Lập danh sách 125 doanh nghiệp vận tải chây ì giảm cước

Theo Sở Tài chính Hà Nội, DN vận tải không giảm giá cước sẽ bị nêu tên. Ảnh: Trọng Đảng.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, DN vận tải không giảm giá cước sẽ bị nêu tên. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Trước việc giá xăng dầu giảm gần 40% nhưng doanh nghiệp (DN) vận tải tại các bến xe không giảm giá cước, hôm qua lãnh đạo bến xe Mỹ Đình đã lập danh sách toàn bộ những DN chây ì để cảnh báo.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, bến xe đang có số lượng DN vận tải lớn nhất Hà Nội cho biết, hiện bến có tổng 209 DN vận tải, với hơn 1.300 nốt/chuyến chạy về các tỉnh khu vực phía Bắc mỗi ngày. Qua các đợt giảm giá xăng dầu, đến nay bến mới tiếp nhận 84 DN thông báo giảm giá cước, 125 DN còn lại vẫn án binh bất động. 

“Trước sự việc trên, bến xe đã lập danh sách 125 DN chưa giảm giả cước và thông báo cho các DN này cần phải cân đối lại thu chi để điều chỉnh giá cước cho hợp lý. Cùng với đó bến xe luôn nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh”, ông Toàn nói.

Trong danh sách 125 DN chưa giảm giá cước được bến xe Mỹ Đình lập có nhiều hãng xe tên tuổi như: Cty TNHH vận tải Việt Thanh; Cty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân; Cty CP ô tô khách Hà Tây; Cty TNHH Hưng Thành, Cty TNHH Bảo Yến (Tuyên Quang); HTX ô tô Ka Long (Quảng Ninh), HTX DV Vận tải Tiến Phương; HTX Quang Trung (Thanh Hóa); HTX Vận tải Hoa Lư (Ninh Bình); Cty CP vận tải Hưng Hà (Thái Bình); Cty Cổ phần Vĩnh Phúc, Cty CP 27/7 Hải Hậu (Nam Định), HTX Đồng Tâm (Hà Tĩnh)… Lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết, đây là những DN có nhiều nốt/chuyến chạy về các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Xử lý nghiêm những DN không giảm giá cước

Lý giải về việc chưa giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu đã giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc hãng xe Bảo Yến chạy tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang cho rằng, hiện Bảo Yến có 5 đến 7 chuyến chạy Mỹ Đình - Tuyên Quang mỗi ngày, cùng với chi phí bến bãi, cầu đường tăng, Bảo Yến vừa đầu tư toàn bộ dòng xe mới chất lượng cao nên DN hiện đang phải chạy bù lỗ. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá vé mà Bảo Yến đang áp dụng cho tuyến Mỹ Đình - Tuyên Quang là 100.000 đến 120.000 đồng/khách, gần như cao nhất so với nhiều DN vận tải chạy cùng tuyến. Trả lời về việc Bảo Yến có giảm giá cước thời gian tới, ông Tuấn cho hay: “Việc giảm giá cước là để chia sẻ với người dân và chấp hành các chủ trương của cơ quan quản lý nên mặc dù lỗ nhưng những ngày tới chúng tôi sẽ giảm 10% giá vé”.

Một số DN khác lại lấy lý do rằng, các lần tăng giá xăng dầu trước đây họ không tăng giá, hoặc giữ nguyên giá cước từ các năm trước nên giờ sẽ không giảm giá. Đại diện Cty CP ô tô khách Hà Tây (DN đang có các tuyến buýt, xe khách chạy về các vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận Hà Nội), cho rằng, mức giá cước Cty đang áp dụng hiện nay được xây dựng, niêm yết từ năm 2011, do vậy bây giờ Cty không giảm là hợp lý. Tương tự, các tuyến xe khách của Cty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân không giảm giá cước do trước đây chưa điều chỉnh giá.

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, sau khi giá xăng đã giảm gần 40%, bất kể với lý do gì đến nay DN vận tải chưa giảm cước thì cũng cần phải kiểm tra. Qua kiểm tra sẽ biết được giá nhiên liệu đầu vào, đầu ra thế nào. Ở mỗi thời điểm đều có mức tính toán khác nhau. Do vậy trước khi kiểm tra Sở Tài chính đã có yêu cầu DN vận tải kê khai, niêm yết công khai giá cước… “Sau khi DN đã đăng ký, kê khai nếu giá cước vẫn thấy cao, liên ngành sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những DN có mức tính toán không phù hợp. Với DN vi phạm sẽ bị nêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng”, bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội, nói.

Công bố 3 trưởng đoàn kiểm tra giá

Tối 26/1, Bộ Tài chính công bố đích danh 3 lãnh đạo của Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đứng đầu các đoàn kiểm tra giá cước vận tải. Theo đó, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Đà Nẵng; ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Hà Nội; ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên các địa bàn TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Thời gian kiểm tra tại mỗi doanh nghiệp không quá 5 ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm tra công bố quyết định kiểm tra tại đơn vị. Các Đoàn kiểm tra sẽ định kỳ báo cáo kết quả kiểm tra với Bộ Tài chính, Bộ GTVT và sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về giá.

           Tuấn Đức

Xử lý như thế nào?

Đánh giá về sự chây ì giảm giá cước của các DN vận tải thời gian qua, bà Nguyên Thị Cúc (Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam) cho rằng: Các cơ quan quản lý giá đơn thuần không thể nắm được giá cước như thế nào là hợp lý. Hợp lý hay chưa chỉ có thể nói khi làm rõ giá đầu vào, đầu ra của các DN này. Thực tế, chỉ có cơ quan tài chính, thuế mới có thể làm được vấn đề này bởi họ nắm được gốc vấn đề thông qua nghiệp vụ kế toán của các DN đó.

Phân tích sâu hơn, người đứng đầu Hội Tư vấn Thuế nói cơ quan tài chính, thuế biết chi phí giá nhiên liệu (xăng, dầu) và các loại chi phí đầu vào khác của DN. Qua kiểm tra sẽ biết tổng chi phí DN vận tải như thế nào, từ giá đầu ra sẽ biết DN thực tế lời lỗ bao nhiêu. Đem con số này so với lợi nhuận mức bình quân xã hội sẽ xác định được DN đã giảm giá cước hợp lý hay chưa.

Cước vận tải liên quan đến đầu vào các loại hàng hóa khác. Các DN khác sử dụng dịch vụ vận tải với giá cao, ắt hẳn giá thành của đối tượng DN này cũng không thể giảm, tức chi phí xã hội tăng lên. Vì thế, các cơ quan thanh tra tài chính, thuế vào cuộc làm rõ vấn đề giá cước vận tải là hợp lý.

Bà Cúc kiến nghị: Có kết quả rồi nhưng xử lý kết quả thế nào mới quan trọng. Khi phát hiện DN kê khai chưa hợp lý, các cơ quan quản lý sẽ yêu cầu kê khai giảm giá phù hợp. Tùy theo mức độ xử lý, phạt theo các quy định về giá.

Tuấn Đức

MỚI - NÓNG