'Mốt' lập ngân hàng để bán cổ phiếu : Không dễ !

'Mốt' lập ngân hàng để bán cổ phiếu : Không dễ !
Một ngân hàng ra đời rồi đến lúc đổ vỡ thì có khi cả hệ thống này bị sụp đổ và người đứng đầu như tôi, chừng nào còn đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm chính, vì thế tôi không thể dễ dãi được. Thống đốc Lê Đức Thúy trao đổi với báo chí, sáng nay (28/3).
'Mốt' lập ngân hàng để bán cổ phiếu : Không dễ ! ảnh 1
Thống đốc Lê Đức Thúy. Ảnh: SGPP.

- Huy động vốn của các ngân hàng thương mại chững lại nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái, có người cho rằng, dòng tiền gửi tiết kiệm đã chảy vào chứng khoán. Thống đốc nói gì về điều này?

- Tôi có theo dõi hiện tượng này. So với cùng kỳ năm 2006, số tiền gửi huy động của các tổ chức kinh tế và của dân cư đều tăng, nhưng mức tăng tiền gửi huy động của dân cư chỉ bằng một nửa năm ngoái. Điều đó chứng tỏ, những người có tiền gửi tiết kiệm đang đầu tư vào cái khác, mà tôi đánh giá phần lớn là dành cho chứng khoán.

Điều này có thể có hai ảnh hưởng đến ngân hàng. Thứ nhất là vốn ngân hàng huy động không đủ cho nhu cầu kinh tế thì nhất định phải có sự tranh chấp về vốn, như vậy buộc phải nâng lãi suất lên, do đó lãi suất cho vay cũng tăng theo, tác động đến tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, có một yếu tố khác triệt tiêu những bất lợi trên là doanh nghiệp có thể huy động vốn rẻ hơn rất nhiều so với đi vay ngân hàng bằng cách phát hành cổ phiếu.

Con đường huy động vốn này giúp doanh nghiệp giảm được hai rủi ro: rủi ro lãi suất và quan trọng hơn là rủi ro thanh toán. Vay ngân hàng thì phải có thời hạn trả, còn tôi bán được chứng khoán thì tôi không bao giờ phải nghĩ đến chuyện trả. Chỉ có điều các vị mua rồi, muốn thanh khoản thì phải bán cho người khác.

- Nhiều khách hàng vay vốn ngân hàng kê khai là sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế lại mang tiền đầu tư chứng khoán. Thống đốc có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đó là hiện tượng đáng lo ngại vì nó làm cho việc đánh giá những nhân tố vĩ mô cho việc quản lý hoạt động tài chính ngân hàng gặp khó khăn. Vì vậy trách nhiệm trước hết là của tổ chức tín dụng, khi cho vay thì phải giám sát nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn. Thứ hai là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về mặt thanh tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý.

Khi một lượng tiền lớn chảy vào chứng khoán mà chúng ta không kiểm soát được, để nó cứ nóng dần lên, đến lúc mà “nổ” thì đương nhiên tác hại đâu chỉ có mỗi chứng khoán. Nhưng quan trọng là lo ở mức độ nào và đưa ra biện pháp kiểm soát như thế nào.

- Thống đốc nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần thống kê lại lượng tiền cho vay đầu tư chứng khoán?

- Theo báo cáo lượng tiền cho vay trực tiếp kiểm soát được qua hoạt động chứng khoán của ngân hàng hiện nay vào khoảng 2,6-3%. Ở mức này thì chưa có vấn đề gì để phải lo ngại quá đáng.

Có nhiều nhân tố để nói là nguồn vốn trước đây nằm trong ngân hàng hoặc có thể chạy vào ngân hàng nhưng bây giờ chạy ra ngoài. Nhìn tổng thể, thị trường chứng khoán của chúng ta hiện nay vốn hóa khoảng 220 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ ngân hàng khoảng 800 nghìn tỷ. Nếu toàn bộ vốn hóa kinh doanh trên thị trường chứng khoán được biến thành tiền mua bán hằng ngày thì mới bằng 1/4 tổng lượng vốn tín dụng ngân hàng.

Nhưng không phải người ta đem cả 220 nghìn tỷ đồng ra mua bán hằng ngày mà trên thực tế chỉ khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Có người bảo rằng nguồn vay ngân hàng chơi chứng khoán chiếm đến 20% dư nợ, tức 160 nghìn tỷ đồng. Chẳng nhẽ, người ta vay 160 nghìn tỷ đồng để đi kinh doanh 1 nghìn tỷ đồng? Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa vào 3-4 tỷ USD trong năm 2006 và đầu 2007 thì số tiền này chạy đi đâu? Đó là chưa kể, những người có tiền không gửi ngân hàng, cũng như không vay ngân hàng đi chơi chứng khoán thì tiền đó cũng là đổ vào thị trường chứng khoán.

- Ông bình luận gì về ý kiến rằng đang có hiện tượng rửa tiền thông qua mua bán chứng khoán và thành lập ngân hàng?

- Điều này không loại trừ, căn cứ vào hai phương diện. Thứ nhất là việc người ta kiếm được tiền rồi ném vào đây thì có thể kiếm lợi một cách rất hợp pháp một lượng tiền khổng lồ nếu tính toán đúng. Nếu mua một cổ phiếu với giá 1 ăn 2 rồi bán với giá 1 ăn 10 thì đấy là một cách kiếm tiền chưa nên gọi là rửa tiền.

Nhưng nếu nguồn gốc tiền ban đầu của anh hoặc là bằng cách đó để anh lại nói là các tài sản của tôi kiếm được qua đầu tư chứng khoán chứ không phải bằng nguồn bất hợp pháp không minh chứng được, điều đó thì các cơ quan có trách nhiệm khi thẩm tra tính minh bạch của tài sản cần lưu ý xem xét. Điều đó buộc người ta phải chứng minh được chứng khoán đó được bán - mua ngày nào, của ai, tài khoản giao dịch thế nào, thị trường chính thức hay không chính thức... Những cái này cũng có thể kiểm soát được.

Nhưng đó không phải là việc của tôi. Mà trách nhiệm của tôi là phải đôn đốc Trung tâm phòng, chống rửa tiền để tránh tình trạng rút tiền mặt quá mức vào một thời điểm nhất định hoặc là có những khoản chuyển tiền không minh bạch. Để có thể kiểm soát được việc này cần phải có sự nỗ lực của nhiều cơ quan chứ trách nhiệm chính không phải của Ngân hàng Nhà nước.

- Phong trào thành lập ngân hàng mới có thể dẫn tới những rủi ro nào với nền kinh tế?

- Việc người ta đua nhau xin lập ngân hàng thể hiện hai điều. Thứ nhất, ngân hàng đang là một trong những lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thứ hai, thẳng thắn mà nói, nó cũng có một động cơ lợi ích mà nhiều khi không được tính toán một cách nghiêm túc khi người ta thấy cổ phiếu ngân hàng nóng. Nhưng họ không hiểu rằng chúng tôi cũng hiểu điều đó và về mặt Nhà nước thì chúng tôi không để cho người ta lợi dụng.

Một ngân hàng ra đời rồi đến lúc đổ vỡ thì có khi cả hệ thống này bị sụp đổ và người đứng đầu như tôi, chừng nào còn đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm chính, vì thế tôi không thể dễ dãi được.

Theo Vnexpress

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.