''Maratong'' vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR

''Maratong'' vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, muốn gia nhập WTO trong năm nay, VN chỉ còn hơn 2 tháng để vận động Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
''Maratong'' vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR ảnh 1

Thành công nếu VN khẩn trương, phối hợp với bạn bè Mỹ (doanh nghiệp, luật sư, nhà lobby) một cách tổng hợp và vận động đúng chỗ. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết:

- Nếu muốn vào WTO trong năm nay thì từ đây đến hết tháng 7 phải vận động Quốc hội Mỹ thông qua PNTR. Vì sau tháng 7, Quốc hội Mỹ nghỉ hè và kể từ tháng 9 chắc chắc sẽ rất bận rộn chuẩn bị bầu cử. Cho nên thời gian rất eo hẹp.

- Những thuận lợi và khó khăn của việc vận động này là gì, thưa bà?

- Thuận lợi là tình hình chung về quan hệ Việt Mỹ là tích cực, phát triển theo hướng ổn định và tăng cường. Năm ngoái có chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải và năm nay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Dennis Hastert vừa sang thăm VN.

Theo dõi bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ và thành viên trong đoàn, thái độ chung là có thiện ý. Đương nhiên vấn đề PNTR phải đem ra Quốc hội Mỹ bỏ phiếu và chúng ta phải làm thế nào đó được đa số.

Thuận lợi thứ hai là Tổng thống Bush sẽ sang thăm VN nhân Hội nghị cấp cao APEC và thăm song phương. Nói chung phía Mỹ cũng đặt mục tiêu là đạt được một cái gì đó tích cực về song phương trước chuyến thăm.

Mặc dù hành pháp độc lập với lập pháp nhưng trong chừng mực nào đó, Chính phủ Mỹ cũng có sự hỗ trợ. Trong Quốc hội , người Đảng cộng hoà của Tổng thống Bush chắc là xu hướng thuận lợi.

- Vậy còn những khó khăn?

- Truyền thống của Đảng cộng hoà thiên về tự do thương mại hơn là Đảng dân chủ. Đảng dân chủ thiên về bảo trợ cho thị trường trong nước. Khách quan mà nói, khó khăn thứ nhất là phải chuẩn bị quan tâm các nghị sỹ Đảng dân chủ. Dù về chính trị chung họ ủng hộ quan hệ với VN nhưng riêng về thương mại không đơn giản.

Khó khăn thứ hai, Quốc hội Mỹ khác với bên chính quyền. Cử tri vận động các nghị sỹ của mình lên tiếng, bảo vệ quyền lợi của địa phương mình hoặc công ty của mình. Giả định ngành dệt may cho là Chính phủ Mỹ trong thương lượng đã ''hơi nhân nhượng'' VN thì có thể họ có bước cuối cùng là lobby nghị sỹ của họ để đưa vấn đề này ra chất vấn, thảo luận tại Quốc hội. Cho nên phải nhờ bạn bè Mỹ đánh giá sắp tới chỗ nào sẽ khó khăn để chuẩn bị tinh thần vận động.

Còn một khó khăn nữa là một số nghĩ sỹ công kích mình về dân chủ, nhân quyền. Trong số đó, có người nói chúng ta về nhân quyền nhưng có thể chấp nhận cho mình vào WTO. Nhưng cũng có một số nghĩ sỹ, đặc biệt bị kích động bởi thiểu số cực đoan trong cộng đồng người Việt, không loại trừ, tìm cách gây sức ép. Họ có thể đưa nội dung liên quan đến nhân quyền làm điều kiện trong văn bản thoả thuận.

- Với thời gian hơn 2 tháng, chúng ta sẽ vận động như thế nào?

- Chắc chắn Quốc hội và Chính phủ mình sẽ có những vận động. Cụ thể thế nào tôi chưa thể nói được. Tôi cũng sắp sửa đi Mỹ đây.

- Bà có tin rằng chúng ta thành công trong thời gian ngắn này?

- Thành công nếu chúng ta phối hợp với bạn bè Mỹ trong có doanh nghiệp, luật sư và nhà lobby một cách tổng hợp và vận động đúng chỗ. Vì có hơn 400 hạ nghĩ sỹ Mỹ và 100 thượng nghị sỹ.

Vấn đề nằm chủ yếu ở hạ viện, thượng viên sẽ thuận lợi hơn. Nếu mình biết, khẩn trương làm đúng tôi không loại trừ có thể vận động thành công trong thời gian ngắn. Nhưng tôi không nói ''đóng đinh'' 100% là sẽ được!

Trong việc này làm sao phải kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội. Chính phủ thông qua Đại sứ quán tại Mỹ vận động, đồng thời Quốc hội góp sức thêm.

- Chúng ta có phương án kết thúc vòng đa phương, làm thủ tục gia nhập WTO, sau đó mới quay lại làm nốt phần về PNTR?

- PNTR chỉ tác động đến hiệu lực thành viên WTO của VN trong quan hệ VN với Mỹ. Như tôi đã nói, việc Quốc hội Mỹ thông qua PNTR sớm là có thể chứ không phải 100%. Lỡ rơi vào mấy % không chắc chắn đó thì VN phải cố hoàn tất phần đa phương tại Geneve và với Ban thư ký của WTO.

Nếu Ban thư ký WTO, đứng đầu là Tổng giám đốc Pascal Lamy, sẵn sàng khẩn trương trong 3 tháng tới làm xong phần đa phương và xuất hiện cơ hội từ đây cho đến tháng 11 thì có thể kết nạp VN vào WTO. Nhưng thực chất tư thế thành viên WTO chỉ áp dụng với các nước thành viên WO, trừ Mỹ.

Còn phương án ưu tiên hiện nay là ''maratong'' các mặt để cho cả phần song phương (gồm PNTR) và đa phương đều xong trước tháng 11.

- Với diễn biến thuận lợi, WTO có thể gia nhập WTO trước tháng 11?

- Có thể được. Đương nhiên đòi hỏi chúng ta khẩn trương và ứng xử một cách phù hợp ở các diễn đàn khác nhau.

Theo Văn Tiến

VietnamNet

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội:

''Khung luật cơ bản đã đáp ứng WTO''

* Đến thời điểm hiện nay, công tác xây dựng luật của Quốc hội đã đáp ứng được yêu cầu gia nhập WTO?

- Tôi đi cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu sang thăm Mỹ hồi đầu năm thì ai cũng cho rằng Quốc hội VN làm luật hết sức tích cực. Khung luật cơ bản đáp ứng WTO năm ngoái đã làm xong  Đương nhiên sắp tới có một số luật nữa (như Luật chứng khoán) thì chỉ bổ sung thêm. Vấn đề duy nhất là triển khai kịp thời, có văn bản hướng dẫn nếu cần.

Cái khó của VN không hẳn ở phần làm luật mà ở triển khai những biện pháp thực hiện. Trong thực hiện đôi khi không đồng bộ, Trung ương hiểu thế này, địa phương hiểu thế khác. Cho nên thông thường tiếp xúc với các đối tượng nước ngoài, kể cả Mỹ, họ phân vân về phần thực thi hơn phần xây dựng luật. Phần xây dựng luật nói chung họ khen!

MỚI - NÓNG