Mở cửa Ngân hàng: Không sợ cạnh tranh vì vẫn còn bảo hộ?

Mở cửa Ngân hàng: Không sợ cạnh tranh vì vẫn còn bảo hộ?
Cuối tháng 4 này, nếu được chấp thuận, Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ACB sẽ trở thành những ngân hàng đầu tiên của  Việt Nam bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài.

Cùng thời điểm, dự thảo Nghị định Tổ chức Hoạt động của Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến. Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa-Vụ trưởng Vụ chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông Nghĩa cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho phép các ngân hàng trong nước bán cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài, nhưng phải theo đúng quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, quy định này cho phép các ngân hàng nước ngoài có thể sở hữu tổng số 30% cổ phần của ngân hàng nội địa, từng ngân hàng nước ngoài thì chỉ được phép sở hữu tối đa là 10%.

Để huy động vốn, ngoài việc bán cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài, tại sao Sacombank và ACB vẫn chưa tham gia thị trường chứng khoán, thưa ông?

Tôi khẳng định là lâu nay không phải Ngân hàng Nhà nước không cho hai ngân hàng trên niêm yết, mà chúng tôi còn động viên “họ” niêm yết nhưng họ chưa niêm yết, có thể vì “sợ” khi niêm yết lên thì có nhiều ràng buộc về tính minh bạch, và có những ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của cổ đông trong trường hợp mà họ làm ăn không hiệu quả.

Được biết dự thảo Nghị định về Tổ chức hoạt động của Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sắp hoàn thành. Ông có thể cho biết những nội dung cơ bản của Nghị định này?

Tinh thần của nghị định là mình phải sửa soạn các cơ sở pháp lý cho phù hợp với 4 tiêu chí cơ bản của WTO. Thứ nhất là vấn đề cấp phép đúng thủ tục, đúng thời hạn mà WTO yêu cầu. Thứ hai là loại hình ngân hàng được phép hoạt động ở Việt Nam, tức là loại hình sở hữu.

Trong các văn bản luật hiện hành của mình thì chưa có quy định này, ví như ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, nghị định đã đưa các loại hình này vào.

Thứ ba là các lĩnh vực hoạt động, trong các quy định hiện hành thì cũng còn thiếu nhiều các loại dịch vụ mà dự kiến các ngân hàng nước ngoài khi vào Việt Nam sẽ hoạt động, ví như dịch vụ ngân hàng bán lẻ, và một số dịch vụ mới như được phép mở các máy rút tiền tự động ATM ngoài trụ sở (quy định hiện hành chỉ cho phép ngân hàng nước ngoài mở ATM tại trụ sở-P.V)...

Thứ  tư là tỷ lệ góp vốn cổ phần trong các ngân hàng nội địa, như trường hợp của Sacombank và ACB. Từ nay đến 2010 thì Ngân hàng Nhà nước chủ trương tỷ lệ chấp nhận được là 30% và 10% như đã nói ở trên.

Như vậy, nghị định vẫn “hạn chế” hoạt động của ngân hàng nước ngoài để “bảo hộ” các ngân hàng trong nước?

Hạn chế được xem là quan trọng nhất lâu nay là hạn chế huy động tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam, chúng tôi cũng dự kiến sau năm 2010 các ngân hàng nước ngoài được phép huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Vào thời điểm đó gần như cũng sẽ không có hạn chế nào đối với hoạt động của các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam, không còn hạn chế về huy động nhân lực, địa bàn hoạt động và cung ứng dịch vụ.

Vậy là sức ép hội nhập đang “đè nặng” lên các ngân hàng trong nước?

Tôi cho rằng trong vòng vài ba năm tới, sự cạnh tranh sẽ không gay gắt. Bởi vì cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh để thu hút khách hàng, mà các doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp lớn thường là doanh nghiệp quốc doanh, đã là doanh nghiệp quốc doanh thì ngân hàng nước ngoài sẽ “không dám” cho vay, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tình trạng tài chính không minh bạch nên các ngân hàng nước ngoài cũng phải cân nhắc rất kỹ khi mở “hầu bao”.

Hơn 10 năm nay, các ngân hàng nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam, nhưng chưa dám cho một doanh nghiệp của Việt Nam vay tiền, họ chỉ “loay hoay” với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nên vấn đề cạnh tranh khách hàng có lẽ sẽ chưa đến hồi gay cấn.

Chiến lược hội nhập của ngành ngân hàng ra sao trong bối cảnh chúng ta sẽ gia nhập WTO vào cuối năm nay?

Chiến lược thì có nhiều, nhưng phương châm đầu tiên để xây dựng chiến lược hội nhập của ngành ngân hàng Việt Nam là phải làm cho hoạt động của ngân hàng ngày càng minh bạch. Có nghĩa là chiến lược hướng vào việc hoạt động của các ngân hàng thương mại phải minh bạch hoá cả về kế toán và về Cty quản lý, và sử dụng các công nghệ phần mềm để xử lý các dữ liệu thông tin. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp dụng chuẩn mực về giám sát, thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại theo các quy định của ủy ban VASEL.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.