Lãnh đạo một huyện đều giàu

Trang trại nuôi cá sấu của Bí thư Duyên trải dài bờ kinh, trồng cây sao xanh tươi
Trang trại nuôi cá sấu của Bí thư Duyên trải dài bờ kinh, trồng cây sao xanh tươi
TP - Sau giải phóng huyện hẻo lánh Phước Long của tỉnh Bạc Liêu còn rất nghèo, ít người biết, thì nay nổi danh cả ĐBSCL về huyện nông thôn mới đầu tiên. Trong sự đổi thay ngoạn mục, một điều khá đặc biệt là hầu hết lãnh đạo huyện đều giàu, có trang trại thu tiền tỷ mỗi năm.

Khi mới nghe giới thiệu lãnh đạo huyện đều giàu, cũng có băn khoăn. Nhưng đứng bên con sông lớn chạy giữa huyện lỵ, thấy nhà của Bí thư Huyện ủy Trần Hoàng Duyên chỉ mái tôn cấp bốn giữa nhà hàng xóm cao tầng, thì tự hỏi: Giàu thiệt không? Tôi kín đáo nhờ anh cán bộ Phòng NN&PTNT huyện chạy xe máy chở đi xem trang trại của Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện.

Bí thư "cá sấu"

Con đường bê tông ngoằn ngoèo chạy mãi mới tới trang trại của Bí thư Trần Hoàng Duyên ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long. Anh cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cho hay, dăm năm trước muốn đến đây chỉ có đi ghe, xuồng. Nay đường đã dễ đi còn nhà cửa vẫn thưa thớt. Trang trại của Bí thư Duyên trải dài mấy chục mét theo bờ một con kinh, được trồng hàng cây sao xanh tốt.

Dưới tán cây sao là nhà cửa, sân bãi, nối liền chuồng nuôi cá sấu phía sau. Con trai của Bí thư Duyên là anh Trần Văn Triều 34 tuổi, trực tiếp quản lý ở đây. Lao động có năm gia đình đều cháu ông Duyên cả, được ông xây nhà cho ở rải rác xung quanh, vừa làm việc vừa bảo vệ.

Chủ một trong năm gia đình là anh Nguyễn Văn Dương 39 tuổi, em vợ ông Duyên. Anh Dương kể: “Tôi vô đây 15 năm rồi, lúc mới cưới vợ được hai tháng, nay đã có ba đứa con. Ban đầu, khai phá đất hoang để nuôi tôm quảng canh, chục năm nay xây dựng trại nuôi cá sấu”. Theo lời anh Dương, cá sấu nuôi nhiều lứa đan xen để bán quanh năm, lúc nhiều nhất có khoảng 2.000 con. Một con cá sấu nuôi từ nhỏ sau hai năm, lớn gần 20 kg là bán được, với giá hiện nay lời khoảng 2 triệu đồng. “Cứ thế mà tính, một năm lời mấy tỷ”, anh Dương nói. Kế sau trại cá sấu, còn có gần 20 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Trang trại cho thu nhập cao nhưng trò chuyện với anh Dương, ấn tượng mạnh mẽ nhất không ở đồng tiền mà ở vẻ thanh thản của anh. Da bánh mật, cử chỉ của anh từ tốn, ánh mắt hồn nhiên toát ra sự hài lòng, gắn bó. Mà đảm bảo tốt nhất cho một trang trại tồn tại và phát triển, không phải sự yên tâm gắn bó của người lao động thì là gì? Trong tiếng rì rào lá cây sao giữa không gian khoáng đạt, tôi hỏi: “Dương không mượn đất nuôi tôm của ông Duyên để làm thêm một vụ lúa, tăng thu nhập có khi cũng giàu?”. “Dạ, cũng đang tính vậy”, anh Dương cười, nom càng trẻ hơn tuổi.

Chủ tịch "tôm- lúa"

Trang trại của Chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đông ở ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, gần 10 ha luân canh tôm-lúa, nhờ người cháu Trương Văn Lợi nhà ở gần coi giùm. “Nhưng buổi tối, ông Mười hay  xà lỏn chạy xe máy vô đây, lội ruộng bắt cá, đâm chuột cho cháu chắt”, anh Lợi gọi Chủ tịch huyện bằng ông Mười.

Lãnh đạo một huyện đều giàu ảnh 1

Anh Trương Văn Lợi (giữa) bên ruộng lúa đã thu hoạch, đang nuôi tôm trong trang trại của Chủ tịch Đông

Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải cho ăn, kéo điện quạt nước gì cả. Theo anh Lợi, sau Tết Nguyên đán, khi nước mặn lên, làm vệ sinh ruộng rồi đón ấu trùng tôm vô nuôi. Sau đó, cứ dịp rằm hằng tháng, tôm đi theo con nước thì đặt nò hứng tôm lớn bán, có thể thả dặm thêm ít tôm giống. Bắt hoài cho đến tháng tám âm lịch, mùa mưa nước ngọt đầy đồng, sạ giống lúa chịu mặn để gần tết thu hoạch.

Anh Lợi nói: “Mua bán đều có mối quen, làm hóa đơn rõ ràng, khi ông Mười vô tôi giao hóa đơn và tiền nong đầy đủ. Con cháu nên không tính tiền công mà thỉnh thoảng ông cho tôi tiền”. Và cũng như bên Bí thư Huyện ủy, bên này Chủ tịch huyện mở trang trại ở nơi chôn rau cắt rốn, giữa bà con họ hàng nên được giúp đỡ giữ gìn, không bị phá phách, trộm cắp.

Thu nhập từ trang trại của Chủ tịch huyện, anh Lợi không cho biết cụ thể, chỉ nói một năm gần tỷ đồng. Nhưng anh kể chi tiết thu nhập của gia đình anh để có thể so sánh, với diện tích tôm - lúa bằng một phần ba của Chủ tịch huyện, một năm anh thu cỡ 350 triệu đồng, “trừ chi phí rồi cũng nuôi được hai đứa con học đại học”. Đi xem một vòng, thấy Chủ tịch huyện Phan Thành Đông đang đầu tư cơ sở nuôi cá sấu rộng chừng 1 ha, chuẩn bị thả giống.

Phó chủ tịch "đa năng"

Hầu hết các vị trong Ban Thường vụ Huyện ủy đều có trang trại khá giả cả. Chẳng hạn, Phó Bí thư Thường trực và Trưởng ban Tuyên giáo có trang trại nuôi tôm. Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lâm Thành Sáo và Phó Chủ tịch HĐND huyện Trương Công Thích thì “đa năng” hơn.

Lãnh đạo một huyện đều giàu ảnh 2

Cá lóc trang trại ở Phước Long mỗi con 3-4kg, bán gần triệu đồng. Ảnh: Sáu Nghệ

Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thành Sáo có gần 10 ha trồng tràm, làm lúa và nuôi cá sấu do vợ quản lý, một năm thu hơn 1 tỷ đồng. Ông cho biết lý do lãnh đạo huyện có nhiều đất để lập trang trại là mua những năm đầu 90 của thế kỷ trước, đất ở vùng sâu, xa xôi cách trở nên còn rất rẻ. Lúc đó, gia đình ông mua một công đất phèn mặn trồng tràm chỉ 50.000 đồng, bằng ba giạ lúa.

Sản xuất trang trại, ông Sáo kể, cũng trải qua nhiều thất bát mới có thắng lợi. Chẳng hạn việc nuôi cá sấu, con cá sấu hay bị bệnh viêm họng và đường ruột, nhất là lúc chuyển mùa. Đêm nghe cá sấu ho là ruột cồn cào, sáng ra thăm chuồng chỉ dám hé cửa để xem có cá sấu chết hay không, vì chết một con là mất tiền triệu như chơi. Lo toan tới mức, nhiều lúc đang làm việc nghe điện thoại vợ gọi là thót ruột, câu đầu tiên không hỏi thăm vợ con nhà cửa gì cả, chỉ hỏi cá sấu. “Bây giờ, chúng tôi đã đầy đủ kinh nghiệm phòng trị bệnh cho cá sấu, đêm nào cũng nghe chúng kêu như nhái, tức là chúng khỏe mạnh”, ông Sáo cười giòn giã.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Trương Công Thích một năm thu tiền tỷ từ nuôi cá sấu, cây ăn trái, cây kiểng và cả quán ăn do vợ ông quản lý. Trang trại mở ra trên đất chôn rau cắt rốn, ngoài cá sấu, ông còn nuôi cá, ba ba, vịt, ngỗng để đưa ra quán ăn, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa tăng lợi nhuận. Mới đây, ông hùn vốn mở bến xe huyện. “Tôi gần nghỉ hưu rồi. Tuổi trẻ lo sản xuất làm ăn có kinh tế vững nên tuổi già không sợ nghỉ hưu, còn muốn được nghỉ hưu sớm”, ông cười cởi mở. 

Huyện Phước Long trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở ĐBSCL dịp 30/4 này, với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn dân đóng góp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,4%, tiếp theo là tín dụng đầu tư phát triển sản xuất 43,3%. PV Tiền Phong đặt vấn đề, phải chăng lãnh đạo huyện giàu có, không tư túi lặt vặt, được dân tin nên đạt kết quả trên? Phó chủ tịch UBND Lâm Thành Sáo đồng ý.

Ngày 27/1/2006, Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Long có chỉ thị yêu cầu đảng viên phải sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tổng kết đầu năm 2015 cho biết, nay huyện có 2.308 đảng viên nhưng “không còn diện hộ nghèo và cận nghèo”, nhiều gia đình đảng viên “trước đây nghèo khó, nay trở nên khá giả”.

MỚI - NÓNG