Lạng Sơn - Phên dậu kinh tế nông nghiệp Việt

Chỉ vài phút làm thủ tục để thông quan một xe tải chở hàng xuất khẩu - Kinh tế cửa khẩu là thế mạnh đặc biệt của Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Duy.
Chỉ vài phút làm thủ tục để thông quan một xe tải chở hàng xuất khẩu - Kinh tế cửa khẩu là thế mạnh đặc biệt của Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Duy.
TP - Gần 4 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái đi qua Lạng Sơn là con số có nhiều thông điệp về tiềm năng của một tỉnh miền núi thuận lợi giao thương với Trung Quốc.

An ninh quốc phòng nhiều năm qua ở xứ Lạng đã khá ổn định, cả chuyện buôn lậu hàng tiêu dùng ở Dốc Quýt, Chi Ma, Hang Dơi không còn được bàn tán nhiều nữa, mà một vùng “nóng” về xuất nhập khẩu (XNK) giao thương với Trung Quốc có liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nông nghiệp cả nước mới là việc phải bàn ở tầm vóc quốc kế.

Có tới chín cửa khẩu phụ, một cửa khẩu song phương và đặc biệt là có cửa khẩu quốc tế với quy mô hiện đại bậc nhất trong số năm cửa khẩu toàn tuyến biên giới phía Bắc, kinh tế Lạng Sơn liên tục phát triển, thu ngân sách lên tới hơn 8.000 tỷ đồng (năm 2015), cho thấy đóng góp và cả tiềm năng của Xứ Lạng vào tổng thể kinh tế đất nước.

Xứ Lạng vẫn là một địa phương nghèo, vùng sơn cước đã dần đổi thay diện mạo. Sức sống sôi động của kinh tế vùng biên ải này trước hết thể hiện ở hàng xe công ten nơ nối đuôi làm thủ tục thông quan đưa hàng qua cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày. 

“Cao điểm có ngày lên tới 400-500 xe, và được thông quan nhanh chóng chỉ trong buổi chiều”, anh Vi Công Tường, Cục phó Hải quan Lạng Sơn nói. Cư dân vùng biên có xe máy, nhà ở khang trang khi nghề bốc dỡ vận chuyển hàng qua biên giới có thu nhập cao (ngày cao điểm có hàng ngàn lao động đi làm).

Từ khi giao thương mở ra từ những năm đầu thập kỷ 90 và được Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (năm 2008) kết hợp với Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường, nơi đây đã trở thành một nút giao thương quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, động lực rất lớn cho kinh tế Đông Bắc và tứ giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ - cầu nối kinh tế mà Trung Quốc đặc biệt quan tâm XNK hàng hóa đối với ASEAN.

Riêng kim ngạch nhập khẩu ôtô tải qua cửa khẩu tỉnh này đạt khoảng 1 tỷ USD, góp cho ngân sách Lạng Sơn 3.200 tỷ đồng trong năm 2015. Cũng năm ngoái tổng thu ngân sách của tỉnh 8.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa chỉ 1.000 tỷ đồng), tổng kim ngạch XNK lên tới 3,9 tỷ USD (và nửa đầu năm nay đã đạt 1,8 tỷ USD, thu ngân sách đạt 3.466 tỷ đồng).  

Và sẽ là suy nghĩ một chiều nếu ai buồn vì chỉ nhìn thấy ta thường nhập quần áo và đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc. Bởi những cửa khẩu biên ải như ở Lạng Sơn đang là cơ hội cho nông dân cả nước. Sức hút xuất hàng nông lâm sản từ rất sâu trong nội địa lên xứ Lạng để đưa sang Trung Quốc đã giải quyết sản lượng khủng từ khắp các miền quê Việt.

 60% lượng vải thiều và gần 80% sản lượng dưa hấu cả nước đã được tiêu thụ qua biên giới Lạng Sơn. Rồi hàng trăm ngàn tấn thanh long, sắn lát... được xuất qua Trung Quốc nhanh chóng và thuận tiện từ khi khoảng cách giao thông với Hà Nội được rút ngắn hơn nhờ con đường 1A đang được nâng cấp thành cao tốc.

Mỗi năm lại có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại khu kinh tế này khi một tầm nhìn quy hoạch toàn khu đến năm 2030 đang bước vào hoàn thiện. Năng lực thông quan hiện đại, tỉnh Lạng Sơn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư với môi trường sạch. 

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng, trong câu chuyện với Tiền Phong mới đây, khẳng định quyết tâm của xứ Lạng sớm xứng tầm là tỉnh khá ở miền núi phía Bắc và là phên dậu kinh tế nông nghiệp của cả nước. 

Kể lại câu chuyện chỉ cách đây ít tháng khi phía Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu lợn (nay đã nhập bình thường, trung bình tới 70 xe mỗi ngày), Chủ tịch Phạm Ngọc Thưởng nói khi đó ông đã  có chỉ đạo và khuyến cáo các chủ hàng của ta hãy đoàn kết lại, bàn bạc thế trận, chủ động điều tiết hàng qua biên giới, làm chủ cuộc chơi và nên có hợp đồng “cứng” với thương lái Trung Quốc để không bị tổn thương.Việc ùn tắc nông - lâm sản từng xảy ra thường xuyên ở cửa khẩu nay đã giảm nhiều bởi những đối sách nhạy bén, khéo léo và kiên quyết từ phía ta.

Và ông Thưởng cũng nói về một  Lạng Sơn là thành trì, là cửa ngõ ngăn chặn “hàng bẩn” phía biên giới phía Bắc (gần đây lại vừa bắt giữ vụ 20 tấn nội tạng bẩn). Hàng chục điểm có hàng qua lại biên giới (43 địa điểm) đều được Lạng Sơn tăng cường kiểm soát. Chính sách biên mậu của Trung Quốc tuy khó lường và giao dịch tại lối mở phụ tuy thiếu ổn định, nhưng Lạng Sơn luôn tạo điều kiện tối đa, ưu tiên hết mức cho doanh nghiệp XNK. 

Giải pháp của Lạng Sơn tới đây là xây dựng khu trung chuyển (rộng 143ha, dự toán khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng) để điều tiết, có cả khu vực chế biến, bảo quản, và đây còn là khu trung chuyển mang tầm quốc tế đối với hàng của nước thứ ba – giải pháp căn cơ, bền vững, an toàn cho phên dậu kinh tế cả nước qua đường bộ.

Trong 8 đề xuất mới đây mà Lạng Sơn đề nghị với Trung ương, Lạng Sơn muốn được cơ chế để lại 30-50% số thu từ thuế xuất khẩu, và 70% số vượt thuế thu từ thuế XNK qua địa bàn để tái đầu tư (năm ngoái thu vượt chỉ tiêu 1.000 tỷ đồng, và đã thu vượt ba năm liên tiếp), và đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn,  yếu tố quan trọng bậc nhất thúc đẩy phát triển của tỉnh.

MỚI - NÓNG