Chuyển đổi mô hình tăng trưởng:

Loại bỏ xin-cho, phân bổ lại nguồn lực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sáng 20/10. Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sáng 20/10. Ảnh: Như Ý.
TP - Đề cập kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Lời nói đi đôi với hành động

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Chính phủ luôn đề cao phương châm “lời nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm”.

Với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu trong những tháng còn lại, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Riêng chỉ tiêu GDP, Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể chỉ đạt 6,3- 6,5%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). “Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được trên đây thể hiện nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”, Thủ tướng phát biểu.

Đồng tình với nhận định trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, tình hình năm 2016 đã có chuyển biến đúng hướng, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 5%.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế  lưu ý, căn cứ để bảo đảm tăng trưởng cả năm từ 6,3-6,5% như báo cáo của Chính phủ chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể, thêm vào đó, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung vừa diễn ra gây thiệt hại lớn.

“Dự báo kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được. Ngược lại, nếu việc kiểm soát hiệu quả không tốt, việc gia tăng giải ngân tín dụng và ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cảnh báo.

Loại bỏ xin-cho, phân bổ lại nguồn lực ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Ngọc Châu.

Khoán chi hành chính

Về nhiệm vụ năm 2017, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,7%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP... Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực.

Bên cạnh đó, sẽ từng bước thực hiện khoán chi hành chính, đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, bảo đảm chi trả nợ. Chú trọng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, nhất là vay về cho vay lại, khắc phục tình trạng các khoản vay bị tăng chi phí do chậm tiến độ và hạn chế tối đa cấp bảo lãnh mới.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ cho rằng, cần xác định rõ mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững.

Từ mục tiêu trên, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ đề ra 70 nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong thời gian tới, như xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém. Bên cạnh đó, kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt. Đổi mới cơ chế quản lý và phân bổ đầu tư công theo nguyên tắc cạnh tranh, trên cơ sở lĩnh vực ưu tiên đầu tư và các đề xuất dự án tốt, khả thi, qua đó giảm xin - cho trong phân bổ đầu tư công. Tập trung tái cơ cấu phát triển các ngành ưu tiên, nòng cốt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, giữ vai trò dẫn dắt và thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành kinh tế.

Về nguồn lực, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến cần khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực phát triển, từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, do vậy, hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu…

Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra về kế hoạch trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng, Chính phủ cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự gắn kết giữa tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với kết quả cuối cùng là đời sống thực chất người dân được cải thiện tốt hơn.

Quốc hội kêu gọi ủng hộ người dân vùng ngập lụt

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, đồng chí vùng bị nạn; đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành; tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống. Trước phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.    

 Kiên – Dũng

MỚI - NÓNG