Tràn lan khai khoáng, hiểm họa hiện hình - Kỳ cuối:

Lãng phí tài nguyên, nguy cơ lũ bùn

Người dân thôn Bén (xã Công Đa) phàn nàn về bùn thải quặng tràn xuống
Người dân thôn Bén (xã Công Đa) phàn nàn về bùn thải quặng tràn xuống
TP - Khi giá quặng xuống thấp, nhiều doanh nghiệp (DN) được giao diện tích mỏ rộng lớn gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến cơ quan thuế, còn tại các mỏ, quặng vứt ngổn ngang gây lãng phí tài nguyên. Thậm chí, một số DN khai thác xong cũng không hoàn thổ, khiến người dân lo sợ lũ bùn tràn xuống ruộng đồng.

Bỏ hoang bãi quặng

PV Tiền Phong đến mỏ sắt Cây Nhãn (thôn Khánh Hùng, xã Hồng Đức, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), mỏ này được giao cho Cty TNHH Hằng Nguyên (nay là Liên doanh gang thép Tuyên Quang) khai thác. Cả khu mỏ rộng lớn khai thác nham nhở. Phần quặng xen lẫn đất được xúc để riêng sang mảnh đất bên cạnh. Trên mặt đất vương vãi quặng. Cả đại công trường mỏ bị băm nát rồi bỏ hoang, không một bóng công nhân và bất cứ máy móc, thiết bị nào.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Khánh Hùng, phần đất này nhà nước thu hồi của người dân để DN khai thác quặng. Nhưng doanh nghiệp khai thác chưa được bao lâu thì bỏ hoang cả khu mỏ rộng lớn, cũng không hoàn thổ, trả lại mặt bằng cho người dân. Trên các mỏ vẫn còn nhiều quặng, trước kia khi giá quặng sắt còn cao; quặng tặc vào khai thác trộm, còn dẫn đến việc mất an ninh trật tự ở địa phương. “Chúng tôi mong muốn, nếu công ty không khai thác thì có phương án bảo vệ mỏ hoặc trồng cây hoàn thổ, trả đất cho người dân. Để như vậy rất lãng phí”, ông Hùng nói.

“Khai thác xong DN phải hoàn thổ, trồng cây, để đảm bảo không ảnh hưởng môi trường. Nếu không làm đúng quy trình sẽ bị xử lý”.

Ông Nguyễn Lương Hiên, Phó Chánh văn phòng huyện Yên Sơn

Ông Phạm Trung Sơn, Cục trưởng Cục thuế Tuyên Quang cho biết, 2 năm trở lại đây, các công ty khai thác quặng sắt gần như không khai thác do giá quặng xuống thấp. Riêng Cty Hằng Nguyên, đã 2 lần đổi tên thành Hằng Hưng và nay là Liên doanh gang thép Tuyên Quang.

“Năm 2015, Cty Hằng Nguyên thông báo dừng khai thác mỏ để đầu tư dây chuyền mới với lí do sản xuất gang không bán được sản phẩm nên chuyển sang đầu tư sản xuất sản phẩm khác. Sau khi báo cáo ngừng khai thác, công ty sẽ được miễn trách nhiệm nộp thuế tài nguyên”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, DN được giao mỏ có trách nhiệm bảo vệ mỏ. Việc khoáng tặc vào khai thác DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi dừng khai thác DN phải hoàn thổ, trồng cây trả lại mặt bằng. Để tìm hiểu thêm về việc bỏ hoang bãi quặng, chúng tôi nhiều lần liên lạc với Liên doanh gang thép Tuyên Quang nhưng không nhận được trả lời.

“Bom bùn” ở lại

Việc giá một số loại quặng xuống thấp, một số DN không những dừng khai thác, bỏ hoang mỏ gây lãng phí tài nguyên còn có trường hợp DN không hoàn thổ, tiềm ẩn xảy ra lũ bùn khiến người dân lo lắng. PV Tiền Phong tiếp tục men theo con đường nhỏ uốn lượn ven đồi, từ thành phố Tuyên Quang để tìm về xã Công Đa (huyện Yên Sơn). Con đường bụi tung mù mịt, những ổ voi, ổ gà nhấp nhô. Chúng tôi tìm đến thôn Bảy Mẫu, xã Công Đa - nơi có mỏ khai thác barit của Cty khoáng sản Tuyên Quang. Từ xa đã thấy những quả đồi bị băm nát. Đất đỏ tràn từ thân đồi này sang đồi khác. Dưới chân đồi, những ngôi nhà của người dân lụp xụp. Phía dưới dòng suối, đất đỏ tràn lan. Dòng nước đục màu, không bóng tôm cá.

Theo bà Trương Thị Hiếu, trưởng thôn Bảy Mẫu - người có ngôi nhà dưới chân núi, công ty khai thác đã hơn chục năm nay ở những quả đồi này. Công ty tạm dừng hoạt động từ tết, đến nay chưa thấy quay lại làm việc. “Chúng tôi thấy công ty khai thác ở đây đã hơn chục năm trên phần đất không thuộc nhà dân. Còn giấy tờ pháp lý có hợp pháp hay hay không, tôi không biết”, bà Hiếu cho biết.

Thôn Bảy Mẫu nằm trên đầu nguồn con suối cấp nước cho cánh đồng hàng chục héc ta của thôn Bén (xã Công Đa) phía dưới chừng 1 km. Để dẫn nước từ suối cung cấp cho cánh đồng, người dân xây kênh xi măng rộng 50 cm, nhưng đến nay bị vùi lấp hoàn toàn. Vừa chỉ cho chúng tôi thấy những thửa ruộng đất đỏ, bà Trương Thị Thái (60 tuổi, thôn Bén) cho biết: “Mùa mưa, bùn đất từ đầu nguồn con suối tràn xuống ruộng. Mỗi trận mưa, bùn đỏ lấn dần 10-15 cm vào mặt ruộng. Cây lúa úa vàng, không trổ bông, mất mùa. Cá tôm trong dòng suối cũng chết hết”.

Theo bà Thái, sau mỗi trận mưa, đường sá lầy lội bùn đất không ai ra khỏi nhà. Từ Tết đến nay, công ty chưa làm nhưng không san lấp, trồng cây. Công ty dừng không hoạt động thì lũ bùn tràn về không có ai thu dọn đất bùn xuống ruộng đồng.

Ông Nguyễn Lương Hiên, Phó Chánh văn phòng huyện Yên Sơn cho biết, từ năm 2012 - 2013 đến nay, đã cấm cửa các mỏ khai thác bột barit. Chủ yếu DN tận thu trên các bãi thải. “Khai thác xong DN phải hoàn thổ, trồng cây, để đảm bảo không ảnh hưởng môi trường. Nếu không làm đúng quy trình sẽ bị xử lý”, ông Hiên cho biết.

Dù thực trạng DN lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lũ bùn khiến người dân lo lắng xảy ra, PV Tiền Phong đã đến gặp lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Tuyên Quang nhưng chỉ nhận được câu trả lời bận công tác, sẽ trao đổi sau.

MỚI - NÓNG