo 5 tiềm ẩn rủi ro.

“Nếu khai thác thêm dầu, thêm than, chúng ta sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường. Còn giải pháp giảm đầu tư công, nếu không giám sát sẽ dẫn đến không đạt mục tiêu tăng trưởng. Về tăng trưởng trong nông nghiệp nếu phát triển cao sẽ xảy ra rủi ro như dư thừa dưa hấu, thịt lợn”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, điều cần làm lúc này là phải có các kịch bản tăng trưởng, trung bình, tối ưu, thấp. Đặc biệt, cần củng cố niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. “Hiện đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng cần hành động cụ thể, đó chính là giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nói.

Muốn “hóa hổ”: Phải tăng năng suất lao động

Nền kinh tế Việt Nam được cho là rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi cấu trúc nào đáng kể. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích: tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2005- 2015 khoảng 6%, đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nhưng nhìn sâu hơn vào cấu trúc sở hữu trong GDP cho thấy đóng góp vào GDP của Việt Nam cơ bản do khu vực cá thể, trong suốt 10 năm từ 2005 – 2015 giá trị của khu vực này luôn ổn định ở mức trên 31% trong GDP. Ông Trinh kết luận, “điều này lý giải khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là về số lượng còn giá trị dường như không thay đổi gì và tăng trưởng GDP chỉ là tăng trưởng về bề nổi”.

Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng muốn trở thành “con hổ mới của châu Á”, Việt Nam cần những ý  tưởng thực sự mới mang tính đột phá cho nền kinh tế.

Theo GS Jay Rosengard (Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard), “những con hổ” của kinh tế châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã bứt phá và trở thành những nền kinh tế phát triển có thu nhập cao, trong khi nhiều nước khác ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines vẫn chỉ là “những con mèo nhỏ” khi đang loay hoay tìm cách trở thành nước có thu nhập cao hơn. 

Giáo sư Jay Rosengard nhấn mạnh một trong những vấn đề của Việt Nam là làm sao để tăng năng suất lao động. Vấn đề nhiều nước như Thái Lan hay Malaysia đang gặp phải đó là khi giá nhân công tăng lên trong khi năng suất không đổi dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị suy giảm. “Bài toán mà Việt Nam cần giải quyết đó là làm sao để tăng năng suất lao động hiệu quả để đảm bảo tăng trưởng bền vững”, GS nói.

Bàn về cách để GDP đạt 6,7% vào cuối năm nay, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng không phải  khai thác thêm than đá, dầu thô mà có đến “3 mũi” khác để kích thích tăng trưởng. “ Chỉ cần kích cầu tiêu dùng thêm 1% chúng ta sẽ có thêm 380 ngàn tỷ đồng, gấp 4 lần khai thác thêm 1 triệu tấn dầu. Còn với dịch vụ đặc biệt là du lịch, hiện chưa khai thác hết, nếu du lịch tăng trưởng 30% sẽ có thêm 7.000-8000 tỷ đồng. Cuối cùng, chúng ta có 61.000 doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo rất nhiều việc làm”, ông Lực đề xuất. 

MỚI - NÓNG