Người Việt chi 120 triệu USD mỗi tháng nhập rau quả

Từ đầu năm đến nay, tính bình quân mỗi tháng người Việt chi 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.
Từ đầu năm đến nay, tính bình quân mỗi tháng người Việt chi 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.
TPO - Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, chỉ riêng mặt hàng quả nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đã đạt mức 659 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính bình quân, mỗi tháng, người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu rau quả tháng 7 đạt 216 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu rau quả 7 tháng của năm 2017 đạt 852 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 168 triệu USD, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ riêng mặt hàng quả nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đã đạt mức 659 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính bình quân, mỗi tháng, người Việt đã bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.

Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 6 tháng năm 2017 của Việt Nam là Thái Lan với chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Lượng nhập khẩu rau quả từ thị trường này đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc (16,8%), Ấn Độ, Hàn Quốc…

Rau củ quả được nhập về Việt Nam chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)… Nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc cũng được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.

Về việc rau quả ngoại liên tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong những tháng qua, trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Công Thương cũng bày tỏ việc cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến nhập khẩu nhiều mặt hàng trong các tháng đầu năm và cần theo dõi chặt chẽ trong các tháng cuối năm.

Theo đó, hiện nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu với kim ngạch hơn 6 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là sự tăng cao của mặt hàng rau quả với kim ngạch nhập khẩu tăng rất mạnh (tăng 81,7%), sắt thép phế liệu, đạt 583 triệu USD (tăng 59,4%), xe máy và linh kiện phụ tùng (tăng 14,3%).

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu rau quả tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế. Cùng đó, việc giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng đã làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả giúp giá thành trái cây nhập khẩu giảm.

“Việc thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA về mức 0% đối với các loại trái cây cũng như việc đơn giản thủ tục (chỉ cần giấy kiểm dịch) và việc doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để chế biến và tái xuất gồm sầu riêng và nhãn đã khiến rau quả nhập khẩu tăng đột biến”, Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, dù lượng rau quả nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh nhưng tính tổng thể, Việt Nam hiện vẫn là nước xuất siêu rau quả với giá trị xuất khẩu chỉ riêng tháng 7 đạt 360 triệu USD. Còn tính tổng giá trị rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, con số này đã đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm 2016. Những nước nhập khẩu rau quả Việt nhiều nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, chiếm tới 84,4% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.

Bên cạnh những lưu ý về mặt hàng rau quả, cũng theo Bộ Công Thương, một mặt hàng cần chú ý trong thời gian tới chính là sắt thép phế liệu. Tại Việt Nam, sắt thép phế liệu nhập khẩu đã tăng khá mạnh thời gian qua do một số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân và triển khai đầu tư xây dựng làm tăng nhu cầu về sắt thép. Cùng đó, nhu cầu nhập khẩu phế liệu sắt thép để sản xuất thép nhằm cung ứng cho các dự án đã dẫn đến các nhà máy luyện thép trong nước lựa chọn nhập khẩu phế liệu.

Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu tiếp tục tăng cao từ khu vực thị trường châu Á (tăng 23,8%), đặc biệt là mức tăng cao kỷ lục từ thị trường Hàn Quốc (51,3%). Nguyên nhân chủ yếu là nhập khẩu phục vụ máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất của nhà máy Samsung.

MỚI - NÓNG