Luật Quy hoạch sẽ xóa 8.400 quy hoạch “vẽ ra cho có”

Luật quy hoạch giúp xóa bỏ 8.400 quy hoạch vẽ ra cho có. Ảnh minh họa, nguồn internet
Luật quy hoạch giúp xóa bỏ 8.400 quy hoạch vẽ ra cho có. Ảnh minh họa, nguồn internet
TPO - Ngày 24/5, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch cho biết, khi Luật này được Quốc hội thông qua sẽ loại bỏ hơn 8.400 quy hoạch không bao giờ được thực hiện, chỉ vẽ ra cho có.

Ông Các cũng cho rằng, việc cắt giảm các quy hoạch không chỉ nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí mà còn hướng đến sự phát triển bền vững của từng vùng miền cũng như chung toàn đất nước.

Ông Các nêu ví dụ, thời gian qua, xuất hiện nhiều tỉnh thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch phát triển cho mình như Quảng Ninh, Hà Tĩnh lập quy hoạch gần 60 tỷ đồng, đắt hơn trong nước hàng mấy chục lần.

Nếu theo đơn giá của Việt Nam chỉ khoảng 3 - 4 tỷ đồng cho 1 quy hoạch. Con số này rõ ràng đắt hơn, nhưng lại giá trị hơn, giúp cho địa phương phát triển, tính hiệu quả của quy hoạch đó là thiết thực.

Theo thông tin của Vụ Quản lý Quy hoạch, Tổ soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng số quy hoạch các cấp của Việt Nam là gần 19.300 quy hoạch các cấp.

Một khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống, Bộ KH&ĐT khẳng định sẽ giảm số quy hoạch xuống chỉ còn 11.400 quy hoạch các cấp (giảm khoảng 8.400 quy hoạch, tương ứng 43% số lượng quy hoạch).

Theo ông Lawrie Wilson-Chuyên gia quốc tế về quy hoạch, Dự thảo Luật Quy hoạch là văn bản luật này sẽ hợp lý hóa và chính thức hóa cấu trúc phân cấp quy hoạch ở Việt Nam. Quan trọng hơn, bản dự thảo sẽ chú trọng vấn đề “quy hoạch vùng” - nhân tố then chốt của một hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển hiệu quả, và phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới.

“Luật Quy hoạch có thể được coi là nhân tố thúc đẩy cho một cuộc cải cách sâu rộng hơn về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển mang tầm vóc quốc gia. Đây là bài học đầu tiên và cũng là quan trọng nhất từ các nền kinh tế phát triển hơn – đó là, sẽ chỉ có một “hệ thống quy hoạch” duy nhất , một hệ thống hoàn toàn toàn diện xuyên suốt tất cả các bộ và các cơ quan.

Phương thức làm thế nào để ta có thể phân bổ rõ ràng các chức năng đặc thù cho các bộ và các cơ quan sẽ dựa trên phạm vi kỹ năng riêng sẵn có của các bộ và các cơ quan đó, tuy nhiên nguyên tắc chủ chốt vẫn là các chức năng này cần được phân bổ tại nơi mà chúng có thể được áp dụng một cách hiệu quả nhất”, ông Lawrie Wilson nói.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, kinh nghiệm các nước trên thế giới đều có Luật Quy hoạch đô thị để tạo lập trật tự và hiệu quả của quá trình phát triển các đô thị trong buổi đầu đô thị hóa. Họ lập quy hoạch ở cấp quốc gia cho các ngành hạ tầng như giao thông, năng lượng, cấp thoát nước.

Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với việc lập quy hoạch là đảm bảo tính đồng bộ cho việc ban hành quy hoạch tổng thể các cấp. Tiếp theo là việc bồi dưỡng năng lực đội ngũ chuyên gia lập quy hoạch, và đội ngũ đó phải có trách nhiệm định kỳ giúp các cấp chính quyền rà soát, điều chỉnh quy hoạch.

Cùng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi (từ bao cấp sang thị trường), câu chuyện thay đổi tư duy về quy hoạch, kế hoạch bao giờ cũng rất khó khăn. Tư duy kế hoạch hóa tập trung vẫn luôn tồn tại dưới dạng này hay dạng khác mà tự thân con người khó nhận biết tư duy đó là biến dạng của tư duy bao cấp.

“Thực chất, bài toán quy hoạch trong cơ chế thị trường về thực chất chỉ là chia sẻ việc sử dụng không gian lãnh thổ, trong đó có tài nguyên thiên nhiên và phát triển hạ tầng chung nhằm mang lại hiệu suất và hiệu quả cao trong quá trình phát triển bền vững. Những vấn đề khác do thị trường quyết định dựa trên các quy luật của thị trường”, ông Võ nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG