Malaysia : Người lao động Việt Nam đang bị vắt sức?

Malaysia : Người lao động Việt Nam đang bị vắt sức?
Họ phải làm thêm trung bình 6 tiếng/ngày, nhiều người đã ngất xỉu.Nhiều chủ doanh nghiệp Malaysia dọa cúp lương để buộc NLĐ làm  thêm giờ...

Trước khi sang Malaysia làm việc, người lao động thường đặc biệt quan tâm đến điều khoản hợp đồng về làm thêm ngoài giờ, vì đây là cơ hội để họ có thêm thu nhập ngoài lương cơ bản.

Thường thì làm thêm càng nhiều càng tốt (tất nhiên phải dựa trên tinh thần tự nguyện và khả năng cho phép của sức khỏe người lao động…). Thế nhưng, mấy ngày qua, chính người lao động lại than phiền vì điều này, khi hầu hết lao động Việt Nam đang làm việc tại các Cty của Malaysia đang phải làm thêm quá sức…

Nguyễn Văn Hoán (đang là công nhân Cty dệt HULON, trụ sở tại TP Nilai, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50 km) cho biết, mấy tuần qua đã phải làm thêm giờ quá nhiều (trung bình 6 tiếng/ngày). Mặc dù lương làm thêm nhà máy trả sòng phẳng (gấp 1,5 lần lương ngày thường) và tổng thu nhập cũng cao hơn trước, có khi lên đến 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Nhưng do lao động Inđônêxia, ấn Độ… đã hồi hương sau “chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp” của Chính phủ nước này với số lượng lớn nhưng quay trở lại làm việc lại rất ít nên lao động Việt Nam đang làm việc tại một số nhà máy lớn phải làm thêm ngoài giờ với cường độ rất cao. Theo một số người lao động, trước đây, làm thêm là do người lao động tự nguyện, nay một số Cty do thiếu nhân công nên đã dùng “tiểu xảo”, ép người lao động làm thêm ngoài giờ quá nhiều.

Một số công ty thiếu lao động đến mức phải rao tuyển cả sinh viên, sẵn sàng trả lương cao hơn công nhân nước ngoài. Nhưng họ chẳng tuyển được vì sinh viên nước này không mặn mà với công việc và đồng lương mà các Cty này mang lại (mặc dù cao hơn lương công nhân nước ngoài)…

Lê Anh Tịnh (quê ở Voi, Kỳ Phong - Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đang làm việc tại một Cty bao bì ở Malaka (cách thủ đô Kuala Lumpur 180 km) đã viết thư về nhà trong tâm trạng uể oải do nhiều đêm phải thức trắng vì làm thêm ngoài giờ.

Tịnh cho biết, hiện các Cty Malaysia đang thiếu lao động trầm trọng, thậm chí một số Cty điện tử chỉ còn lại lao động Việt Nam “cắm chốt” (lao động Inđônêxia, ấn Độ… phần bị truy quét, trục xuất về nước, phần vì việc gia đình đã xin về nước và chưa quay trở lại) “làm thay” phần việc cho lao động một số quốc gia đã hồi hương.

Cuối tháng 3/2005, Chính phủ nước này đã họp khẩn cấp, bàn kế hoạch tuyển lao động nước ngoài. Thế nhưng, số lao động tuyển mới chưa đủ bù đắp chỗ trống lớn do “chiến dịch truy quét” vừa rồi để lại, nên hầu hết lao động nước ngoài đang làm việc tại đây phải làm thêm ngoài giờ cật lực.

Tại Cty mà Tịnh đang làm việc, chủ  sử dụng lao động đã dùng nhiều biện pháp như: “dọa” cắt lương, cắt làm thêm vĩnh viễn…để ép người lao động làm thêm. “Có một vài người làm trong tổ của em đã ngã mệt vì phải làm thêm quá nhiều. Khi xin nghỉ, ông chủ còn nghi ngờ và cử nhân viên đưa bạn em đi khám tại bệnh viện.

Khi biết chắc bạn em ốm thật thì mới cho nghỉ. Thời gian gần đây, tuy làm thêm đã mang lại thu nhập khá cho anh em nhưng bị bắt buộc nên ai cũng thấy bức bách, khó chịu. Anh em đồng hương cuối tuần thường gặp nhau nghỉ xả hơi nay bị công việc cuốn vào nên lâu rồi chẳng được gặp nhau. Hơn nữa, làm quá sức bọn em sợ ngã bệnh. Đau ốm mà xa nhà sợ lắm…”.   

Nguyễn Trọng Nữ Ngọc đang làm việc cho công ty may HOSIN (trụ sở tại Batu Pahat, cách Kuala Lumpur 300 km) cho biết, hiện có khoảng 120 nữ lao động Việt Nam đang làm việc tại đây, công việc và thu nhập ổn định.

Trong đợt truy quét vừa rồi Cty này cũng phải đối mặt tình trạng thiếu nhân công. Một số công ty có trụ sở tại Batu Pahat đang “khuyến khích” hầu hết lao động làm thêm hết “công suất”. “Chúng em có khi phải làm từ 7 giờ sáng đến 10 tối. Nhưng các bạn của em làm tại một số Cty điện tử, điện lạnh, bao bì, dệt…, thậm chí làm kín ngày, không có thời gian nghỉ ngơi. Các bạn ấy thi thoảng gọi điện tâm sự, nếu cứ làm thế thì kiệt sức...

Biết công nhân mệt mỏi, một số ông chủ ra thông báo nhằm khích lệ công nhân, Chính phủ đang cho phép các Cty Malaysia tuyển 100.000 lao động từ các quốc gia Sri Lanka, Nepan, Pakistan… Khi đó, những lao động đã làm thêm nhiều trong thời gian qua sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn…và được bồi dưỡng”.

Ước tính, hiện Malaysia đang cần khoảng 1 triệu lao động nước ngoài. Khoảng trống thiếu nhân công này là rất lớn. Đây là cơ hội tốt để lao động nông thôn, lao động phổ thông của Việt Nam đến quốc gia này với số lượng lớn, thực hiện “xóa đói giảm nghèo”.

Tuy nhiên, việc trước mắt là trong thời điểm này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, cần tìm hiểu, khảo sát tình hình làm việc của người lao động và có biện pháp điều chỉnh nhằm vừa đảm bảo nhu cầu làm thêm, tạo thêm thu nhập và vừa bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người lao động. Tránh để người lao động rơi vào tình cảnh bị “vắt chanh”.

 Lê Anh Đạt

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)  Nguyễn Thanh Hoà  cho biết: Cục cũng vừa cử đoàn công tác (do Cục phó Vũ Đình Toàn dẫn đầu) đến Malaysia để khảo sát, kiểm tra... thực tế công việc của khoảng gần 90.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Hiện Đoàn công tác đang có mặt tại Malaysia và những thông tin liên quan đến việc lao động Việt Nam đang phải làm thêm giờ quá sức, chúng tôi sẽ chuyển đến và đề nghị Đoàn công tác tiến hành thẩm tra và cùng với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia có biện pháp giải quyết.   

MỚI - NÓNG